‘Bố Khánh Duy’ - Người cha của những đứa con lầm lạc

26/02/2018 14:47

“Bố Khánh Duy” là cách gọi thân thương mà những học viên của Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa dành cho bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm. Hàng chục năm gắn bó với nghiệp cứu người, dù đã bước qua tuổi 72, bác sĩ Khánh Duy chưa hề ngưng nghỉ và ông cũng chưa hề tự cho phép mình nghỉ.

Bác sĩ Khánh Duy tư vấn điều trị cho người nhà bệnh nhân-Ảnh: Nhật Thy

Từ chiến sỹ trên mặt trận tình báo đến cuộc chiến chống ma túy    

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy sinh ra và lớn lên tại miền Nam. Ông từng là Cụm phó Cụm điệp báo A10 (thuộc Ban An ninh Sài Gòn Gia Định) -Cụm Điệp báo với những chiến công lừng lẫy và nhiều điệp vụ hoàn hảo được lịch sử ghi nhận.

Tháng 5 năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được chuyển về khối Bảo vệ chính trị thuộc Ban An Ninh nội chính TPHCM. Từ năm 1976, bác sĩ Khánh Duy công tác tại trại giam Chí Hòa, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân nghiện ma túy. Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy tự học tập, tiếp cận và tìm hiểu về ma túy để điều trị cho tù nhân, can phạm.

Những năm 1980, ông chuyển về công tác tại Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng, phụ trách lĩnh vực y tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, giáo dục và bảo vệ cơ quan Dân - Chính - Đảng, do đó ông càng có điều kiện tiếp cận sâu hơn với các đối tượng nghiện ma túy. Những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ lại bị cướp mất tương lai chỉ vì ma túy khiến cho ông không khỏi xót xa. Từ năm 1995 đến năm 2000, ông làm Hội thẩm Tòa án Nhân dân TPHCM và tham gia xét xử nhiều vụ án liên quan đến ma túy. Từ đó ông thấy được rằng: Ma túy thực sự là một hiểm họa của toàn  xã hội, nó hủy hoại nhân cách, đạo đức của con người. Và ông đã đi đến quyết định: “Phải đấu tranh đến cùng để ngăn chặn hiểm họa này”.

Vì vậy, năm 1999, khi về hưu, dù tỉ lệ mất sức 61%, nhưng ông vẫn không ngơi nghỉ mà quyết tâm thực hiện những điều mình vẫn hằng ấp ủ, nung nấu suốt bao nhiêu năm qua. Đó là xây dựng một trung tâm cai nghiện ma túy để cứu sống những con người lầm lạc. Ông đã tập hợp bạn bè, đồng chí, đồng đội vốn là các cựu chiến binh - những người đã trở về sau cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù, thành lập trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa. Những người lính với tâm niệm cái gì khó phải làm trước đã tận dụng quãng đời còn lại của mình để hồi phục những mảnh đời, số phận của một bộ phận người trẻ tuổi trước cái chết trắng.

Tiên phong ứng dụng khoa học mới trong điều trị nghiện

Góp gió thành bão, mỗi người một ít đến nay trung tâm đã được đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Trung tâm tọa lạc trên một địa thế rộng rãi và thoáng mát rộng hàng ngàn m2 nằm ven sông Sài Gòn tại  địa  chỉ số 1051 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 28, Q. Bình Thạnh, TPHCM.

Khi vào trung tâm, không ít người ngỡ là mình lạc vào khu an dưỡng. Trung tâm Thanh Đa được các học viên đánh giá là “thiên đường cai nghiện” vì có không khí trong lành, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, sạch đẹp. Trung tâm không có nạn đầu gấu, đại bàng, không để thẩm lậu ma túy,  không có bạo loạn, bạo hành và trên tất cả là được sự quan tâm của tập thể cán bộ nhân viên đối với học viên. Trung tâm có những tiêu chí cụ thể: Sạch đẹp như bệnh viện - Chuẩn mực như trường học - Sôi nổi như đoàn thể - Thân ái như gia đình - Chặt chẽ như công an - Kỷ luật như quân đội.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy cho biết, những ngày tháng mới thành lập, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Các văn bản hướng dẫn và tài liệu thiếu. Ngoài các bài giảng về cắt cơn bằng phác đồ an thần kinh của Bộ Y tế và châm cứu, các y bác sĩ của Trung tâm không được học gì thêm. Ngày đó, quan niệm về cai nghiện ma túy khá giản đơn. Một số bệnh viện thành lập khoa cắt cơn. Sau cắt cơn, bệnh nhân về nhà và hầu hết đều tái nghiện.

Bác sĩ Khánh Duy cùng các học viên trong một buổi học vẽ tại Trung tâm Thanh Đa-Ảnh: Nhật Thy

“Ngoài vấn đề thực hiện phác đồ cắt cơn của Bộ Y tế, chúng tôi không biết một trung tâm cai nghiện tự nguyện có những quyền hạn gì? Công tác quản lý ra sao? Và sau gian đoạn cắt cơn phải làm gì? Chúng tôi biết rằng, cắt cơn không thể giải quyết được điều trị nghiện ma túy mà cần có thời gian giúp đỡ, chăm sóc dài và đồng thời chúng tôi cũng đánh giá nghiện ma túy là một bệnh nên chúng tôi đặt tên trung tâm là Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa”, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy chia sẻ về những ngày mới thành lập Trung tâm.

Việc thực hiện cắt cơn bằng phác đồ an thần kinh, lúc bấy giờ có rất nhiều phản ứng phụ. Bệnh nhân thường bị “sảng thuốc” “xuyên tường - bắt bướm” và dễ bị kích động, gây gổ đánh nhau. Có nhiều anh em chán nản không muốn tiếp tục làm công việc này nữa nhưng một số khác vẫn quyết tâm đeo bám và tìm kiếm những phương pháp điều trị có kết quả hơn.

