Thái Bình: Đẩy mạnh công tác xét nghiệm HIV tự nguyện cho cộng đồng

24/06/2019 12:43

Theo số liệu thống kê, trong tháng 5, Thái Bình đã phát hiện 7 ca nhiễm HIV mới, có 2 ca là người ngoại tỉnh. Tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh đang quản lý 2.135 người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống. Đến hết tháng 5 có 1.460 bệnh nhân AIDS, trong đó có 731 người là phụ nữ, chiếm 34,2%.

 Xét nghiệm HIV tự nguyện cho người dân tỉnh. Ảnh: TT PC HIV/AIDS

Riêng trong tháng 5, Thái Bình đã tổ chức tiếp nhận và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 1.250 người nghiện ma túy tại tất cả các cơ sở điều trị. Trong đó, Trung tâm CDC 174 bệnh nhân, Trung tâm y tế thành phố 258 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Methadone các huyện Đông Hưng 115 bệnh nhân, Vũ Thư 76 bệnh nhân, Quỳnh Phụ 170 bệnh nhân, Hưng Hà 129 bệnh nhân, Tiền Hải 153 bệnh nhân, Kiến Xương 74 bệnh nhân, huyện Thái Thụy 101 bệnh nhân.

Địa phương đang tiếp tục duy trì tốt công tác điều trị ARV cho 1.246 bệnh nhân tại các phòng khám ngoại trú. Đến nay 98% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS đã có thẻ BHYT từ các nguồn hỗ trợ, tài trợ.

Để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV, thời gian qua địa phương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động. Trong đó, có các chương trình giám sát, can thiệp giảm tác hại được triển khai mở rộng, tổ chức các buổi giám sát trọng điểm đối tượng nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm; tăng cường điều tra, khảo sát và tiếp cận người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

Nhằm tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS điều trị bệnh, chương trình điều trị HIV/AIDS hiện đang duy trì 10 phòng khám điều trị ngoại trú, trong đó tuyến tỉnh có 2 phòng khám, tuyến huyện có 8 phòng khám. Trong số 1.244 bệnh nhân được quản lý điều trị tại các phòng khám ngoại trú có 1.178 bệnh nhân áp dụng điều trị phác đồ bậc 1; 66 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2. 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã thực hiện thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế.

Ngoài duy trì các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS còn triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV lưu động tại cộng đồng có sự tham gia của tổ chức những người nhiễm HIV và các nhóm có nguy cơ cao. 

Chương trình điều trị Methadone cũng đang được duy trì tại 9 cơ sở điều trị và 7 điểm cấp phát thuốc trải đều trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đến uống thuốc, từ đó giảm thiểu hành vi tiêm chích, lây lan HIV từ đối tượng có nguy cơ cao ra cộng đồng.

Bên cạnh những hiệu quả tích cực thì hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng vẫn gặp không ít khó khăn. Theo nhận định, số người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng chưa được phát hiện, quản lý còn nhiều, bởi thời gian gần đây số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện khi đi khám bệnh thông thường, khi sinh con, gặp tai nạn, ốm đau phải vào viện có chiều hướng gia tăng.

Mặt khác, tình trạng kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn phổ biến khiến nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS không dám đi xét nghiệm để biết tình trạng của mình. Nhiều người xét nghiệm còn giấu tên tuổi, địa chỉ. Xét nghiệm có kết quả dương tính song không dám công khai tham gia điều trị. Có người điều trị thì bỏ ngang giữa chừng. Đây chính là mối lo lắng và khó khăn cho công tác phòng chống HIV/AIDS bởi họ sẽ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao cho gia đình, cộng đồng.
Top