Diễn ngôn về đổ lỗi cho nạn nhân của bạo lực giới

15/01/2019 19:18

Nghiên cứu “Phía sau ngôn từ: Nghiên cứu diễn ngôn về đổ lỗi cho nạn nhân của bạo lực giới” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện, với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT). Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ Dự án BRAVE do tổ chức Care International tại Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ, và Vị thành niên (CSAGA) và Viện iSEE.

Phụ nữ  nhiều khi bị coi là nguyên nhân sâu xa của bạo lực

Nghiên cứu tập trung phân tích diễn ngôn báo chí và diễn ngôn của nạn nhân trên mạng xã hội nhằm hé lộ những khía cạnh công cộng lẫn riêng tư của việc đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới (BLG). 100 bài báo được chọn ngẫu nhiên theo phương pháp bước nhảy trong số hơn 2000 bài báo về BLG trên VnExpress, Tuổi trẻ, Phụ Nữ Online và Pháp luật TPHCM thu thập từ ngày 01/06/2016 đến ngày 30/06/2018 và 178 câu chuyện trong số 3.646 câu chuyện về bạo lực giới trên trang S.O.S – Sharing Our Stories từ 08/2016 đến 07/2017 được sử dụng để phân tích.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số trường hợp BLG nhận được sự chú ý đặc biệt và trở thành những ‘tin lớn’  (big news), như các vụ bạo lực trong quá trình hẹn hò trong đó thủ phạm được mô tả như ‘kẻ si tình’, ‘kẻ cuồng yêu’ muốn níu kéo tình cảm hoặc chết để được ở bên nhau, hiếp dâm tập thể hoặc thủ phạm xâm hại tình dục nhiều bé gái. Trong khi đó, những vụ như bé gái bị xâm hại tình dục bởi người quen, buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình… lại thường được thể hiện trong những bài có số lượng từ ít hơn.

Bạo lực gia đình và bạo lực hẹn hò: Vẫn là chuyện riêng tư

Bài báo về các vụ bạo lực gia đình và bạo lực trong quá trình hẹn hò thường nêu những vụ có hậu quả nặng nề về thể xác như ‘siết cổ vợ đến chết’, ‘bị chồng đâm hai nhát vào lưng khiến bị thương nặng’. Một số rất ít bài viết có đề cập đến các hành vi bạo lực về tinh thần và quấy rối tình dục nhưng thường xảy ra với những trường hợp đã ly hôn hoặc đã bị nạn nhân đòi chia tay như đe dọa đòi quay lại, ‘đến nhà vợ cũ vừa ly hôn đòi quan hệ’, ‘nghi ngờ vợ có quan hệ bất chính’. Bạo lực tinh thần hay bạo lực tình dục giữa các cặp đôi (bao gồm cả kết hôn và chưa kết hôn) thường không xuất hiện/ít được đề cập trên mặt báo.

Tiêu đề và nội dung các bài báo thường gọi tên các vụ bạo lực gia đình thông qua cách gọi tên mối quan hệ của thủ phạm và nạn nhân như ‘chồng dùng vải mùng siết cổ vợ’, ‘vợ bóp cổ chồng đến chết ’.

Cách mô tả nạn nhân – thủ phạm theo mối quan hệ vợ - chồng cũng như lựa chọn những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng về thể xác cho thấy bạo lực giữa các cặp đôi vẫn được xem là chuyện nhà hay chuyện riêng tư.

Đặc biệt hơn nữa, vấn đề bạo hành thể xác được mô tả như đã xảy ra trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, hầu như không bài viết nào đề cập đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo vệ phụ nữ cho đến khi xảy ra hậu quả nặng nề. Điều này có thể cho thấy quan niệm ‘phu xướng, phụ tùy’, tuyệt đối hóa quyền uy của người chồng và sự phục tùng vô điều kiện của người vợ theo những quan niệm đạo đức của Nho Giáo có ảnh hưởng rất lớn đến việc ngăn chặn, báo cáo và xử lý các hành vi bạo lực giới trong gia đình.

Phụ nữ - nguyên nhân sâu xa của bạo lực

Các bài báo thường tập trung mô tả nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ) thay vì thủ phạm. Người phụ nữ thường được mô tả như nguyên nhân dẫn đến các hành vị bạo lực như ‘giận vợ vì không cho nhậu’, ‘xảy ra mâu thuẫn’, ‘lấy 190.000 mà không hỏi’, ‘không được chiều’, ‘nghi vợ ngoại tình’, ‘nghi vợ có quan hệ bất chính’, ‘đòi ly hôn’… Cách viết tập trung vào nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân nữ nhằm đổ lỗi cho chính sự việc xảy ra với họ và nhấn mạnh định kiếnm rằng họ phải chịu trách nhiệm cho hành vi bạo lực đó. Trong khi đó, đối với những vụ việc mà phụ nữ là thủ phạm (chiếm số ít) thì bài báo lại xoáy sâu mô tả về hành vi bạo lực của họ.

Hành vi liên quan đến tình dục của nam và nữ cũng được đề cập trong một số bài viết. Trong đó, thủ phạm gây ra các hành vi bạo lực để thỏa mãn nhu cầu về tình dục hoặc do không được thỏa mãn nhu cầu về tình dục, như ‘do không được chiều’, ‘bị từ chối yêu’. Trong các bài viết này, nhu cầu về tình dục được đưa ra như động cơ của các vụ bạo lực về thể xác.

