Có nên hình sự hóa trở lại hành vi sử dụng trái phép chất ma túy?

24/04/2019 14:58

Việc xử lý hành chính đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy vô hình chung khiến chúng ta không kiểm soát được người nghiện. Khi chúng ta thả nổi người nghiện sẽ kích thích hành vi mua bán, tàng trữ ma túy...

Điều trị cho người nghiện ma túy - Ảnh: Trần Thúy

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ án gây rung động dư luận mà trước đó đối tượng đã sử dụng ma túy như vụ sát hại nữ sinh giao gà tại tỉnh Điện Biên, đối tượng nghiện ma túy sát hại 4 người tại TP.HCM…

Thực tế này khiến dư luận rất lo ngại. Một số ý kiến cũng cho rằng, cần quy định lại việc xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, thay cho việc xử phạt hành chính như hiện nay.

Đầu tháng 3 vừa qua, tại TP.HCM cũng xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi đối tượng Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) trong cơn phê ma túy đã sát hại 4 người, gồm cha, mẹ, bà nội của mình và bà ngoại của người yêu.

Các vụ trọng án do người nghiện ma túy gây ra đều gây ra sự hoang mang, lo sợ cho người dân.

Nhiều năm điều trị cho người nghiện ma túy, BS Huỳnh Thanh Hiển, trưởng khoa K3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, sử dụng ma túy, người nghiện rất dễ bị kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ra những ảo giác và hoang tưởng, trong bệnh lý gọi là loạn thần, từ đó người nghiện mất khả năng kiểm soát bản thân.

Tuy vậy, từ khi sửa đổi vào năm 2009, Bộ luật Hình sự đã bãi bỏ quy định này nhằm thể hiện chủ trương nhân đạo của Nhà nước. Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, căn cứ nhiều tài liệu khoa học cũng như kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra rằng nghiện ma túy là một bệnh lý và việc sử dụng ma túy chỉ bị xử lý hành chính là phù hợp. Luật sư Phạm Thành Tài nêu ý kiến nói, nếu người nghiện đã tham gia vào quá trình điều trị, cho dù là tự nguyện hay bắt buộc nhưng vẫn chưa cai thành công thì không thể xác định đó là lỗi chủ quan, cố ý của đối tượng nghiện. Do vậy, việc pháp luật đã điều chỉnh, sửa đổi quy định chỉ xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng chất ma túy là phù hợp.

Trước thực trạng hàng loạt vụ án do người nghiện gây ra gây rất nhiều hoang mang trong xã hội, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính, khiến tính nghiêm khắc không cao…

Việc xử lý hành chính đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy vô hình chung làm cho chúng ta không kiểm soát được người nghiện. Khi chúng ta thả nổi người nghiện sẽ kích thích hành vi mua bán, tàng trữ ma túy. “Khi chúng ta không kiểm soát chặt đầu tiêu thụ thì đương nhiên nó sẽ kích thích đầu cung cấp. Đây là cái rất bất cập, mặc dù quan điểm nhìn nhận người nghiện là người bệnh cũng có tính nhân văn, tuy nhiên trước những hiểm họa mà người nghiện đang gây ra trong cộng đồng thì quan điểm cá nhân của tôi có lẽ phải tội phạm hóa trở lại hành vi sử dụng chất ma túy”, trung tá Đào Trung Hiếu nói.

Luật sư Đoàn Văn Báu, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng việc coi người nghiện là bệnh nhân đã làm cho số người nghiện ma túy đang rất cao, đặc biệt là trong giới trẻ: “Cần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống ma túy, các đối tượng buôn bán ma túy để ngăn chặn các hành vi sử dụng ma túy như hiện nay. Nhưng theo tôi giải pháp quan trọng nhất là phải quy định hành vi sử dụng ma túy là hành vi phạm tội hình sự”.

Có thể thấy tình trạng người sử dụng ma túy phạm pháp hình sự thời gian qua rất đáng lo ngại. Tuy vậy, việc xem xét hình sự hóa trở lại hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lại không đơn giản.

