Những quan điểm không đúng về hiếp dâm

22/03/2018 15:32

Nghiên cứu "Xét xử tội hiếp dâm: Hiểu rõ cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam” mới được Liên Hợp Quốc công bố ngày 21/3 đã chỉ ra những quan điểm không đúng về hiếp dâm tại Việt Nam và Thái Lan.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Hiếp dâm có thực sự do người lạ gây ra?

Nghiên cứu cho thấy một số cán bộ làm công tác tư pháp hình sự của hai nước có quan niệm hiếp dâm thực sự’ do người lạ gây ra, có sử dụng vũ lực, và có thương tích cơ thể và xảy ra ở nơi cộng.

Ở Việt Nam nhiều người tin rằng bạo lực tình dục không xảy ra trong gia đình hoặc không phải do người quen thân gây ra hay không xảy ra ở những địa điểm được cho là ‘an toàn’ và ‘bình yên’,

Ở Thái Lan, nạn nhân bị hiếp dâm chịu gánh nặng là phải chứng minh rằng đó không phải là quan hệ tình dục có đồng thuận. Thông thường, khi họ không có thương tích nghiêm trọng để chứng minh thì kẻ phạm tội được hưởng lợi từ việc nghi ngờ đó.

Trong khi nhiều người được phỏng vấn có quan điểm phản ánh lối suy nghĩ truyền thống rằng hiếp dâm do người lạ gây ra, có thương tích cơ thể và xảy ra ở nơi công cộng thì phần rà soát vụ việc đã bác bỏ quan điểm này. Có khoảng từ 86% (Việt Nam) đến 91% (Thái Lan) số nghi phạm là người quen biết của nạn nhân. Qua rà soát vụ việc, nhóm nghiên cứu cho biết đa số các vụ hiếp dâm và tấn công tình dục diễn ra ở nơi riêng tư, thường xuyên nhất là ở nhà của nạn nhân và/hoặc nghi phạm, tiếp đến là nhà một người khác hoặc ở phòng khách sạn. Trong phần lớn các vụ việc ở cả hai quốc gia, hồ sơ cho thấy nạn nhân không có tổn thương cơ thể và việc sử dụng vũ lực hoặc là không được ghi vào hồ sơ, hoặc là không có việc sử dụng vũ lực trong ít nhất 3/4 số vụ việc. Việc sử dụng vũ khí chỉ được ghi nhận ở một tỷ lệ rất nhỏ các vụ việc.

Hiếp dâm và bạo lực tình dục chỉ là vấn đề khi nó xảy ra với những phụ nữ và trẻ em gái ‘ngoan’ hoặc ‘trong trắng’?

Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy một số cán bộ làm công tác tư pháp ở cả hai nước có quan niệm như thế.

“Hiếp dâm một trinh nữ thì tệ hơn là hiếp dâm một người không còn trinh” - một nam công an ở Việt Nam cho hay. “Điều này phản ánh một quan niệm rằng khi đã được ‘sử dụng’ thì giá trị tình dục của phụ nữ không thể tệ hơn nữa nếu có ‘sử dụng’ thêm.” (học giả nữ, Việt Nam).

“Khi phụ nữ bị tấn công tình dục, họ bị đổ lỗi là ‘khêu gợi’, vì ở không đúng nơi, không đúng lúc khi mà lẽ ra họ nên ở nhà như những ‘gái ngoan’ khác. Trang phục và đời tư của họ bị soi mói để phán xét về tính cách xem họ có phải là gái ‘ngoan’ hay gái ‘hư. Nếu có dũng khí để chống lại sự kỳ thị xã hội mà coi họ là ‘những người phụ nữ nhơ nhuốc’, và ‘đồ bỏ đi’ để tìm kiếm công lý, thì trước tiên họ sẽ bị tra hỏi một cách công khai với những câu hỏi thô thiển của công an, rồi sau đó là của luật sư tại tòa, những người thường tìm cách đào sâu vào đời tư của nạn nhân để chứng tỏ rằng đây là những phụ nữ thiếu đạo đức và có khả năng là đang tống tiền thân chủ của họ.”. Trường hợp của Nidd, Thái Lan (trang 31), người từng bị cảnh sát hỏi “Tại sao cô không chịu chấp nhận đền bù của anh ta (thủ phạm)? Cô có con cái rồi, sao còn đòi hỏi nhiều vậy?”.

