Hợp tác chương trình PrEP: Chiến lược mới để chấm dứt đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam

12/11/2018 15:03

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đẫ đạt được, Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đạt được những bước tiến mới trong công tác dự phòng nhằm giảm thiểu số ca nhiễm mới.

Diễn đàn PrEP được CDC hỗ trợ cho Hanoi Pride. Ảnh: VUSTA

Kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được chẩn đoán ở Việt Nam vào năm 1990, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những bước tiến lớn. Thông qua Kế hoạch Hỗ trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, Chống HIV/AIDS (PEPFAR), phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) đã được đưa vào triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 với quy mô tăng nhanh và đã đạt được thành công lớn. Số liệu gần đây cho thấy ước tính hiện có 245.598 người sống chung với HIV tại Việt Nam, trong đó 130.000 người được điều trị bằng thuốc ARV.

Trong số những bệnh nhân đang điều trị bằng ARV được làm xét nghiệm, 94% có tải lượng virus dưới 1000 bản sao/ml và khoảng 92% đạt tải lượng dưới 200 bản sao/ml. Cho tới nay Việt Nam vẫn là nước đạt tỷ lệ ức chế virus HIV cao nhất trong số các nước nhận hỗ trợ từ PEPFAR trên toàn cầu. Đó vẫn luôn được coi là thành tựu vượt bậc của chương trình HIV tại Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đó thì vẫn cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đạt được những bước tiến mới trong công tác dự phòng nhằm giảm thiểu số ca nhiễm mới. Trong năm 2017, ước tính có 10.074 trường hợp nhiễm HIV mới, phần lớn trong số này nằm trong các nhóm quần thể đích, cụ thể là những người tiêm chích ma túy (PWID) và nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đây cũng chính là hai nhóm được chỉ ra có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao trong các số liệu gần đây.

Ngoài các chiến lược dự phòng truyền thống như sử dụng bao cao su, việc áp dụng các phương pháp tiếp cận mới là rất cần thiết. Hơn nữa, hiệu quả của bao cao su phụ thuộc nhiều vào việc có sử dụng thường xuyên khi quan hệ tình dục hay không.

Đối với nhóm MSM, các nghiên cứu cho thấy nếu bao cao su không được sử dụng 100% khi quan hệ tình dục với bạn tình, hiệu quả dự phòng HIV giảm từ 86% xuống 0-26%. Chỉ 16% MSM sử dụng bao cao su 100% trong các lần quan hệ tình dục, đồng nghĩa với việc phần lớn số người còn lại dễ bị lây nhiễm.

Nếu bao cao su không phải phương pháp dự phòng hiệu quả thì cần phương pháp nào?

Hiện đã có một phương pháp dự phòng mới chỉ bằng một viên thuốc uống hàng ngày, được gọi là dự phòng trước phơi nhiễm hay PrEP.  Đã có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên thế giới trong những người quan hệ tình dục khác giới, nam quan hệ tình dục đồng giới, và người tiêm chích ma túy cho thấy hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cao (ví dụ giảm đến 92% ở nhóm MSM) khi họ tuân thủ liệu pháp PrEP.  Thuốc PrEP rất an toàn, dễ uống và không tương tác với hầu hết các loại thuốc khác.

Việc quan hệ tình dục an toàn bằng bao cao su cần phải có kế hoạch, chuẩn bị trước, đây có thể là một trở ngại lớn, thì PrEP được uống hàng ngày hoàn toàn không phụ thuộc vào khi nào có quan hệ tình dục. Không giống như bao cao su, PrEP sẽ trở thành một phong cách sống: Bệnh nhân sử dụng PrEP sẽ đến gặp bác sĩ 3 tháng một lần để xét nghiệm HIV, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI), các xét nghiệm khác và có thể nhận được các dịch vụ chuyển gửi liên quan đến sức khỏe tâm thần, lạm dụng ma túy, và sức khỏe sinh sản. Vai trò của PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV chính là khởi đầu quan trọng để đạt được sức khỏe tình dục.

Tại Việt Nam, PrEP đã được cung cấp thông qua các dịch vụ thí điểm tại TPHCM và Hà Nội từ năm 2017. Hiện có khoảng 2.000 khách hàng (chủ yếu là MSM) đã được cung cấp PrEP nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần làm. Như một phần trong chiến lược hành động của PEPFAR,CDC-PEPFAR đã cam kết mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP ra 21 cơ sở tại 7 tỉnh với mục tiêu đưa 2.890 khách hàng vào sử dụng PrEP đến tháng 10/2019. Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, CDC-PEPFAR sẽ hỗ trợ kinh phí chăm sóc, điều trị và mở rộng việc cung cấp dịch vụ PrEP đến các cơ sở y tế công cộng.

Tuy nhiên, để PrEP thành công tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các đối tác không thể một mình thực hiện được. Trên thực tế, các tổ chức cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình thí điểm, các chiến dịch quảng bá và nhân rộng PrEP. Việc tiếp tục huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng thông qua các chiến dịch, sự kiện và tiếp cận cộng đồng có ý nghĩa then chốt để tạo nhu cầu cho PrEP (và gia tăng các dịch vụ kết nối) trên toàn Việt Nam - không chỉ ở các tỉnh được PEPFAR hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc vận động để đưa các dịch vụ PrEP và sức khỏe tình dục vào kế hoạch bảo hiểm y tế xã hội là cần thiết để thúc đẩy tính bền vững lâu dài của chương trình PrEP tại Việt Nam. 

Một điểm cần lưu ý, tương tự như những người sống chung với HIV, những người sử dụng PrEP có thể bị kỳ thị và phân biệt đối xử (ví dụ "Truvada whore” - Định kiến cho rằng những người sử dụng PrEP là những người dễ dãi trong quan hệ tình dục) khiến những người có nhu cầu sử dụng PrEP ngần ngại khi cần tiếp cận dịch vụ. Do vậy, cần thiết có các thông điệp thống nhất hướng tới cộng đồng,chống lại sự kỳ thị PrEP và quảng bá PrEP như một sự lựa chọn có trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe tình dục có thể làm thay đổi nhận thức thành quyền lựa chọn trong quan hệ tình dục.

Với tỷ lệ ức chế virus cao trong bệnh nhân nhiễm HIV, hiệu quả dự phòng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục (K = K) và hiện nay là sự nhân rộng triển khai dịch vụ PrEP cho những người âm tính với HIV, chúng ta có những công cụ trong tay để hiện thực hóa mục tiêu không còn trường hợp nhiễm HIV mới nào tại Việt Nam. Vì vậy, bản thân và cộng đồng chính là những người trực tiếp tạo ra những thay đổi. Hãy cùng nhau phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt HIV tại Việt Nam.
Top