Phú Yên: Đa dạng cách thức phòng ngừa mại dâm

04/07/2018 15:42

Mặc dù chưa tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự, chưa gây nhức nhối, bức xúc nhưng tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát thành các tụ điểm về tệ nạn mại dâm.

Ảnh minh họa

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến tệ nạn mại dâm như nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, điểm karaoke, quán cà phê, điểm cắt tóc thư giãn, massage, xông hơi, các loại hình khác… Phương thức, thủ đoạn hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, đa dạng về loại hình, trong đó phổ biến là lợi dụng danh nghĩa kinh doanh dịch vụ lưu trú, cắt tóc, gội đầu thư giãn, massage, karaoke... hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Người bán dâm phần lớn từ nơi khác đến và thông qua hình thức ký kết hợp đồng thuê nhân viên phục vụ nhưng thực chất là hoạt động mại dâm. Chủ nhà nghỉ, khách sạn không trực tiếp nuôi gái mại dâm, chứa mại dâm, môi giới mại dâm mà thường giao quyền cho các nhân viên trực tiếp làm việc này…

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở LĐTB&XH tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương chỉ đạo 100% xã, phường, thị trấn thực hiện công tác quản lý nhân khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng. Một số địa bàn trọng điểm đã xây dựng các điểm tố giác tệ nạn xã hội ở từng khu dân cư. Các ngành chức năng có liên quan phối kết hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, điều tra, thống kê tình hình mại dâm.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy được đẩy mạnh. Sở LĐTB&XH, các ngành chức năng có liên quan và địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma túy, mại dâm để chỉ đạo xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Hoạt động này được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức khác nhau, lồng ghép, gắn kết tạo thành phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm; kiện toàn đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã.

Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò, quyền hạn của đội công tác xã hội tình nguyện, từ đó ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ tình nguyện viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 112/112 xã, phường có đội công tác xã hội tình nguyện với gần 600 thành viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đang hoạt động có hiệu quả.

Các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2018 là đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống mại dâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tiêu cực, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, quản lý địa bàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về phòng chống tệ nạn mại dâm; xây dựng và triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng chống mại dâm; đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Các cấp hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong công tác phòng chống mại dâm, gắn với việc phát động xây dựng các mô hình “Phường, xã, thị trấn không có tệ nạn xã hội”.

Một số mục tiêu cụ thể là 75% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; 50% huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm.
Top