Khắc phục khó khăn khi đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện

04/05/2018 15:31

Theo phản ánh của một số địa phương, cũng như cán bộ của người trực tiếp làm công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, việc đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc không hợp tác từ người phía người nghiện .

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.Hà Nội về vấn đề này.

Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Hà Nội-Ảnh: Nhật Thy

Hiện nay, việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện gặp nhiều vướng mắc. Ông có thể cho biết thực tế tại địa phương?

Ông Phùng Quang Thức: Hiện nay, việc đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định tại vào cơ sở xã hội tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là việc xác định tình trạng nghiện cũng như nơi cư trú của đối tượng. Có quan điểm cho rằng, phải xác định rõ đối tượng là người nghiện ma túy và không có nơi cư trú ổn định thì mới đưa đối tượng vào cơ sở xã hội. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng, cứ phát hiện đối tượng thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép là có thể đưa vào cơ sở xã hội, sau đó mới xác định tình trạng nghiện và nơi cư trú của đối tượng. Trên thực tế, quan điểm thứ hai được nhiều nơi áp dụng do việc xác minh người nghiện ma túy cần thời gian và chuyên môn y tế, nhất là đối với những trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp.

Về xác định nơi cư trú của đối tượng, Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2013 và các văn bản hướng dẫn đều không có khái niệm rõ ràng như thế nào là không có nơi cư trú ổn định. Trong quy định thì nơi cư trú ổn định là nơi đối tượng thường xuyên sinh sống. Câu hỏi đặt ra là, ví dụ một người có hộ khẩu thường trú ở địa phương khác đến Hà Nội sinh sống thì nơi tạm trú có được coi là nơi cư trú thường xuyên không. Hay có những trường hợp, có hộ khẩu thường trú nhưng lại không thường xuyên sinh sống tại nơi cư trú thì như thế nào. Bên cạnh đó, người nghiện thường không hợp tác để cung cấp thông tin chính xác khiến việc xác định nơi cư trú của người nghiện là một việc tốn rất công sức của lực lượng chức năng. Quy định là phải xác minh trong thời gian 14 ngày làm việc nhưng thực tế có trường hợp không xác minh được nơi cư trú nên không thể đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Việc xác định độ tuổi cũng là một vấn đề khó khăn khi người nghiện không có giấy tờ tùy thân. Để tránh bị xử lý hành chính cũng như đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện thường cung cấp không trung thực về tuổi của bản thân. Quy định là chỉ đưa người trên 18 tuổi vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc nên nhiều người không có giấy tờ thường báo là mình dưới 18 tuổi. Việc nhìn gương mặt để đoán tuổi cũng khó thực hiện.

Một khó khăn nữa cần phải nói đến khi đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đó là việc người nghiện bỏ trốn sau khi có quyết định của Tòa án. Quyết định của Tòa án để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ có hiệu lực sau 3 ngày ban hành. Trong 3 ngày đó, người nghiện được bàn giao về với gia đình để quản lý và nếu có kháng cáo sẽ xem xét. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong thời gian chờ quyết định có hiệu lực đã bỏ trốn khỏi địa phương. Có người sau một vài năm trở về, nếu vẫn còn nghiện thì có thể tiếp tục thực hiện quyết định của Tòa án, nhưng có những người đã đi cai nghiện, có chứng nhận của cơ sở khác thì có tiếp tục đưa họ vào cơ sở nữa không cũng đang vướng...

Một trong những khó khăn lớn nhất đến từ sự không hợp tác của người nghiện. Hà Nội có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này cũng như kinh nghiệm để đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện thuận lợi nhất?

Ông Phùng Quang Thức: Trong quá trình làm việc, người nghiện hầu hết là không hợp tác. Thậm chí nhiều người còn chống trả, bỏ trốn hoặc tự gây thương tích cho bản thân. Để họ hợp tác, các cán bộ tại các cơ sở phải làm công tác khai thác và tư vấn. Khai thác là tìm hiểu toàn bộ quá trình cuộc sống, mối quan hệ xã hội của người nghiện, tư vấn là đưa ra những quy định về pháp luật để người ta hiểu. Các cơ sở của ngành đến nay đang thực hiện như vậy. Khi được nghe tư vấn, phân tích thì tinh thần người nghiện sẽ chuyển biến dần và hợp tác điều trị.

Hà Nội hiện có 5 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội đặt tại các cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc. Ở các cơ sở này, người nghiện được tư vấn tâm lý, hỗ trợ cắt cơn giải độc trong thời gian chờ quyết định của Tòa án.

Để giảm bớt thời gian cũng như thủ tục, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành quyết định về trình tự thủ tục, thẩm quyền đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Tòa án. Theo đó, một Hội đồng tư vấn gồm cán bộ của các đơn vị đơn vị: Công an- LĐTB&XH- Y tế- Tư pháp các địa phương được thành lập để rút ngắn thời gian xét hồ sơ. Trước đây, hồ sơ chuyển từ mỗi đơn vị mất vài ngày thì nay các thành viên trong Hội đồng cùng họp tham vấn để cho ý kiến luôn từ đó trong 3 ngày có thể hoàn thiện hồ sơ.

Có thể nói, công tác đưa người cai nghiện vào các cơ sở cai nghiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù khó cũng phải làm để đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát địa bàn. Năm 2017, Hà Nội đã phát hiện hơn 500 trường hợp người nghiện không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn và đưa vào cơ sở xã hội…

Trong đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp kiến nghị sửa đổi quy định về đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo hướng loại trừ việc áp dụng biện pháp này đối với người nghiện ma túy. Theo ông, việc này có thể tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện hiện nay?

Ông Phùng Quang Thức: Biện pháp hành chính chúng ta áp dụng cho hành vi, nếu có áp dụng thì nên sửa dưới góc độ, là ta áp dụng biện pháp xử lý hành chính cho hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Hiện nay biện pháp này đang áp dụng cho người nghiện ma túy. Đây là một trong những điểm chưa thống nhất được bởi nghiện ma túy là một căn bệnh mà ta lại sử dụng biện pháp hành chính để áp dụng cho người bệnh. Theo tôi, ta nên thay đổi cách tiếp cận, vẫn phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy ở địa phương, cộng đồng, coi đây là biện pháp ngăn chặn tại cộng đồng, làm tiền đề, cơ sở để khi ta đánh giá ở mức cao hơn đảm bảo sự chắc chắn trước khi đưa người ta vào cai nghiện bắt buộc. Cai nghiện là một quá trình từ thấp đến cao, nếu như chúng ta không dành cho người nghiện có thời gian để gia đình, địa phương giúp đỡ họ tự từ bỏ ma túy mà áp dụng luôn bằng pháp luật đôi khi làm mất đi động lực của họ.

Theo ông, cần làm gì để công tác cai nghiện đạt hiệu quả tốt nhất?

Ông Phùng Quang Thức: Theo tôi, điều quan trọng nhất là quan điểm, chính sách pháp luật về vấn đề này cần nhất quán. Cần phải rà soát lại các quy định về cai nghiện tại Luật Phòng, chống ma túy cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh gây chồng chéo, khó hiểu, nhầm lẫn.

Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế nguồn lực để phát huy được tác dụng trong phòng, chống ma túy. Đồng thời huy động nguồn lực xã hội, xã hội hóa công tác này. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo điều kiện cho người sau cai nghiện vào làm việc…

Trân trọng cảm ơn ông!

Top