Các phát hiện từ việc rà soát ở cả hai nước cho thấy số lượng nạn nhân là trẻ em gái cao hơn so với số phụ nữ trưởng thành. Ở Việt Nam, rà soát các vụ việc cho thấy 72% số vụ được trình báo và giải quyết thông qua hệ thống tư pháp hình sự liên quan đến nạn nhân dưới 16 tuổi. Có học giả cho rằng đây có thể là yếu tố văn hóa coi việc giải quyết vấn đề thông qua hệ thống tư pháp hình sự là một cách bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương, trong khi đó phụ nữ trưởng thành được cho là ít bị tổn thương hơn nhiều. Mặt khác, điều này cũng nhất quán với quan niệm của nhiều người tham gia phỏng vấn rằng chỉ một số phụ nữ bị hiếp dâm, hoặc ‘gái ngoan’ không thể bị hiếp dâm.

Hiếp dâm là điều chỉ xảy ra với người ‘ở tầng lớp thấp’, không được học hành hoặc người di cư?

Đó là quan điểm của một nữ cán bộ tư pháp, Việt Nam. Mẫu ‘lý tưởng’ về nạn nhân bị tấn công tình dục làm mất giá trị lời khai của nhiều nạn nhân khiếu kiện về trải nghiệm bị tấn công tình dục của họ. ‘Nạn nhân xấu’- những phụ nữ mà cuộc sống, xuất thân và đặc điểm của họ không được như ‘nạn nhân lý tưởng’ của các vụ tấn công tình dục– là những phụ nữ mà lời khai của họ bị soi xét nhiều nhất, độ tin cậy của họ bị suy xét nhiều nhất, và họ bị coi là kém xứng đáng hơn để được pháp luật bảo vệ. Áp dụng những định kiến như trên đối với nạn nhân bạo lực tình dục vào phỏng vấn và điều tra có thể dẫn đến việc loại trừ nhiều phụ nữ ra khỏi quá trình tư pháp hình sự, bao gồm: Phụ nữ lớn tuổi làm giúp việc gia đình bị chủ xâm hại tình dục; phụ nữ khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, những người được dạy dỗ và ‘phải biết điều’, nữ lao động tình dục;phụ nữ khá cởi mở khi nói về các vấn đề tình dục; hoặc những phụ nữ đồng tính.

Những quan niệm sai lầm về thế nào là nạn nhân ‘thực sự’ hay nạn nhân ‘lý tưởng’ càng làm trầm trọng thêm quan niệm của cán bộ tư pháp hình sự về cách mà nạn nhân ‘lý tưởng’ nên cư xử. Ví dụ, các phát hiện từ Việt Nam cho thấy quan niệm của cán bộ tư pháp hình sự là nạn nhân ‘thực sự’ cần biểu hiện sự sợ hãi cao độ, bất lực hoặc kinh hoàng hoặc có trạng thái tinh thần hoảng loạn. Nạn nhân mà có thể kể lại trải nghiệm bị bạo lực của mình một cách lạnh lùng hoặc dửng dưng thì họ không được coi là phù hợp với quan niệm về hành vi thích hợp và do đó câu chuyện của người đó không được xem là đáng tin cậy.

“Tại thời điểm trình báo, đôi khi rất khó để phân biệt đâu là ‘ca ve’ (gái mại dâm) với một phụ nữ đứng đắn. Điều tra viên phải quan sát người trình báo rất kỹ. Trong trường hợp phụ nữ đứng đắn trình báo thì người đó nhìn chung thường tỏ ra bối rối và nhút nhát trong suốt quá trình. Chỉ cần nhìn cách đối tượng ăn mặc thì cũng có thể đoán được họ làm nghề gì. Nếu thái độ của đối tượng khi trả lời câu hỏi về các vấn đề tình dục là khá cởi mởi, thông qua cách nói chuyện của họ, thì cần cân nhắc lại vụ việc. Bởi vì mặc dù vụ việc mà một ‘ca ve’ trình báo có thể là một vụ hiếp dâm nhưng cũng có thể là lời cáo buộc sai lệch với nhưng gì xảy ra trên thực tế”, một nam công an điều tra, Việt Nam cho biết

Một số phụ nữ đáng bị hiếp dâm và tấn công tình dục; đó là lỗi của chính họ?

