Giải pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

18/02/2018 11:48

Hiện có hơn 130.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị thuốc ARV và phải sử dụng thuốc hàng ngày. Hiện nguồn viện trợ quốc tế cho thuốc kháng virus HIV đang giảm dần và hướng tới cắt hẳn trong tương lai. Về lâu dài thì nhu cầu, cũng như kinh phí bỏ ra mua thuốc điều trị là rất lớn, do đó ngành y tế đang nỗ lực để bảo đảm cho những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận được với thuốc điều trị.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có buổi phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Xin ông cho biết tình hình điều trị của các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hiện nay ra sao, trong khi nguồn viện trợ cho công tác này đang giảm nhanh?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Thời gian qua, việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn viện trợ này ngày càng giảm dần. Mặc dù vậy, việc điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục được tăng cường và mở rộng.

Điều trị HIV/AIDS hiện là giải pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Khi chúng ta điều trị tốt thì bệnh nhân giảm tử vong, đặc biệt là giảm số người lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Do đó, chúng tôi vẫn tiếp tục phải triển khai điều trị.

Theo mục tiêu chúng ta đã cam kết với Liên Hợp Quốc là điều trị cho 90% số người nhiễm HIV được phát hiện. Hiện chúng ta đang điều trị cho gần 60% người nhiễm HIV/AIDS, như vậy cho dù thời gian tới không còn nguồn viện trợ thì chúng ta vẫn phải tiếp tục mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV để bảo đảm bền vững kết quả phòng, chống HIV/AIDS. 

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28, quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia, sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Xin ông cho biết những điểm mới đáng chú nhất của Dự thảo?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Khi nguồn viện trợ bị cắt giảm thì chúng ta phải dùng nguồn quỹ bảo hiểm y tế để bảo đảm cho bệnh nhân HIV/AIDS. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 28 quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, để chuẩn bị đấu thầu thuốc ARV tập trung, sử dụng từ nguồn quỹ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Trong Thông tư số 28, có giao cho đơn vị mua sắm tập trung là Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm mua sắm thuốc Quốc gia. Trong những lần mua sắm đấu thầu thuốc gần đây thì chúng ta đã mua sắm thuốc với kết quả rất tốt. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo chuyển việc mua sắm thuốc cho Trung tâm mua sắm thuốc Quốc gia thực hiện. Trong Thông tư 28, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang dự thảo bổ sung, sửa đổi, nội dung quan trọng nhất đó là chuyển mua sắm thuốc ARV từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS về Trung tâm mua sắm thuốc Quốc gia để thực hiện.

Vậy Cục Phòng, chống HIV/AIDS có sự chuẩn bị như thế nào cho việc chuyển đổi này? Vai trò của Cục Phòng, chống HIV/AIDS là gì, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Quá trình cung ứng thuốc ARV gồm 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 chính là tính toán nhu cầu thuốc, đây là việc tương đối phức tạp, vì chúng ta phải tính toán, cân đối các nguồn thuốc khác nhau.

Bước thứ 2, chúng ta tiến hành đấu thầu và bước cuối cùng là quản lý, phân phối sử dụng và tiến hành thanh, quyết toán.

Hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang thực hiện bước tính toán nhu cầu theo số lượng bệnh nhân; căn cứ theo số người tham gia bảo hiểm; theo nguồn thuốc viện trợ mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang quản lý, để có thể tính ra được nhu cầu số lượng thuốc cần mua và nguồn bảo hiểm y tế là bao nhiêu.

Sau đó Trung tâm Mua sắm thuốc Quốc gia sẽ thực hiện bước 2. Và bước cuối cùng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ quản lý, phân phối sử dụng thuốc.

Được biết, một thông tin rất vui dành cho những người nhiễm HIV là thời gian gần đây, Việt Nam đã đấu thầu mua thuốc ARV thành công có giá rẻ hơn từ 15-17% so với thuốc cùng loại do các nhà tài trợ mua viện trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng thuốc được bảo đảm như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Tất cả các loại thuốc được tham gia đấu thầu và lưu hành ở Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định và chất lượng theo yêu cầu của Bộ Y tế nên chúng tôi không lo ngại gì về chất lượng thuốc. Những thuốc chúng tôi đã đấu thầu, chẳng hạn như thuốc ARV, chúng tôi đã đấu thầu được với giá tốt và hoàn toàn bảo đảm chất lượng.

Ngay cả những nhà sản xuất, cung cấp thuốc cho các tổ chức quốc tế để bán cho Việt Nam, để có thể bán được cho chúng ta, họ cũng phải tuân thủ theo những quy định, yêu cầu đã đặt ra, nên tôi bảo đảm chúng ta hoàn tàn không cần lo lắng về chất lượng thuốc.

Theo Dự thảo, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp như thế nào với cơ quan Bảo hiểm Xã hội để giúp người bệnh có thể tiếp cận được với thuốc dễ dàng hơn?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Việc tiếp cận với thuốc thông qua bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Thứ nhất, chúng tôi tăng cường truyền thông, vận động những người dân nhiễm HIV tham gia điều trị. Hiện nay, chúng ta mới điều trị được cho khoảng 60% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình. Mặc dù, bây giờ chúng ta đang điều trị hoàn toàn miễn phí cho người nhiễm HIV, nhưng rất nhiều người bệnh vẫn chưa tham gia điều trị. Có thể do người bệnh lo ngại về vấn đề phân biệt đối xử, kỳ thị, hoặc một số lý do khác. Tuy nhiên, ngành y tế hiện đang nỗ lực tuyên truyền để người nhiễm HIV/AIDS hiểu rõ lợi ích của việc tham gia điều trị ARV.

Việc thứ 2 chúng tôi đang làm là kiện toàn các phòng khám ngoại trú, điều trị HIV/AIDS. Trước đây các phòng khám ngoại trú đều do viện trợ quốc tế, nên vẫn chưa gắn vào các bệnh viện. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo, đôn đốc các địa phương lồng ghép các phòng khám này. Tổng số có hơn 400 phòng khám điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc. Đã có khoảng 70% hoàn thiện xong và đã ký hợp đồng với bảo hiểm y tế. Chúng tôi đang đôn đốc để số còn lại ký với các cơ quan bảo hiểm y tế để có thể thực hiện thanh toán bằng bảo hiểm y tế trong thời gian sớm nhất.

Việc thứ 3 là phải tiến hành mua sắm, đấu thầu thuốc. Như tôi đã nói ban đầu, chúng tôi đang cố gắng triển khai việc này. Theo kế hoạch, đầu năm 2019 là chúng ta có thể bắt đầu thanh toán thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế.

Một vấn đề nữa rất quan trọng, đó là những người nhiễm HIV/AIDS phải tham gia bảo hiểm y tế. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 2188, quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV. Trong đó, có giao cho các địa phương là phải bảo đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương, cũng như những người nhiễm HIV/AIDS phải sớm tham gia bảo hiểm y tế để có cơ chế tài chính lâu dài cho điều trị ARV.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top