Chương trình hiệu quả giúp trẻ nhiễm HIV tiếp cận sớm ARV

13/11/2018 17:08

Việc chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi là một chương trình hiệu quả giúp trẻ được điều trị ARV. Bên cạnh đó, chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm khuyếch đại gen-PCR, phát hiện ADN của HIV cho phép phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh. Việc này giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình trẻ, điều trị kịp thời cho trẻ HIV và hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

 PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS tặng quà trẻ nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện cả nước có 345 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em, trong đó có 70 cơ sở tuyến tỉnh và 275 cơ sở tuyến huyện. Chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi là một chương trình hiệu quả giúp trẻ được điều trị ARV sớm. Trước đây, tất cả trẻ do mẹ có HIV sinh ra chỉ được xác định tình trạng nhiễm HIV khi đủ 18 tháng tuổi. Hiện nay, việc chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm khuyếch đại gen-PCR, phát hiện ADN của HIV cho phép phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh.

Từ khi triển khai chương trình, nhiều trẻ đã được phát hiện HIV ngay khi 4-6 tuần tuổi. Việc chẩn đoán sớm HIV giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình trẻ; đưa trẻ có HIV vào chương trình điều trị kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, khi trẻ được điều trị sớm sẽ làm giảm tải lượng virus, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho trẻ khác trong cộng đồng.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, ngành Y tế đang hỗ trợ tối đa cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV để được quản lý, duy trì điều trị bằng ARV, theo dõi điều trị ARV ở các cơ sở y tế một cách thuận tiện nhất.

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV cho trẻ nhiễm tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh.

Song song với việc chăm sóc trẻ tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV cũng được quan tâm chăm sóc khi sống cùng gia đình và trong cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ.

Các nhóm đồng đẳng viên đã giúp liên hệ giữa gia đình trẻ với các phòng khám ngoại trú HIV để thúc đẩy chẩn đoán sớm, hướng dẫn làm thủ tục từ thời điểm chẩn đoán nhiễm HIV cho đến lúc bắt đầu chăm sóc và hỗ trợ duy trì, tuân thủ điều trị ARV. Để tuân thủ theo đúng quy định, Bộ Y tế cũng đã có quyết định về việc hướng dẫn chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Gần 42 nghìn trẻ nguy cơ nhiễm HIV

Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện nay tại Việt Nam là 121.723, trong đó trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 6.800; trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS là 73.129; trẻ có nguy cơ nhiễm cao là 41.794.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện có khoảng 5.000 trẻ nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, tăng 2,5 lần so với năm 2009. Tuy nhiên, nhiều trẻ sinh sống trong gia đình có bố, mẹ hoặc người thân nhiễm HIV/AIDS chưa được xét nghiệm định kỳ phát hiện HIV do kinh tế khó khăn, thiếu phương tiện đi lại hoặc chưa nhận thức hết về sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm để phòng ngừa và phát hiện sớm lây nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy...

Thực tế vẫn còn một số em nhỏ bị ảnh hưởng HIV khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ là do nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn chế. Vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm xây dựng Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em, người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được người dân biết đến. Vẫn còn hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đặc biệt ảnh hưởng đến quyền được học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Đa phần trẻ nhiễm HIV thường sống trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc trang trải các khoản học phí và các khoản đóng góp khác là một trong những khó khăn lớn. Chính sách hiện nay chỉ cho phép trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo được miễn giảm học phí. Trong khi đó, cơ chế bình xét hộ nghèo tại cộng đồng cùng với tâm lý e ngại bị kỳ thị lại chính là rào cản khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình bị hạn chế năng lực tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thực tế cho thấy, còn khoảng 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ bị nhiễm HIV. Bản thân gia đình có trẻ bị nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tâm lý sợ hãi vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử, nhiều đối tượng hưởng lợi giấu không thông báo về bệnh trạng HIV của mình, vì vậy nhiều trẻ chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ.

Cần phát huy cao công tác dự phòng

Một trong ba con đường chính (chiếm từ 25 - 40%) làm lây truyền HIV/AIDS là từ mẹ sang con. Nếu không được điều trị dự phòng, cứ 100 bà mẹ có HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra lây HIV từ mẹ, nhưng nếu được điều trị dự phòng, chỉ có khoảng 5 trẻ bị lây. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2017, số phụ nữ có thai là hơn 2,7 triệu người, trong đó số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (50,2%), phát hiện nhiễm HIV 1.108 người; tỷ lệ HIV dương tính trong nhóm chẩn đoán sớm trong vòng 2 tháng sau sinh là 1,8%. 

Nhờ sự phát triển của công tác điều trị, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh và không nhiễm HIV, nếu mẹ sớm được dùng thuốc kháng virus ARV và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS) cho biết, trong quá trình mang thai, phụ nữ sẽ được dùng các loại thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn sự nhân lên để làm giảm số lượng virus HIV trong cơ thể người mẹ, giảm nguy cơ truyền sang con.

Ngoài ra, thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 53% số phụ nữ mang thai sinh con được làm xét nghiệm từ trước và trong mang thai. Do vậy, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền mẹ con. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong phòng, chống lây truyền mẹ con chuyển đầu mối sang hệ sức khỏe sinh sản thực hiện ở một số tỉnh còn lúng túng.

Nếu phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV ở ba tháng đầu của thai kỳ được uống thuốc sớm và tuân thủ điều trị theo nguyên tắc 5Đ (uống thuốc đều, đúng giờ, điều nhiều, đúng chỉ định, đúng cách), xét nghiệm máu từ 3 đến 6 tháng/lần, tải lượng virus dưới 200 bản sao, thì nguy cơ lây sang con sẽ thấp. Việc xét nghiệm HIV ngay khi biết mình mang thai trong quý đầu của thai kỳ hoặc ngay lần khám thai đầu tiên điều trị thuốc thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm đáng kể, với tỷ lệ chỉ còn 2 - 6%.

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, để bảo đảm quyền của trẻ em có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, cần tiến hành rà soát các dịch vụ khám và điều trị HIV được BHYT hỗ trợ. Theo đó xem xét đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục BHYT chi trả; có cơ chế cho phép người nhiễm HIV được thanh toán BHYT tại tất cả các phòng khám điều trị ngoại trú.
Top