73% cơ sở sẵn sàng thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT

31/12/2017 16:13

Tỷ lệ bệnh nhân điều trị thuốc kháng ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã tăng ngoạn mục từ 50% vào cuối năm 2016 lên 82% vào cuối năm 2017. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống HIV. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT thì ngành y tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Để cập nhật tiến độ triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS hiện nay, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có buổi trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Xin ông cho biết tiến độ triển khai BHYT cho người nhiễm HIV đến thời điểm này?

TS. Hoàng Đình Cảnh: BHYT được Chính phủ xác định là giải pháp bền vững cho việc bảo đảm điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV nói riêng. Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh thực hiện hàng loạt các hoạt động để triển khai việc thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Về chính sách, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV; Thủ tướng cũng có Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 quyết định thời điểm thanh toán thuốc ARV từ quỹ BHYT là từ năm 2019. Như vậy các Bộ, ngành và các tỉnh/thành phố phải tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện quyết định này.

Về kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để sẵn sàng chi trả cho điều trị HIV/AIDS qua BHYT thì theo báo cáo từ các địa phương, cả nước hiện có 403 cơ sở điều trị HIV/AIDS (không kể cơ sở cấp phát thuốc ARV). Cho đến hết quý III/2017 đã có 296 cơ sở điều trị HIV (chiếm 73%) được kiện toàn tức là đã ký được hợp đồng và sẵn sàng thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT. Như vậy vẫn còn 27% cơ sở chưa ký được hợp đồng với BHYT. 

Tiến độ mua sắm thuốc ARV, Thủ tướng có Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 quyết định thời điểm thanh toán thuốc ARV từ quỹ BHYT là từ năm 2019. Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn Thông tư số 28/TT-BYT ngày 28/6/2017 hướng dẫn mua sắm, thanh toán ARV.

Hiện nay Bộ Y tế phối hợp với các tỉnh để tổng hợp nhu cầu thuốc ARV từ Quỹ BHYT từ 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết cho việc đấu thầu, mua sắm thuốc ARV từ Quỹ BHYT và chuyển giao cho Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Như vậy kế hoạch quý IV/2018 phải có thuốc ARV chuyển về các cơ sở điều trị để có thể sẵn sàng chi trả cho bệnh nhân HIV có thẻ từ 1/1/2019.

Về mở rộng độ bao phủ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, hiện độ bao phủ BHYT trong bệnh nhân tham gia điều trị thuốc kháng HIV tăng lên từ 64% (tháng 2/2017) lên 76% (tháng 6/2017) và 82% (tháng 9/2017). Tương đương hoặc cao hơn một chút với tỷ lệ chung người dân có thẻ BHYT.

Đáng chú ý, có 6 tỉnh đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT (Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn) và có tới 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị trên 90%.

Ngành y tế đang gặp khó khăn gì để đạt được chỉ tiêu do Chính phủ giao là 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT? Xin ông cho biết giải pháp để tháo gỡ khó khăn này?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là vấn đề chính sách. Có thể nói chúng ta đã có Luật về BHYT, có Luật khám chữa bệnh và hàng loạt các văn bản hướng dẫn về khám chữa bệnh bằng BHYT nói chung. Tuy nhiên, nếu áp dụng với người nhiễm HIV là đối tượng đặc thù thì có thể sẽ có rất nhiều người không thể tiếp cận được với điều trị HIV/AIDS qua BHYT. Trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm gì về điều trị HIV/AIDS qua BHYT cho nên Chính phủ và các Bộ ngành cần nghiên cứu, xem xét, thảo luận rất nhiều trong khi xây dựng các chính sách mới, cũng như quyết định chính sách để không trái với các quy định luật pháp đã ban hành. Đồng thời, vẫn bảo đảm việc thanh toán điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT được khả thi.

Khó khăn thứ 2 là về kiện toàn các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT qua BHYT. Trong suốt thời gian dài chúng ta đã có sự hỗ trợ của nước ngoài mua và cấp thuốc ARV cũng như nhiều dịch vụ điều trị HIV/AIDS khác cho bệnh nhân, do vậy chúng ta thiết lập hệ thống cung cấp dịch vụ sao cho thuận lợi nhất với bệnh nhân. Tuy nhiên, bây giờ khi không còn viện trọ thì chúng ta cần phải kiện toàn lại hoạt động này.