Quan niệm không đúng này cho rằng nạn nhân bạo lực tình dục ‘khêu gợi’ (ví dụ quần áo hở hang kích động nam giới gây bạo lực tình dục), ‘muốn điều đó’, hoặc tự đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm (ví dụ bán dâm hoặc bị chuốc say). Ở cả hai quốc gia, nghiên cứu phát hiện rằng phụ nữ thường bị đổ lỗi khi bị bạo lực tình dục vì những lý do khác nhau, từ việc họ làm gái mại dâm, đến ăn mặc khiêu khích, đi chơi khuya với đàn ông, hoặc thậm chí chỉ là đi xe buýt một mình vào ban đêm.

“Tôi biết trông tôi có thể không đứng đắn, nghiêm túc như các cô gái Thái khác ở độ tuổi của tôi. Tôi dùng son đỏ và có tính cách hoang dại. Mọi người nghĩ tôi là một cô gái hoang dại. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi xứng đáng bị hiếp dâm. Tôi không bảo những người đàn ông đó hãm hiếp tôi. Tôi cầu xin họ đừng làm điều đó” (nữ nạn nhân bị hiếp dâm, Thái Lan cho biết).

“Các vụ việc có liên quan đến gái mại dâm thì phần lớn diễn ra như sau. Trướctiên cả hai đồng ý với thỏa thuận, nhưng sau đó khách hàng đòi hỏi nhiều hơn, thậm chí gây đau đớn và thương tích cho người phụ nữ, hoặc mang theo nhiều người cùng tham gia, như là ‘quan hệ tập thể’, mà không trả thêm tiền: đó là lý do tại sao người phụ nữ báo cảnh sát. Đó là để trả thù, vì khách hàng không làm đúng như thỏa thuận (nam điều tra viên hình sự, Việt Nam, giải thích tại sao gái mại dâm không được coi là nạn nhân vô tội).

“Cháu bị hiếp dâm chính vì cách ăn mặc của cháu, nếu không phải người này thì cháu cũng sẽ bị người khác lạm dụng.” (nữ nhân viên công tác xã hội thuật lại lời của một công an thụ lý một vụ hiếp dâm nạn nhân 12 tuổi, Việt Nam).

Những quan niệm không đúng này ảnh hưởng đến quan niệm của cán bộ tư pháp hình sự trong việc đánh giá độ tin cậy của nạn nhân. Cách mà các cán bộ làm công tác tư pháp nhìn nhận và đối xử với nạn nhân sẽ tác động đến sự hợp tác của nạn nhân và tiến triển của vụ việc trong hệ thống.

Bạo lực tình dục chỉ xảy ra ở một số bộ phận trong xã hội

Nghiên cứu cho biết những quan niệm không đúng này được phản ánh trong quan niệm của một số cán bộ làm công tác tư pháp hình sự tham gia phỏng vấn.

Một cán bộ tư pháp Việt Nam cho rằng: “Nhìn chung quan niệm phổ biến rằng các hành vi bạo lực tình dục thường có xu hướng xảy ra ở những nơi được coi là ‘phức tạp’ mà ở đó người dân xuất thân từ những nguồn gốc xã hội khác nhau, hoặc ví dụ ở những nơi có đông lao động nhập cư và người dân tộc thiểu số.”

Người ta thường cho rằng những người đàn ông sống ở những nơi yên bình, hạnh phúc hoặc những người có giáo dục thì sẽ không có những hành vi ‘quá đáng’ như hiếp dâm. Quan điểm này này càng củng cố giả định cho rằng hiếp dâm và các tội danh liên quan đến tình dục khác phổ biến ở người nghèo, ít học và cho phép ‘người bình thường’ tự mình tránh được một cách an toàn khỏi những vụ việc ‘tồi tệ’ này.

Chồng không thể hiếp dâm hoặc tấn công tình dục vợ?

Nghiên cứu phát hiện rằng thái độ này phổ biến trong xã hội xã hội là chỉ cho thấy tại sao hiếp dâm trong hôn nhân thường không được báo công an.

