Tiêm vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung sẽ bị tác dụng phụ?

28/11/2018 14:19

Con gái tôi năm nay 13 tuổi. Tôi đang định tiêm vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung cho bé. Nhưng lên mạng tìm hiểu, tôi đọc được nhiều bài viết trái chiều về việc tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung cho bé gái. Như tại Mỹ, nhiều phụ huynh cho rằng họ ân hận khi tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung cho con gái mình, vì sau khi tiêm có nhiều tác dụng phụ như hay chóng mặt, đau đầu, ngủ không kiểm soát…, không biết thực hư ra sao?

Hiện nay có mấy loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung? Tiêm HPV trong độ tuổi nào là hiệu quả nhất? Nguyễn Hòa (47 tuổi; ngụ quận 8, TPHCM).

Trả lời:

 Ảnh minh họa

Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ung thư phụ khoa, bao gồm ung thư cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng, âm hộ và âm đạo. Những năm gần đây, tỉ lệ mắc ung thư đang tăng lên ở những người trẻ. Khoa Ngoại Ung bướu vừa tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung khi em vừa bước vào tuổi 26, đây là trường hợp được xem là trẻ nhất.

Do vậy, việc tiêm vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung cho các bé gái là một điều hết sức cần thiết. Các bé gái từ 9 tuổi đến phụ nữ 23 tuổi đều có thể tiêm vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Đa số các bác sĩ (BS) khuyến cáo độ tuổi tiêm ngừa tốt nhất là 11-12 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy vắc-xin HPV có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư do HPV gây ra. Từ đó làm giảm các nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung sau này.

Ung thư cổ tử cung hiện là một trong những loại ung thư phụ khoa thường gặp nhất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện nay có 3 loại vaccine HPV bao gồm: Gardasil, Gardasil-9 và Cervarix. Tại Việt Nam, có 2 loại vắc-xin Cervarix phòng ngừa 2 loại HPV 16,18; vắc-xin Gardasil: ngừa 4 loại 6, 11, 16, 18. Trước 15 tuổi chích 2 mũi lần đầu và 6 tháng sau; sau 15 tuổi chích 3 lần: 0-2-6 tháng

Các loại này khác nhau về số chủng HPV có thể phòng ngừa. Vaccine có thể gây ra một số phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, đỏ, đau nhẹ giống các loại vaccine khác.

Thuốc chủng ngừa HPV không ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm HIV, herpes, chlamydia và lậu. Do vậy, để phòng bệnh ung thư cổ tử cung, ngoài việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn thì tiêm phòng vaccine HPV là biện pháp an toàn và hiệu quả để phòng bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Top