Năm 2002, Trung tâm đã đưa phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine kết hợp với thuốc giải lo âu, an thần và giảm đau vào điều trị. Liều lượng thuốc Clonidine sử dụng giảm chỉ còn 1/3 so với liều điều trị cho phép đối với các loại thuốc giải lo âu, an thần, giảm đau, Trung tâm điều trị chỉ bằng 1/2 liều cho phép nên hết sức an toàn. Phác đồ này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng tại Việt Nam chưa có trung tâm nào điều trị bằng thuốc này.

Năm 2009, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Nghị-nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương-Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam vào thăm Trung tâm Thanh Đa và nhận thấy phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine có kết quả rất tốt. Hội chứng cai nhẹ, số hội chứng cai ít. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Nghị đã mời lãnh đạo Trung tâm ra Hà Nội báo cáo trước Hội đồng khoa học Bệnh viện Bạch Mai và Cục Khám chữa bệnh-Bộ Y tế. Bộ Y tế đồng ý cho Viện Sức khỏe tâm thần thực hiện đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu áp dụng Clonidine trong điều trị cắt cơn nghiện các chất dạng thuốc phiện”. Viện Sức khỏe tâm thần sau đó đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác cai nghiện toàn quốc. Qua 16 năm điều trị, Trung tâm Thanh Đa đã cắt cơn cho hơn 14.000 trường hợp, không có trường hợp nào xảy ra tai biến, hội chứng cai nhẹ.

Vào những năm 2004, Trung tâm bắt đầu nhận những học viên nghiện ma túy tổng hợp. Bác sĩ Duy cho biết, qua tài liệu của nhiều nước, Trung tâm đánh giá, ma túy loại này sẽ phát triển nhanh ở nước ta nên đã lập kế hoạch điều trị. Khi đó vẫn chưa có tài liệu trong nước về loại ma túy này, các y, bác sỹ Trung tâm phải trích dịch, nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu nước ngoài để áp dụng cho bệnh nhân.

“Ngày đó ít gặp trường hợp người nghiện ma túy tổng hợp bị bệnh tâm thần nhưng càng ngày chúng tôi gặp nhiều bệnh nặng hơn. Bệnh nhân bị kích động, hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác, tâm thần phân liệt…, có nhiều trường hợp chúng tôi bị đánh, bị đe dọa nhưng nhờ thế, chúng tôi rút ra được những  cách tự vệ, không còn lo ngại khi nhận những học viên nghiện ma túy tổng hợp. Từ năm 2004 đến nay, chúng tôi đã đã điều trị cho hơn 5.000 lượt học viên nghiện ma túy tổng hợp”, Giám đốc Trung tâm Thanh Đa nói.

Năm 2006, nhận thấy việc chống tái nghiện nhóm các chất dạng thuốc phiện bằng Naltrexone là phù hợp với điều kiện của học viên cai nghiện, Trung tâm Thanh Đa đã triển khai Khoa Chống tái nghiện. Hai bác sĩ và năm y sĩ đã được tập huấn tại Hà Nội và Vũng Tàu.

Bác sĩ Khánh Duy chia sẻ, nhận thấy dù sử dụng thuốc Methadone hoặc Naltrexone cũng chỉ là những thuốc hỗ trợ chống tái nghiện, vấn đề chính là phải gọt giũa, điều chỉnh, phục hồi được nhận thức-hành vi-nhân cách, cũng như trang bị bản lĩnh và kỹ năng sống cho học viên, chính vì vậy Trung tâm đưa công tác tư vấn, tâm lý, trị liệu, giáo dục trị liệu làm nòng cốt. Khoa Chống tái nghiện có gần 20 cử nhân xã hội học, tâm lý xã hội, trong đó có 2 tiến sĩ và 1 thạc sĩ.

Kết quả điều trị rất khích lệ, do khi uống thuốc Natrexone, học viên không còn thèm nhớ và tìm kiếm heroine. Số học viên thành công cao, nhất là số học viên uống thuốc hơn 1 năm, 50% các cháu điều trị ngoại trú đã có việc làm ổn định. Khoa Chống tái nghiện đã được nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến thăm và trao đổi kinh nghiệm điều trị. Một vấn đề khó khăn của chúng tôi là sau thời gian điều trị nội trú trên 2 tháng, học viên xuất viện cần tiếp tục điều trị ngoại trú bằng Naltrexone và được tiếp tục tư vấn, tâm lý trị liệu với thời gian tối thiểu 1 năm. Vì lý do trên, đối với những học viên ở xa thành phố Hồ Chí Minh không có điều kiện đến trung tâm Thanh Đa điều trị vì chi phí đi lại tốn kém nên bỏ dở chương trình.

Với những thành tích đã nêu trên, Trung tâm Thanh Đa đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ, ban ngành tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Trong thời gian qua, bác sĩ Khánh Duy liên tục 12 năm liền được tặng danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và nhiều khen thưởng khác.

Có thể thấy, gần 20 năm gắn bó với người nghiện, tóc đã bạc trắng như cước, vẫn không ngừng nghiên cứu, chăm chút để những đứa con bước ra khỏi mái nhà này sẽ không còn lạc lối trong cái chết trắng.Trên mặt trận không tiếng súng, khó khăn chồng chất, nhưng có hề gì với trái tim của người vừa là chiến sĩ vừa là bác sĩ ấy. Và những đứa con một thời lầm lạc của ông đã và đang vượt qua sự cám dỗ của ma túy để trở thành người có ích cho xã hội.

Top