Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine

10/05/2019 09:46

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine có rất nhiều ưu điểm.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại sự kiện - Ảnh: Thuỳ Chi

Sáng 10/5, tại Điện Biên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên tổ chức sự kiện “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine”.

Hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nghiện ma túy, bao gồm nghiện các chất dạng thuốc phiện hiện đang là một vấn đề được xã hội rất quan tâm. Theo báo cáo của Bộ Công an, cuối năm 2018, khoảng hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 60% là nghiện các chất dạng thuốc phiện. Người nghiện chất dạng thuốc phiện, tiêm chích ma túy là nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV cao do sử dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy.

Nghiện ma túy hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lớn. Do vậy, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho hàng triệu bệnh nhân bằng thuốc thay thế, chủ yếu là Methadone, Subuxone và Buprenorphine.

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc tháy thế Methadone đã được triển khai 10 năm qua. Tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc đã triển khai điều trị cho hơn 54.000 người bệnh. Tổng kết 10 năm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã cho thấy nhiều kết quả rõ rệt về sức khỏe, trật tự xã hội, về kinh tế...

Cụ thể, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy giảm nhanh (từ sấp sỉ 30% vào năm 2008 xuống còn khoảng 10-12% hiện nay); giảm lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu như giang mai, viêm gan... Thể lực của người bệnh cũng nâng lên đáng kể. Giảm rõ rệt tội phạm liên quan đến ma túy, trật tự, an ninh xã hội được ổn định rõ rệt; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nghiện ma túy. Về kinh tế: Giúp cho người bệnh, gia đình và cộng động được cải thiện do người bệnh có công ăn, việc làm, có thu nhập, đồng thời không phải bỏ tiền mua ma túy bất hợp pháp.

“Tuy vậy, sau 10 năm triển khai, Methadone vẫn có một số hạn chế nhất định. Tỷ lệ bỏ điều trị Methadone xu hướng gia tăng, nguyên nhân chính là do người bệnh phải đi lại quá nhiều, đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây là một trong những lý do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế bắt đầu triển khai điều trị Buprenorphine, là một giải pháp bổ sung cho điều trị Methadone”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho hay.

Trên thế giới, Buprenorphine được sử dụng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại Pháp và hiện đã có 40 quốc gia trên thế giới áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa Buprenorphine vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005. Theo báo cáo của WHO năm 2015, khu vực châu Âu có tới 59% các nước đang triển khai điều trị bằng Buprenorphine.

Điều trị Buprenorphine cho thấy nhiều ưu điểm

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine cho thấy rất nhiều ưu điểm.

Cụ thể, thuốc có tác dụng kéo dài tới 72 giờ, do vậy bệnh nhân ngậm thuốc 2-3 ngày/lần nên giảm thời gian đi lại tới cơ sở y tế, điều này giúp giảm thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; không có hoặc không phải tăng liều ARV và liều Buprenorphine khi cùng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV; có tác dụng “trần”, không gây hại khi quá liều; ít tác dụng phụ hơn.

Toàn cảnh sự kiện “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiền bằng Buprenorphine” - Ảnh: Thuỳ Chi

Tuy nhiên, Buprenorphine cũng có một số điểm cần lưu ý, đó là: Phương thức sử dụng thuốc Buprenorphine phức tạp hơn Methadone. Thuốc Buprenorphine sử dụng đường ngậm dưới lưỡi, tan chậm nên thời gian người bệnh phải ngồi đợi thuốc tan hết khoảng 7-10 phút, thuốc có vị hơi đắng trong khi Methadone uống xong về được ngay. Giá thành thuốc Buprenorphine cũng đắt hơn khi so sánh cùng liều dùng với Methadone.

Với những lợi ích đó, Bộ Y tế có chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện như là bổ sung thêm một sự lựa chọn, đặc biệt phù hợp với bệnh nhân khó tiếp cận cơ sở y tế hàng ngày để uống Methadone.

Trên cơ sở kết quả từ các điểm điều trị ban đầu tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Nghệ An đợt này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng ra các tỉnh, thành phố, trước mắt ưu tiên các tỉnh miền núi và sau đó mở rộng ra trên toàn quốc.

Để việc triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone có hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long đề nghị các cấp Ủy đảng, chính quyền UBND các địa phương nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và Buprenorphine.

Đề nghị các địa phương tăng cường công tác truyền thông; bảo đảm chất lượng điều trị và tạo điều kiện tốt nhất cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện được tiếp cận và duy trì điều trị Buprenorphine một cách lâu dài.

Đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện: Hãy tin tưởng, kiên trì tham gia điều trị lâu dài bằng Methadone hoặc Buprenorphine, không sử dụng ma túy bất hợp pháp để phòng lây nhiễm HIV và các bệnh qua đường máu; cải thiện điều kiện kinh tế, mang lại bình yên và hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng.

TS. Nguyễn Hoàng Long kêu gọi, người nghiện ma túy nhất là những người nghiện các chất dạng thuốc phiện hãy vì sức khỏe của chính bản thân mình, vì hạnh phúc của chính gia đình mình chủ động tìm hiểu thông tin, tiếp cận các cơ sở y tế nhất là cơ sở điều trị nghiện để lựa chọn một biện pháp điều trị nghiện thích hợp.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cam kết: “Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) luôn sát cánh với Điện Biên và các địa phương để duy trì và mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Burprenorphine. Cục đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ y tế các tuyến; cung cấp đủ thuốc Methadone và Burprenorphine miễn phí cho các địa phương; thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; phối hợp với các địa phương đánh giá kết quả, liên tục cải tiến để nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng tốt nhu cầu của người bệnh và cộng đồng”.

Top