Hà Nội: Năm 2018, hơn 2 nghìn người tự nguyện đi cai nghiện

11/01/2019 15:03

Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, mặc dù lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, song trong năm 2018, các địa phương đã thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu giao.

Học viên tại một cơ sở cai nghiện. Ảnh internet

Tính từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2018 toàn Thành phố đã đưa 932/700 người đi cai nghiện bắt buộc, đạt 133,1% chỉ tiêu; vận động được 2.175/2000 lượt người đi cai nghiện tự nguyện, đạt 108,8% chỉ tiêu; tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 555/300 đối tượng, đạt 185% chỉ tiêu năm. Một số đơn vị như Long Biên, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Sơn Tây… là những đơn vị thực hiện tốt công tác cai nghiện theo chỉ tiêu Thành phố giao.

Mặc dù tình hình tệ nạn mại dâm còn khá phức tạp, tuy nhiên bằng sự phối hợp tích cực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, thường xuyên tổ chức khảo sát, nắm bắt diễn biến tình hình, kiểm tra, xử lý của các ngành, các cấp, hoạt động mại dâm cơ bản đã được kiềm chế, không để lan rộng. Trong năm, Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố đã kiểm tra được 60 cơ sở kinh doanh dịch vụ, đạt 100% chỉ tiêu, xử phạt hành chính 20 cơ sở với tổng số tiền 181triệu đồng; Đội Kiểm tra liên ngành 178 quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra được 1.196 cơ sở, xử phạt 56 cơ sở với tổng số tiền 549,5 triệu đồng; triệt xóa 02 tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ và tại địa bàn công cộng, duy trì không để tái hoạt động đối với các tụ điểm đã triệt xóa.

Công tác hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người nghiện, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương đã có nhiều chuyển biến tích cực, các địa phương quan tâm, hỗ trợ vay vốn cho 4 người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng với tổng số tiền 90 triệu đồng, 46/30 người sau cai với tổng số tiền 1.495.000 đồng, đạt 153,3% chỉ tiêu giao.

Thành phố cũng xây dựng các mô hình thí điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội như: “Hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người sử dụng ma túy”, “Tổ chức quản lý dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy” và “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ”. Đây là những thuận lợi cơ bản để trong giai đoạn 2020 - 2025 Hà Nội ban hành các chính sách triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tạo điều kiện để các địa phương có đủ cơ chế, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Top