Trong hơn 50% các vụ bạo lực gia đình và hơn 20% các vụ bạo lực trong quá trình hẹn hò, người phụ nữ được miêu tả có hành động cãi lại hoặc khiêu khích người chồng, bạn tình, người yêu, đặc biệt trong lúc người đàn ông đang say, đang ‘nóng tính’, làm ảnh hưởng đến lòng ‘tự ái’, khiến người‘bực tức’ của đàn ông ‘bực tức’.

Một nửa số vụ bạo lực trong quá trình hẹn hò có động cơ là níu giữ tình cảm mô tả người phụ nữ như ‘bạn gái’, ‘người trong mộng’ đòi ‘chia tay’, từ chối nối lại tình cảm’, ‘có người yêu mới’, ‘từ hôn’… Động cơ của các vụ được mô tả bởi các từ như ‘tỏ tình bất thành’,‘do níu kéo không thành’, ‘níu tình không được’, ‘cùng chết để cả hai được ở bên nhau’. Những cách mô tả động cơ như vậy có thể ám chỉ rằng phụ nữ là mấu chốt, là nguyên nhân sâu xa của các hành vi bạo lực.

Luôn có yếu tố “giảm tội” cho thủ phạm

Nhiều bài viết có đề cập đến những yếu tố có thể xem như sự giảm nhẹ tội lỗi cho các thủ phạm nam như: say rượu, thất nghiệp, hoặc do hành vi của người phụ nữ như ngoại tình. Bên cạnh đó, việc mô tả các vụ bạo lực gia đình và bạo lực trong quá trình hẹn hò như những ‘màn bi kịch ’, ví du như ‘nàng muốn quay về với người cũ, chàng bèn ra tay’. Những danh từ như ‘kẻ si tình’, ‘kẻ cuồng yêu’ ngầm chứa sự cảm thông đối với thủ phạm. Một số bài viết nêu thêm những tình tiết thể hiện sự thương xót với thủ phạm như chưa có một ngày được thanh thản, ‘đã nhiều lần định ra đầu thú’…

Trong các bài báo được sử dụng để phân tích, thủ phạm hầu hết được gọi tên bằng các từ ngữ chỉ tên riêng, giới tính và mối quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân. Theo Braber (2014) , thủ phạm trong các bài báo thường được ‘bình thường hóa’ thông qua việc gọi tên bằng cách mối quan hệ với nạn nhân. Bonnes (2013)  cũng cho rằng, việc thủ phạm được ‘bình thường hóa’ có thể làm cho sự đổ lỗi chuyển sang vai của nạn nhân khi các từ như thủ phạm, kẻ giết người, kẻ hiếp dâm, bị cáo…không được sử dụng để mô tả kẻ gây ra các hành vi BLG.

Ranh giới giữa “người tốt” và “người xấu”

Trong nhiều bài viết liên quan đến quấy rối tình dục và xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm và hành vi bạo lực được mô tả bằng các đặc điểm chỉ sự ‘đi chệch’ các tiêu chuẩn đạo đức, như ‘ông già 77 tuổi xâm hại nhiều trẻ em’, ‘hiếp dâm con của bạn’, xin tình một đêm với ‘em vợ’, ‘bị cha ruột hiếp dâm’, ‘giao cấu với con riêng của vợ’. Bên cạnh đó, một số bài viết gọi tên thủ phạm với những tên nửa con người (sub - human) hoặc bẳng những cái tên mang nghĩa mất tính người (dehumanized ) như ‘kẻ thủ ác’, ‘kẻ tàn ác’, ‘yêu râu xanh’, “kẻ ác’. Theo Shelby và Hatch (2014), quan niệm văn hóa (cultural notions) hình thành nên các tiêu chuẩn liệu một hành vi tình dục là lệch lạc hay bình thường, những người đi chệch khỏi tiêu chuẩn đó được xem là có bản chất tà ác. Sẽ có một đường ranh sắc nét vạch ngang giữa họ và những người ‘bình thường’. Việc phân chia giữa “người tốt” và “người xấu”, “đàn ông tốt” và “đàn ông xấu” khiến những mối quan hệ cấu trúc về đặc quyền (structural relations of privilege) và bất bình đẳng liên tầng (intersectional inequalities) bị quên lãng (Seymour, 2017).

Xâm hại tình dục trẻ em: trẻ em có lỗi hay người lớn có lỗi?

Đối với những vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân là người dưới 16 tuổi nên ít bị đổ lỗi hơn. Tuy nhiên, có 6/38 bài viết mô tả nạn nhân là những người dưới 16 tuổi có quan hệ yêu đương, hẹn hò và ‘đồng thuận’ quan hệ tình dục với thủ phạm nhưng sau đó bị gia đình tố giác lên chính quyền, ‘vợ nhí’, hoặc ‘nhậu say’. Cách mô tả hành vi và cách thể hiện của nạn nhân có thể gây cho người đọc cảm giác nạn nhân đi ngược lại ‘văn hóa truyền thống’, ‘hư hỏng’ và đáng phải chịu hậu quả. Bên cạnh đó, một số bài viết thuật lại việc nạn nhân dù đã bị ‘đánh, mắng và yêu cầu cháu không được qua lại chơi với Dương,……cháu bà vẫn thường qua nhà Dương chơi nên mới xảy ra nhiều lần’. Cách mô tả hành vi của nạn nhân có thể khiến người đọc đặt ra câu hỏi ‘lỗi để bị xâm hại nhiều lần là do đứa bé đó không chịu nghe lời?’ Việc xây dựng hình ảnh nạn nhân như vậy có thể làm người đọc tập trung vào nạn nhân mà bỏ qua thực tế rằng những người dưới 16 tuổi là những người chưa đủ năng lực hành vi dân sự và cần sự bảo vệ, giám hộ của những người trưởng thành và của pháp luật.

Top