Phòng, chống mua bán người: Cần sớm hoàn thiện căn cứ pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế

31/10/2018 11:56

Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ lâu nhưng chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn; kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng, bởi đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài, xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc của người nhà nạn nhân…

Những vấn đề này cho thấy phòng, chống mua bán người đã và đang gặp khó khăn, vướng mắc trên nhiều mặt.

Chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người

Theo báo cáo của Bộ Công an, Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực đã hơn 6 năm nhưng đến nay các Bộ, ngành chức năng chưa tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định, trên cơ sở đó ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật. Việc này có trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1173/QĐ-TTg ngày 18/7/2011 phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó có đề xuất xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhưng không đề cập đến việc giao cho các Bộ, ngành nào chủ trì xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.

Mặt khác, theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật, Bộ Công an chưa ban hành được Thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ. Từ năm 2014, Bộ mới chỉ đạo đơn vị chức năng dự thảo Thông tư, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phục vụ xây dựng, ban hành.

Những hành vi có dấu hiệu mua bán người được đề cập trong Luật Phòng, chống mua bán người hay hành vi có dấu hiệu tương đồng với mua bán người được quy định trong Bộ luật Hình sự như tổ chức người trốn đi nước ngoài, môi giới mại dâm, chứa mại dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…. Nhưng thực tế vẫn đang thiếu các văn bản hướng dẫn nên khó khăn trong công tác xử lý tội phạm cũng như xác minh, xác định nạn nhân của vụ án mua bán người.

Đối tượng Đỗ Ngọc Anh (trái) và Hoàng Thị Ánh Sáng đã lừa bán chị P.T.N sang Trung Quốc làm gái bán dâm-Ảnh: báo CAND

Thông tư liên tịch số 01 ngày 23/7/2013 của liên Bộ: Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tư pháp hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 119, 120 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã hết hiệu lực, không còn phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018). Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành chưa được ban hành, khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử.

Hợp tác quốc tế còn nhiều trở ngại

Qua công tác điều tra kết hợp rà soát từ năm 2012 đến năm 2017, lên danh sách xác định được 3.090 nạn nhân và nghi là nạn nhân bị mua bán liên quan đến 1.021 vụ án đã và đang điều tra. Ngoài ra, qua các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, phát hiện còn hàng nghìn trường hợp nghi là nạn nhân đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không. Hoặc qua điều tra, phát hiện nhiều đường dây mua bán người sang các nước như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nga, Anh, một số nước châu Phi…, song giữa hai quốc gia chưa có Hiệp định song phương về phòng, chống mua bán người và chưa thống nhất tiêu chí xác định nạn nhân nên họ bị bắt, giam giữ hoặc trục xuất về nước như tội phạm hoặc người bị hại, người xuất cảnh trái phép.

Do thiếu cơ chế hợp tác quốc tế đặc thù, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người, hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ giữa Việt Nam với các nước có đông nạn nhân người Việt Nam; tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc chưa đồng nhất nên nhiều vụ án bị câu dầm, kéo dài hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, dẫn đến việc xác minh, giải cứu nạn nhân chậm trễ. Đối với một số nước đã ký kết thì mới dừng lại ở việc thực hiện các hiệp định, văn bản ghi nhớ nhưng thực tế triển khai thực hiện ở cơ sở phía nước bạn thường ít được quan tâm phối hợp; hiệu quả việc ký kết này trong việc xác minh hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng, truy bắt, dẫn độ tội phạm, giải cứu, hồi hương nạn nhân còn bất cập…gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án, giải cứu nạn nhân.

Tội phạm mua bán người chủ yếu là mua bán ra nước ngoài nên đa số các vụ án xảy ra đều ít nhiều liên quan đến yếu tố nước ngoài và phải thực hiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007 để thu thập thông tin, xác minh, điều tra… thì mới được coi là chứng cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do không có thời hạn cụ thể nào nên việc thực hiện tương trợ tư pháp, trả lời ủy thác điều tra của phía nước ngoài thường chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra vụ án. Việc trưng cầu phiên dịch viên tư pháp trong điều tra vụ án mua bán người liên quan đến đối tượng là người nước ngoài, nhất là Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn về nhân sự và tư cách pháp nhân của phiên dịch viên.

Việt Nam mới chỉ tận dụng được hiệu quả hợp tác quốc tế ở việc hỗ trợ nạn nhân trong nước. Trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và triển khi dự án “Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2013 thông qua số máy 18001567 và giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2017 thông qua số máy 111.

Trong công tác hỗ trợ nạn nhân tại các tỉnh, thành phố, với sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của quốc tế, đã và đang triển khai các mô hình hỗ trợ nạn nhân như: Nhà nhân ái tại Lào Cai và An Giang; mô hình nhóm tự lực tại Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh; mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại Nghệ An.

Tiếp nhận nạn nhân Tr.Th.K do Công an Biên phòng Trung Quốc bàn giao-Ảnh: Báo Biên phòng

Có một thực tế là từ kinh phí cho tuyên truyền đến xây dựng pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và hợp tác quốc tế đều thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách dành cho công tác phòng, chống mua bán người rất hạn hẹp, các Bộ, ngành, địa phowng cần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa, kêu gọi, huy động sự chung tay góp nguồn lực của toàn xã hội, nhất là các cá nhân, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Luật Phòng, chống mua bán người và Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 xác định phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia; lấy phòng ngừa là cơ bản, coi trọng và bảo vệ quyền con người; giảm nguy cơ; giảm tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Do vậy, các cấp Trung ương cần quan tâm chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới…gắn với lồng ghép, ưu tiên thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ và phát huy giá trị con người, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân, trong đó các lực lượng chức năng (Công an, Quân đội; Lao động-Thương binh Xã hội; Phụ nữ…) làm nòng cốt tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Top