Can thiệp sức khỏe tâm thần dành cho người sử dụng ma túy

17/06/2019 16:00

Những thanh thiếu niên mắc rối loạn tâm thần có nhiều khả năng trở nên phụ thuộc vào chất ma tuý hơn là những người không có rối loạn tâm thần. Ngược lại, những thanh thiếu niên lạm dụng chất ma tuý có khả năng mắc rối loạn tâm thần hơn so với người không lạm dụng chất. Do vậy khi rối loạn tâm thần và lạm dụng chất cùng xảy ra sẽ khiến vấn đề phức tạp hơn, làm tăng thách thức cho công tác quản lý và điều trị.

Toàn cảnh hội thảo

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) phối hợp tổ chức Hội thảo "Can thiệp sức khỏe tâm thần dành cho người sử dụng ma túy" với sự tham gia của các chuyên gia và bác sĩ làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, điều trị nghiện trong nước và quốc tế.

Hội thảo cập nhật những thông tin về thực trạng tình hình sức khỏe tâm thần đối với người sử dụng (đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên) và những can thiệp hiện có tại Việt Nam và quốc tế, đồng thời thảo luận để xây dựng chiến lược can thiệp về sức khỏe tâm thần cho người sử dụng ma túy tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết, hiện nay tệ nạn ma túy cũng như vấn đề người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Số người nghiện tăng dần hàng năm, số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, không kiểm soát hành vi, tự sát, giết người đang gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của người dân ở các khu vực dân cư, và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 15/11/2018, cả nước có 225.099 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (chiếm 0,24% dân số). Trong số người nghiện, thì nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm hơn 50%, thậm chí ở một số địa phương, tỷ lệ này còn cao hơn (Đồng Nai: 87%; Đà Nẵng: 85%; An Giang: 76%...) là vấn đề đáng báo động.

Ngày càng nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần nặng do dùng ma túy tổng hợp phải nhập viện. Họ có các biểu hiện như: lo âu, hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm… Tại các cơ sở cai nghiện, những người trầm cảm thường có hành vi tự sát gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở .

Dự phòng bắt đầu từ thấu hiểu

Theo BS. Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm SCDI, tỷ lệ người sử dụng ma tuý có vấn đề về sức khoẻ tâm thần rất cao, giao động từ 20-40%. Mối liên hệ giữa việc sử dụng chất gây nghiện với sức khoẻ tâm thần thể hiện rất chặt chẽ, ở 3 khía cạnh: một là, vì gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần nên sử dụng ma tuý; hai là, vì sử dụng ma tuý nên những dấu hiệu của sức khoẻ tâm thần bộc phát ra; ba là, vì sử dụng ma tuý kéo dài dẫn đến các vấn đề trong sức khoẻ tâm thần.

Trong độ tuổi thanh thiếu niên, não bộ vẫn tiếp tục phát triển, đến 24-25 tuổi mới hoàn thiện, nếu trong quá trình đó, thanh thiếu niên sử dụng các chất kích thích gây tác động lên thần kinh trung ương như ma tuý, rượu... sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ dẫn dến nguy cơ bị mắc các căn bệnh về sức khoẻ tâm thần nhiều hơn, nguy cơ nghiện cao hơn.

“Chúng ta cần tìm hiểu xem đối với những người sử dụng ma tuý, có nguy cơ sử dụng ma tuý, đặc biệt là thanh thiếu niên, liệu các em có gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần hay không để chúng ta có những biện pháp ứng phó cũng như can thiệp dự phòng cho phù hợp”, BS. Khuất Hải Oanh nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho thanh thiếu niên có thể làm tăng chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ người sử dụng ma tuý cũng như phạm tội.

Ngày càng nhiều bằng chứng về việc thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe thời niên thiếu không chỉ đem lại lợi ích cho chính thiếu niên đó trong ngắn hạn và dài hạn, mà còn ảnh hướng tích cực đến nền kinh tế-xã hội khi những người trường thành khỏe mạnh có thể lao động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho gia đình, cộng đồng. Nhiều việc có thể làm giúp xây dựng tính dẻo dai về tinh thần cho trẻ em và thiếu niên để phòng chống các căng thẳng và bệnh lý về tâm thần cho các em, cũng như để xử trí và phục hồi sau khi mắc các bệnh về tâm thần.

Dự phòng bắt đầu từ việc nhận thức và hiểu những triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý tâm thần. Cha mẹ và thầy cô giáo có thể giúp trang bị các kỹ năng sống của trẻ em và thiếu niên để các em có thể tự xoay sở được với những thách thức tại trường học và gia đình.

Các vấn đề rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước (là nguyên nhân) hoặc xuất hiện sau (là hệ quả) việc sử dụng-lạm dụng ma túy ở thanh thiếu niên. Việc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị nghiện là không giống nhau bởi đây là hai phạm trù bệnh khác biệt, nhưng nếu chỉ điều trị một trong hai, kết quả hồi phục sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc điều trị cả hai cùng một lúc.

* Theo nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, kết quả sơ bộ sàng lọc sức khoẻ tâm thần trong 319 thanh thiếu niên (16-24 tuổi) sử dụng ma túy tại Hà Nội, cho thấy tỷ lệ trầm cảm trong số này là 58%. Các triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm là: rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm quan tâm thích thú, chậm chạp, buồn chán. Tỷ lệ thanh thiếu niên có yếu tố tự sát là 26.3%, có kế hoạch tự sát là 12.2% và có toan tự sát là 6.3%.

Top