Kinh nghiệm trong xác minh, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em

02/05/2019 10:27

Trình bày tham luận tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em, ông Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã nêu lên một số kinh nghiệm trong xác minh, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố; khởi tố điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em từ năm 2014 - 2018.

Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác

Khó khăn trong phòng ngừa, xác minh

Ông Khổng Ngọc Oanh cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) có diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ như cha hiếp con, thầy giáo hiếp dâm, dâm ô với học sinh…

Nhiều vụ trọng án đặc biệt nghiêm trong như hiếp rồi giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến nạn nhân có thai hoặc phải tự tử. Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này có những đặc trưng và khó khăn riêng, dẫn đến việc giải quyết một số vụ việc kéo dài, khó khăn vướng mắc do không thu thập được hoặc thu thập không đầy đủ tài liệu làm căn cứ để khởi tố điều tra, xử lý được đối tượng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ trẻ em và xử lý nghiêm đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Khổng Ngọc Oanh, trong công tác giải quyết tin báo, khởi tố điều tra tội phạm XHTDTE đã nổi lên một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối tượng XHTDTE thường là những người thân quen với nạn nhân, chưa có tiền án tiền sự, chưa nằm trong danh sách quản lý nghiệp vụ của lực lượng Công an, nên khi thực hiện hành vi, thậm chí thực hiện nhiều lần vẫn không được phát hiện ngăn chặn.

Việc tuyên truyền chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. XHTDTE là loại tội phạm rất nhạy cảm nhưng chưa có hình thức và biện pháp tuyên truyền phù hợp, hậu quả dẫn đến nhiều vụ người thân không dám tố giác do mặc cảm hoặc tố giác muộn, thậm chí chấp nhận dàn xếp, xử lý nội bộ, khi việc dàn xếp không thành mới tố giác dẫn đến khó khăn trong thu thập chứng cứ.

Đối tượng XHTDTE thường triệt để lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc (cha con, ông cháu, thầy trò) và quan hệ thân quen như họ hàng, xóm giềng để lựa chọn không gian, thời gian, địa điểm thật vắng vẻ, an toàn mới thực hiện hành vi, hoặc thực hiện phạm tội do bột phát khi có cơ hội nên rất khó để áp dụng phòng ngừa công khai. Cùng với đó, đối tượng cũng triệt để lợi dụng các phương tiện công nghệ cao, các trang mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân nên rất khó phát hiện. Đồng thời, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa tích cực tố giác và cộng tác với cơ quan Công an trong các vụ XHTDTE…

Bên cạnh đó, hầu hết các vụ XHTDTE xảy ra tại nơi vắng vẻ, đặc biệt tại các vùng nông thôn sông nước, miền núi hẻo lánh, thường được phát hiện muộn nên rất khó thu thập chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ sinh học như máu, lông tóc, tinh dịch… Việc giám định cũng rất khó khăn do nhiều vụ tội phạm được phát hiện muộn, chưa có quy định thời hạn giám định, từ đó kết quả giám định không kịp thời nên phải kéo dài thời hạn xác minh, giải quyết tin báo, tố giác.

Việc xác định độ tuổi của nạn nhân và đối tượng trong nhiều vụ rất khó khăn do không có giấy tờ gì hoặc có nhưng không đầy đủ; lời khai của nạn nhân do còn nhỏ tuổi nên thường tản mát, thiếu chính xác, hay thay đổi lời khai, hoặc khai theo ý người giám hộ (cha mẹ) nên khó thu thập thông tin tài liệu; hầu hết các vụ XHTDTE không có người làm chứng trực tiếp…

Ngoài ra, còn có những khó khăn từ mặt pháp luật, chưa có hướng dẫn cụ thể, quy trình đặc biệt trong thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ; nhiều cán bộ trinh sát, Điều tra viên chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được đào tạo tập huấn, kỹ năng tâm lý, kỹ năng làm việc với trẻ em; đồng thời, do áp lực sợ oan sai nên có tình trạng quá thận trọng, cầu toàn trong việc đánh giá và sử dụng chứng cứ…

Ứng phó kịp thời, nhanh chóng khi xảy ra vụ việc

Từ thực tiễn khó khăn vướng mắc và kết quả điều tra xử lý tội phạm XHTDTE từ năm 2014 - 2018, ông Khổng Ngọc Oanh đã nêu lên một số kinh nghiệm, đó là: Phải tăng cường, quán triệt công tác chấp hành pháp luật cho cán bộ trinh sát, Điều tra viên, Công an cấp cơ sở xã, phường ngay từ khâu tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm XHTDTE.

Khi phát hiện vụ việc XHTDTE xảy ra, phải có sự ứng phó kịp thời, nhanh chóng cử cán bộ có kinh nghiệm, cán bộ nữ làm việc với trẻ em hoặc người thân của họ để thu thập được đầy đủ, chính xác các tài liệu từ lời khai, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp xác minh, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Ngay lập tức phân công, triển khai lực lượng tiếp cận vụ việc, tiếp cận hiện trường vụ việc để xác định nạn nhân; những người biết việc (người có thể đứng ra làm chứng); đối tượng nghi vấn để lấy lời khai nhằm tìm kiếm, xác định và thu thập tỉ mỉ, tối đa các tài liệu chứng cứ ban đầu; cần nhận thức các tài liệu ban đầu là chìa khóa để mở ra các khâu khởi tố điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.

Tiến hành các biện pháp cấp bách nhằm ổn định tâm lý nạn nhân; xác định và truy xét, thu thập tài liệu vật chứng có thể làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Có biện pháp giám sát, tuyên truyền tránh việc dàn xếp, thỏa thuận, xử lý nội bộ giữa nạn nhân, gia đình của họ với đối tượng, gia đình đối tượng.

Áp dụng các biện pháp, kỹ năng điều tra thân thiện với nạn nhân, nhân chứng, người biết việc… Mỗi hoạt động cần lập kế hoạch tỷ mỷ, khoa học, tránh phải gọi hỏi, làm việc nhiều lần, tránh gây phiền hà, lo lắng cho nạn nhân và người thân của họ; lưu ý bảo mật bí mật thông tin cá nhân và vụ việc của người bị xâm hại.

Các vụ XHTDTE hầu hết nạn nhân đều mặc cảm, không có tố giác trình báo, né tránh không muốn cộng tác, khai báo… do đó phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cán bộ, trung tâm bảo trợ trẻ em để động viên, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, pháp lý thì nạn nhân mới mạnh dạn cộng tác, cung cấp tài liệu chứng cứ.

Tất cả các vụ XHTDTE đều phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp trưng cầu giám định, tuy nhiên không quá lệ thuộc vào kết quả giám định, tùy từng trường hợp mà không cầu toàn phải có người làm chứng trực tiếp mà phải biết khai thác tài liệu chứng cứ từ các nguồn khác nhau để khởi tố và điều tra.

Ngoài ra, theo ông Khổng Ngọc Oanh, cơ quan Công an cần mời Kiểm sát viên VKSND cùng cấp tham gia và kiểm sát ngay từ đầu nhằm thống nhất đánh giá tài liệu căn cứ để khởi tố và điều tra vụ án.

Top