Các quy phạm xã hội Thái Lan coi bạo lực gia đình là vấn đề nội bộ, không phải để chia sẻ hoặc để người ngoài can thiệp. Điều này khiến phụ nữ Thái im lặng.

Ở Việt Nam-nơi mà không có vụ việc hiếp dâm trong hôn nhân nào được trình báo để đưa vào nghiên cứu và không có cán bộ tư pháp nào được phỏng vấn đã từng giải quyết hoặc thậm chí nghe nói về một vụ việc như vậy được thụ lý trong hệ thống tư pháp hình sự-có quan niệm phổ biến rằng đồng ý kết hôn cũng có nghĩa là đồng ý quan hệ tình dục đến chừng nào mà hôn nhân vẫn có hiệu lực, quyền tình dục này không thể bị rút lại. Hơn nữa, một nghiên cứu khác cũng cho biết có quan niệm phổ biến rằng nếu phụ nữ không làm cho chồng thỏa mãn thì người chồng có thể đi tìm gái mại dâm.

“Cảnh sát và Hội phụ nữ không tin rằng hiếp dâm có thể xảy ra trong hôn nhân, vì thế họ tìm cách giải quyết vấn đề thông qua hòa giải” , một nữ học giả (Việt Nam) cho biết.

Những phụ nữ tìm cách trả thù hoặc tống tiền thường bịa đặt các cáo buộc về bạo lực tình dục?

Quan niệm không đúng này dựa theo câu nói nổi tiếng của Sir Mathew Hale ở thế kỷ 18 rằng hiếp dâm là một “cáo buộc dễ đưa ra và khó chứng minh và còn khó hơn để bên bị cáo buộc có thể bào chữa, dù hoàn toàn vô tội”.

Ở Việt Nam một số công an được phỏng vấn cho rằng bất kỳ vụ việc nào do ‘ca ve’ (gái mại dâm) trình báo thì đều là giả vì họ chỉ muốn moi thêm tiền của khách hàng. Theo kết quả từ rà soát các vụ việc, không có sự tố giác nào liên quan đến những trường hợp như vậy.

Một nạn nhân sẽ trình báo hết ngay khi họ có cơ hội đầu tiên?

Cảnh sát thường có quan điểm cụ thể về việc một nạn nhân bị hiếp dâm nên cư xử như thế nào, và nếu nạn nhân không cử xử theo cách mà họ được kỳ vọng thì vụ việc của họ sẽ ít có khả năng tiến triển với lý do không có bằng chứng đáng tin. Nhiều cảnh sát được phỏng vấn thể hiện sự nghi ngờ về việc trình báo muộn.

Các phát hiện từ Việt Nam cho thấy cách cảnh sát nhìn nhận lỗi của nạn nhân trong việc không trình báo hoặc trình báo quá muộn, khi không còn chứng cứ.

Các hành vi hiếp dâm thường xảy ra ở những nơi như khách sạn, nhà nghỉ, nơi vắng vẻ… giữa hai người. Do đó rất khó có bằng chứng. Vụ việc thường không được trình báo ngay, mà thường sau một hoặc hai ngày, một tuần, hoặc thậm chí cả tháng sau khi vụ việc xảy ra, do đó rất khó thu thập bằng chứng vật chất như tinh dịch, bao cao su, vết cào cấu...

Thậm chí nạn nhân cũng cảm thấy những hành động đó ghê tởm đến mức họ thường tắm rửa kỹ ngay sau khi sự việc xảy ra. Việc tìm kiếm bằng chứng thể chất thường dễ hơn trong các vụ có liên quan đến trẻ em gái hoặc phụ nữ có quan hệ tình dục lần đầu (phụ nữ còn trinh) qua khám nghiệm và đánh giá. Với phụ nữ đã kết hôn thì có nhiều thách thức hơn trong việc tìm kiếm và chứng minh rằng họ có những chứng cứ cần thiết.

Các phát hiện ở Thái Lan cho thấy thông thường nạn nhân là trẻ vị thành niên, và phải rất lâu sau mới kể với gia đình về vụ việc và việc báo cảnh sát tiếp tục bị gia đình trì hoãn do sự nhạy cảm của vấn đề và tâm lý dễ bị tổn thương của nạn nhân nhỏ tuổi.

Top