Mức độ tàn khốc của những vụ thảm án do người sử dụng ma túy gây ra trong thời gian qua là không cần bàn cãi. Nhưng có thể đưa trở lại hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự được hay không, lại không hề đơn giản như việc nêu ra đề xuất này.

Thứ nhất, việc đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy ra khỏi luật hình sự kể từ năm 2015 hoàn toàn không phải là sự “nới lỏng” của Luật, mà là hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Thực tế, dưới góc độ lập pháp, chính sách đối với tội phạm về ma túy ở nước ta luôn thể hiện tính nghiêm khắc.

Từ chỗ chỉ được quy định tại duy nhất 1 điều trong Bộ luật Hình sự năm 1985, thì đến năm 1999, Bộ luật Hình sự đã dành hẳn một chương quy định các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, với 10 tội danh khác nhau, bổ sung thêm 3 điều trong lần sửa Luật này năm 2015, và liên tục được rà soát để bổ sung sửa đổi qua các kỳ họp Quốc hội để theo kịp yêu cầu  thực tế.  

Chúng ta cũng có hẳn một Đạo luật riêng để điều chỉnh hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến ma túy, đó là Luật Phòng chống ma túy năm 2000.

Trong số các lý do dẫn đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, có một tỷ lệ không hề nhỏ - nếu không muốn nói chủ yếu là do bị lôi kéo, dụ dỗ. Cũng có những trường hợp bất đắc dĩ rơi vào trạng thái nghiện chất ma túy sau quá trình điều trị kéo dài.

Do vậy, từ chỗ coi người nghiện là tội phạm, nhiều quốc gia trên thế giới đã đi đến cách tiếp cận mới, coi nghiện ma túy là một thứ bệnh, mà người nghiện là bệnh nhân, cần được hỗ trợ điều trị.

Việc bỏ quy định xử lý hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ năm 2015 một lần nữa khẳng định chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng cải cách lập pháp trên thế giới.

Thứ hai, cùng với sự thay đổi này của Bộ luật Hình sự  2015, các trung tâm cai nghiện bắt buộc trước kia cũng đã thay đổi chức năng, chỉ còn là các cơ sở giáo dưỡng tập trung. Người nghiện sau cai được thí điểm đưa về quản lý tại cộng đồng, thay vì cách ly như trước. Do vậy, việc hình sự hóa trở lại đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là gần như không thể.

Vậy, phải làm thế nào trước tình trạng tội phạm do người sử dụng ma túy gây ra có dấu hiệu diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng?

Lượng chất ma túy hàng trăm kg, thậm chí cả tấn bị phát hiện, bắt giữ trong quá trình vận chuyển tại TPHCM, Nghệ An và một số địa phương trong thời gian gần đây, có thể vẫn chỉ là một phần nhỏ lượng ma túy đang được vận chuyển, mua bán trái phép trên thị trường. Thêm vào đó, chính sách quản lý đối với người nghiện tại cộng đồng dù rất nhân văn song vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.

Có những trường hợp chưa cắt cơn thành công vẫn đưa về cộng đồng, trong điều kiện năng lực của chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội chưa đủ để giám sát. Các nguồn lực của địa phương cộng thêm tâm lý kỳ thị còn nặng nề, khiến cho việc đào tạo, dạy nghề, bố trí việc làm cho người sau cai vẫn còn khó khăn, nên khả năng tái nghiện là rất cao.

Vì thế, để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội do người sử dụng ma túy gây ra, trên hết, cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, kiên quyết cắt “nguồn cung” cái chết trắng.

Song song đó, cần làm tốt công tác quản lý người nghiện ma túy, chỉ đưa về quản lý tại cộng đồng sau khi đã điều trị cắt cơn thành công. Và cần đầu tư tốt hơn cho các nguồn lực ở địa phương để tạo công ăn việc làm, tạo môi trường xã hội lành mạnh và thân thiện, để mở rộng “đường  về” cho những người đã nhất thời lầm lỡ.

Top