Khó khăn thứ ba là làm sao 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT thì họ mới sử dụng được dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Hiện nay điều trị ARV được áp dụng ngay khi chẩn đoán nhiễm HIV. Vậy phải làm thế nào để người nhiễm HIV có thẻ BHYT? Ngoài các giải pháp đã nêu trên như vận động người nhiễm HIV có điều kiện tự tham gia mua thẻ BHYT, UBND các địa phương mua thẻ hỗ trợ, rồi dự án dành tiền mua hỗ trợ thì khó khăn cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên, còn một số ít người nhiễm HIV vẫn khó tiếp cận do họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào hoặc lo ngại bị tiết lộ danh tính nên vẫn chưa sẵn sàng tham gia BHYT. Việc này sẽ tiếp tục phải tìm các giải pháp tháo gỡ. Bộ Y tế hiện đang phối hợp với Vụ BHYT, BHXH Việt Nam giải quyết các khó khăn trên trong thông tư 32 và thông tư 15 sửa đổi.

Có thể nói, trước khi bắt tay vào thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV thì khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, có sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố các khó khăn cơ bản đã được tháo gỡ.

Xin ông cho biết kết quả thực hiện đề án bảo đảm tài chính tại các tỉnh, thành phố hiện nay?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 về phê duyệt Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020, các địa phương đã tích cực xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và bố trí kinh phí. Đến nay đã có 55 tỉnh thành phố đã phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS (chiếm 87%). Tuy nhiên, vẫn còn 8 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính bao gồm: Cao Bằng, Hòa Bình; Thái Nguyên; Hà Nội; Bắc Cạn, Bình Định; Bình Phước; Yên Bái.

Tổng kinh phí huy động từ nguồn ngân sách địa phương không ngừng tăng lên qua các năm. Nếu năm 2014 các tỉnh thành phố mới bố trí khoàng 140 tỷ đồng thì đến năm 2016 con số này đã lên tới 205 tỷ đồng (tăng gần 50%) và đến năm 2017 là 224 tỷ (tăng gần 60%).

Hầu hết các tỉnh, thành phố đã chủ động bố trí ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo như kế hoạch thực hiện đề án đảm bảo tài chính được phê duyệt. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố việc bố trí vốn địa phương chưa bảo đảm được theo đề án như  Nam Định, Quảng Bình...

Xin ông cho biết, Việt Nam đang phấn đấu đạt được mục tiêu đã cam kết với Liên Hợp Quốc là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình. Xin ông cho biết, hiện Việt Nam đang đạt đến mức độ nào?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Tính đến cuối tháng 9/2017, cả nước có 208.371 người nhiễm HIV hiện còn sống. Số liệu này so với ước tính người nhiễm HIV trong cộng đồng chiếm 75%. Như vậy, để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Hiện nay, toàn quốc có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 128 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở tất cả 100% số huyện trên toàn quốc. 

Để thuận tiện cho việc chẩn đoán nhiễm HIV, chúng ta đang tăng cường xây dựng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh trọng điểm bao gồm: TPHCM, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai. Đồng thời, với việc tiếp tục mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng tại 15 tỉnh, thành phố. Triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng.

Việc triển khai thí điểm xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa mô hình xét nghiệm HIV, người có nguy cơ lây nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV. Hoạt động này cũng huy động các tổ chức cộng đồng tham gia vào quá trình giám sát phát hiện thêm người nhiễm HIV, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV sớm.  

Xin ông cho biết điều trị HIV cho những người được chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS  ở Việt Nam đang đứng ở đâu so với thế giới, xét trên cả khía cạnh độ bao phủ cũng như áp dụng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến cuối năm 2016, toàn cầu hiện có 36,7 triệu người sống chung với HIV, trong đó 19,5 triệu người được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV), tương đương với 53,13% số người được điều trị ARV.

Tại Việt Nam đến hết tháng 8/2017, đã có 121.399 người đang điều trị ARV trên tổng số khoảng 209.000 người sống chung với HIV chiếm 58,1%. Như vậy, Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV cao hơn tỷ lệ chung toàn thế giới.

Song song với việc tăng nhanh độ bao phủ số người nhiễm HIV được điều trị, Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia áp dụng các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới như: Tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ART. Việt Nam đã áp dụng điều trị ngay ART không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào TCD4; áp dụng phác đồ B cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Tức là điều trị bằng ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngay sau khi phát hiện nhiễm, không phụ thuộc vào tuổi thai, số tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng; điều trị ART ngay cho cặp bạn tình dị nhiễm; Thực hiện đo tải lượng vi rút thường quy...

Như vậy, mặc dù Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình thấp nhưng Chính phủ đã rất quan tâm đến việc chăm sóc, điều trị HIV ở điều kiện tốt nhất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top