Khánh Hòa: Còn nhiều khó khăn trong điều trị Methadone

02/10/2018 16:55

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 637 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện đang được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. 90% bệnh nhân được cải thiện về sức khỏe, có ý thức, trách nhiệm với bản thân và gia đình. Tuy nhiên, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Tư vấn điều trị Methadone cho bệnh nhân tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TT PC HIV/AIDS tỉnh

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 3 cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc Methadone tại TP Nha Trang, Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và 2 cơ sở cấp phát thuốc đặt tại huyện Diên Khánh, Vạn Ninh.

Trong thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hội nghị đồng thuận về chương trình điều trị Methadone với sự tham dự của đại diện UBND cấp huyện, ban, ngành, đoàn thể, công an, trạm y tế, UBND cấp xã và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ cơ sở.

Mở nhiều đợt tuyên truyền về lợi ích của chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp đến các thôn, tổ dân phố, người dân. Đồng thời, các trạm y tế, các nhóm tự nguyện cộng đồng đến gia đình và cá nhân người nghiện chất dạng thuốc phiện để vận động họ tự nguyện tham gia điều trị Methadone...

Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 895 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, nhưng chỉ có 637 người đang uống Methadone thường xuyên. Trong quá trình điều trị, chưa có bệnh nhân dừng điều trị do tác dụng phụ của Methadone hoặc bệnh nặng. Số bệnh nhân còn lại, tuy đang điều trị Methadone nhưng vẫn dùng kèm các loại ma túy khác hoặc bị mắc các bệnh như: Viêm gan C, lao, lậu, giang mai, rối loạn tâm thần, phẫu thuật, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... đã bị loại khỏi chương trình điều trị do không đáp ứng quy trình.

Hiện có khoảng 90% bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tuân thủ điều trị, chấp hành tốt nội quy cơ sở, quy định chuyên môn; một số tìm được việc làm, có nhận thức, ý thức trách nhiệm với cuộc sống. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị còn cao, nguy cơ tái nghiện cao; một số ít bệnh nhân gây mất an ninh trật tự tại cơ sở điều trị, đồng thời vẫn sử dụng các loại ma túy khác. Một số bệnh nhân bị gia đình ép buộc điều trị bằng Methadone nên có phần bất hợp tác với cơ sở điều trị, không đóng phí điều trị; sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong việc bảo vệ trật tự tại địa bàn với các cơ sở điều trị chưa tốt; sự kỳ thị, tự kỳ thị vẫn còn; kinh phí cấp cho chương trình rất hạn chế ảnh hưởng nhiều đến tính bền vững của chương trình...

Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, bác sĩ Trần Văn Tin, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh kiến nghị nên có chương trình đào tạo lại và đào tạo chuyên sâu về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho cán bộ, nhân viên ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và ngành Y tế đang làm công tác này; tăng cường công tác giáo dục và truyền thông; cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của hệ thống chính trị, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tự nguyện, đơn vị chức năng trong việc vận động, hỗ trợ gia đình và cá nhân người nghiện; bố trí biên chế nhân sự, có chính sách ưu đãi phù hợp cho họ; huy động sự đóng góp kinh phí của người sử dụng dịch vụ... từng bước góp phần làm giảm lây truyền HIV/AIDS qua đường tiêm chích, giảm đối tượng sử dụng lại heroin, giảm tội phạm do người nghiện gây ra...

Từ nay đến năm 2020, địa phương sẽ nâng cấp 1 cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Vạn Ninh thành cơ sở điều trị; triển khai mới 2 cơ sở cấp phát thuốc tại thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm. Qua đó, sẽ tăng số lượng bệnh nhân được đến điều trị, cấp phát thuốc tại các cơ sở.

Theo số liệu thống kê của công an tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối 2017 số người nghiện có hồ sơ quản lý là 1.295 người, cụ thể: thành phố Nha Trang 445 người, thành phố Cam Ranh 183 người, huyện Diên Khánh 96 người, huyện Vạn Ninh 194 người, thị xã Ninh Hòa 185 người, Cam Lâm 50 ngưởi, Khánh Vĩnh 05 người. So với cuối năm 2016 tăng 102 người. Loại ma túy sử dụng: Heroin 853 người (65,9%); ma túy tổng hợp 312 người (24,1%); cần sa 130 người (10%). Có 101/140 xã, phường, thị trấn ở 7/8 huyện, thị xã, thành phố có người nghiện ma túy; trong đó có 20 đơn vị trọng điểm loại III, 1 đơn vị trọng điểm loại II về ma túy.

Top