Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật trong phòng, chống ma túy

31/12/2018 15:05

Các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các luật có liên quan của Việt Nam về phòng chống ma tuý (PCMT) đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế nhất định, chưa theo kịp tình hình thực tiễn, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật

Tại Việt Nam, tình hình tội phạm về ma tuý (TPVMT) nói riêng và tệ nạn ma túy nói chung trong những năm gần đây vẫn diễn biến phức tạp với sự gia tăng về tính chất, mức độ nguy hiểm, đặc biệt là tính xuyên quốc gia khiến cho hoạt động đấu tranh, phòng ngừa gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, chủ động hợp tác quốc tế, trong đó có gia nhập, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đa phương và song phương, hướng tới hoàn thiện cơ sở pháp lý quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống tội phạm về ma túy là chủ trương lớn và cũng là yêu cầu cấp bách của Đảng, Nhà nước ta nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới loại trừ loại tội phạm này.

 Việt Nam tích cực tham gia các đăng cai tổ chức và tham gia các hội nghị, diễn đàn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCMT

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy (PCMT), các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh.

Đến nay, với danh nghĩa Nhà nước, Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế đa phương có liên quan, điển hình là các công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy như: Công ước của Liên Hợp Quốc thống nhất về các chất ma túy năm 1961 (đã được sửa đổi theo Nghị định thư năm 1972); Công ước của Liên Hợp Quốc về các chất hướng thần năm 1971; Công ước của Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988; Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN năm 2004.

Năm 1993, bốn nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông gồm: Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar đã cùng ký kết với Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác PCMT.  Ngày 10/5/2017, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác PCMT các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, đại diện các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông và UNODC đã thông qua Tuyên bố chung Phnom Penh về giải quyết có hiệu quả vấn đề ma túy trong vùng, và thông qua Bản kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 10 về PCMT giai đoạn 2017-2019 (SAP10)...

Trong hợp tác song phương, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ, hiệp định song phương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, với khoảng 22 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và 23 hiệp định về dẫn độ. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng ký kết một số thỏa thuận quốc tế chuyên biệt về hợp tác phòng, chống và kiểm soát ma túy như: Thỏa thuận hợp tác chung về việc kiểm soát ma túy với Myanmar (ký ngày 11/3/1995); Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hungary về phòng, chống tội phạm có tổ chức (ký ngày 04/02/1998); Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia về hợp tác kiểm soát ma túy, các chất hướng thần và tiền hóa chất (ký ngày 01/6/1998); Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác kiểm soát ma túy, các chất hướng thần và tiền chất (ký ngày 06/7/1998)...

Ngày 9/12/2000, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Phòng chống ma tuý số 23/2000/QH10. Hoạt động hợp tác quốc tế về PCMT được quy định tại Chương VI (từ Điều 46 đến Điều 51).

Theo đó, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực PCMT trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước trên thế giới; khuyến khích các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo cho hoạt động PCMT (Điều 46). Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cho nước ký kết điều ước quốc tế song phương với Việt Nam sự tương trợ tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các TPVMT (Điều 49).

Trong trường hợp Việt Nam và nước có liên quan không cùng tham gia điều ước quốc tế đa phương hoặc chưa ký với nhau điều ước quốc tế song phương thì các cơ quan tư pháp của Việt Nam trong khuôn khổ pháp luật và thực tiễn của mình, được thỏa thuận trực tiếp với các cơ quan tư pháp của nước có liên quan trong việc điều tra, truy tố, xét xử TPVMT (Điều 50). Nhà nước Việt Nam thực hiện yêu cầu chuyển giao hàng hóa có kiểm soát trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia để phát hiện và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội về ma túy (Điều 51).

Ngày 21/1/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2003/NĐ-CP về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCMT. Trong đó khẳng định việc ký kết các điều ước quốc tế đa phương và song phương về phòng, chống tình trạng nghiện ma túy, TPVMT và các hành vi trái phép khác về ma túy là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về PCMT. Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PCMT cũng được ban hành kịp thời, bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn của pháp luật quốc tế và các quy định khác của pháp luật trong nước có liên quan, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy và tệ nạn ma túy; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCMT.

Củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước

Trung tướng GS, TS.Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới, tình hình TPVMT trên thế giới cũng như tại nước ta sẽ còn tiếp tục gia tăng với những phương thức, thủ đoạn mới tinh vi và táo bạo hơn. Các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia sẽ tiếp tục hoạt động mạnh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm trong khu vực và có sự liên kết chặt chẽ với tội phạm tham nhũng, rửa tiền và mua bán vũ khí trái phép. Những biến động của tình hình an ninh, chính trị, kinh tế trong khu vực cũng có thể tác động đến an ninh, trật tự của nước ta, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn ngừa tội phạm nói chung và TPVMT nói riêng.

Trong khi đó, các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các luật có liên quan của Việt Nam về PCMT đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế nhất định, chưa theo kịp tình hình thực tiễn, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Việc tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài và hoạt động nội luật hóa, triển khai thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên còn nhiều hạn chế.

Theo Trung tướng GS, TS.Nguyễn Ngọc Anh, để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về pháp luật nói riêng trong phòng, chống tội phạm về ma túy tại nước ta, cần tập trung thực hiện một số giải pháp, trong đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền về việc gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đa phương và song phương có liên quan đến phòng, chống tội phạm nói chung và TPVMT nói riêng; các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, kiến nghị xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến đấu tranh chống TPVMT và quản lý tiền chất trên cơ sở rà soát các hiệp định, thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Căn cứ yêu cầu thực tiễn hiện nay và những năm tiếp theo để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật PCMT cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác, bảo đảm tính hợp hiến, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng, chống và xử lý triệt để loại tội phạm này.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác chặt chẽ, toàn diện với lực lượng phòng, chống TPVMT của các nước có chung đường biên giới, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông và các tổ chức quốc tế (UNODC, Interpol, Aseanapol...) để kịp thời phát hiện, trấn áp, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở cả trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới về đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ làm công tác điều tra, truy bắt TPVMT nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và những giải pháp hiệu quả trong công tác PCMT.

Top