Hậu Giang: Sẽ xây dựng đề án xã hội hóa điều trị nghiện bằng chất thay thế Methadone

22/05/2019 14:51

Trong 6 tháng cuối năm 2019, địa phương sẽ triển khai thêm một điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, tiếp nhận ban đầu khoảng 50 bệnh nhân.

 Điều trị Methadonr giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích - Ảnh: Thùy Chi

Sau khi Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A trở thành điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tỉnh Hậu Giang sẽ có 3 điểm điều trị là Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo thống kê, năm 2018, số người nghiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 2.070 người; trong đó, 1.038 người nghiện ma túy, 242 người nghiện heroin và 790 người nghiện ma túy tổng hợp.

Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1993, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện tổng số trên 1.549 người nhiễm căn bệnh này, 563 người tử vong. Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ làm lan tràn trong cộng đồng nếu không có những biện pháp phòng tránh.

Trong các đối tượng nhiễm HIV, đối tượng tiêm chích ma túy là nhóm mắc bệnh chủ yếu kế đến là phụ nữ bán dâm. Vì vậy, địa phương tập trung phối hợp phòng lây bệnh ở nhóm đối tượng này. Thời gian qua, công tác phối hợp được thông qua việc nắm và làm test xác định người nghiện ma túy ở cộng đồng và việc điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang sẽ xây dựng đề án xã hội hóa, trình UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở kinh phí mua thuốc sẽ được huy động từ bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân. Đối với các chi phí cho duy trì vận hành cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Y tế tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất phương án bảo đảm đủ kinh phí cho các cơ sở điều trị Methadone hoạt động trình.

Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh duy trì 3 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế với số lượng khoảng 150 bệnh nhân; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ công tác tại cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đảm bảo có đủ kiến thức để thực hiện việc điều trị, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế nhằm giảm tác hại do nghiện các chất dạng thuốc phiện; cải thiện sức khỏe cho người nghiện, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; giúp duy trì việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài; hạn chế những hành vi, vi phạm pháp luật, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; tiến tới giảm dần tần suất sử dụng và ngừng sử dụng chất dạng thuốc phiện trong nhóm đối tượng tham gia điều trị nghiện.
Top