Nữ y sỹ Hà Tĩnh dành trọn tình thương với bệnh nhân HIV/AIDS

04/03/2019 17:30

Chia sẻ công việc lặng thầm trong suốt 7 năm qua, nữ y sỹ Nguyễn Thị Hạnh - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) nói: "Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, an toàn, thì ai sẽ đồng hành với những bệnh nhân đặc biệt này?".


Chị Hạnh tư vấn cho người bệnh bằng cả tấm lòng

Gắn bó với nghề y từ năm 1997 trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đến năm 2012 chị Hạnh chuyển sang làm một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: khám, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Kể từ đó, chị đã dành tất cả thời gian, công sức và tình thương cho những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Chia sẻ về người bệnh, chị Hạnh cho biết: "Bệnh nhân của tôi đa phần có hoàn cảnh rất đáng thương. Họ nghèo, mang bệnh nặng, bị mọi người xa lánh nên luôn tự ti, mặc cảm và giấu bệnh”. Thấu hiểu được nỗi niềm của bệnh nhân, chị Hạnh luôn đồng cảm, sẻ chia và tạo điều kiện tốt nhất để bệnh nhân được tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc, điều trị nhằm mang lại niềm hi vọng và kéo dài cuộc sống.

“Có những trường hợp rất đáng thương, bố mẹ không bị HIV nhưng con lại mang căn bệnh này, hay có những trường hợp chuẩn bị kết hôn thì phát hiện mình bị HIV… Họ rất hoang mang, suy sụp, nhiều người nghĩ đến cái chết. Vì vậy, khi tiếp xúc với bệnh nhân, tôi phải đặt mình trong tình huống của bệnh nhân, hiểu tâm lý của họ, chia sẻ động viên họ kịp thời và tạo niềm tin cho họ ”- chị Hạnh trải lòng.

Vất vả nhất là là lúc tiếp nhận những bệnh nhân mới, phải rất kiên trì thì mới tư vấn, thuyết phục họ chịu điều trị và dần dần lạc quan với căn bệnh của mình. Đồng thời phải theo dõi sức khỏe từng bệnh nhân, cấp thuốc và tư vấn điều trị để làm sao họ tuân thủ liệu trình chữa trị. Từ sự tận tâm, tận lực của chị Hạnh và các đồng nghiệp, nhiều bệnh nhân HIV đã được chăm sóc tốt, sức khỏe hồi phục và tham gia lao động, sản xuất. Đối với họ, chị như một người thân trong gia đình. Hơn 7 năm trong nghề, chị đã tư vấn, điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân.

Chị L, mẹ của bệnh nhân Hoàng T. - Cẩm Xuyên cho biết: “Chị Hạnh như người nhà của tôi vậy. Nhờ có chị và anh em trong trung tâm, con tôi được đi học, mẹ con tôi đã được động viên, chia sẻ và điều trị tốt, tự tin, lạc quan hơn để sống vui, sống khỏe, có ích”.

Chi Hạnh là cán bộ tiêu biểu của ngành Y tế được Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh vinh danh và được tham gia báo công tại Lăng Bác Hồ năm 2018

Khi được hỏi về những khó khăn trong công việc, chị Hạnh cười: “Thời điểm mới chuyển sang, công việc hoàn toàn mới, tôi rất hoang mang lo lắng, đến ngủ cũng mơ thấy tên thuốc. Trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, nhiều người đến nhận thuốc trong tình trạng "phê" ma túy, rất nguy hiểm. Anh em, người nhà bàn tôi chuyển sang nơi khác. Song tôi lại nghĩ: nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì những việc khó khăn, nguy hiểm như chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS ai sẽ làm? Và nhiều năm nay anh, chị, em trong khoa đã làm tốt thì nhất định tôi cũng sẽ làm được".

Được biết, không chỉ chăm lo sức khoẻ cho bệnh nhân, chị Hạnh còn lo toan cho những quyền lợi của người bệnh. Còn nhớ từ năm 2017, các chương trình, dự án về phòng chống HIV/AIDS dần giảm, thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV/ AIDS sẽ chuyển sang bảo hiểm y tế (BHYT), chị đã thường xuyên tranh thủ gặp gỡ, vận động bệnh nhân tham gia BHYT để duy trì quá trình điều trị. Từ mức chỉ có 75% bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế, nhờ sự cố gắng của bản thân chị và anh em trong Trung tâm, đến năm 2018 đã có 100% bệnh nhân có thẻ BHYT. Chị cũng kết nối với các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể tặng quà, hỗ trợ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với tấm lòng lương y cao cả, luôn hết lòng vì bệnh nhân, nhiều năm liền, chị Nguyễn Thị Hạnh các cấp, ngành ghi nhận, tặng thưởng các bằng khen, giấy khen và danh hiệu cao quý. Đặc biệt, năm 2018 chị là cá nhân tiêu biểu của ngành Y tế được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh lựa chọn đi báo công tại Lăng Bác Hồ và dâng hương tại các khu di tích lịch sử ở các tỉnh phía Bắc.
Top