'Huyền thoại' của xóm ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng

26/09/2017 09:17

Người ta gọi ông Nguyễn Đăng Được là "huyền thoại" của xóm ngụ cư không chỉ bởi ông là người đầu tiên đặt thuyền mưu sinh ở bãi giữa sông Hồng mà còn bởi...

“Cây cổ thụ” của xóm ngụ cư

Đến xóm Phao, bãi giữa sông Hồng, hỏi nhà ông Nguyễn Đăng Được chúng tôi được một người dân dẫn vào đến tận ngõ. Sau khi nghe tiếng gọi của người hàng xóm: “Ông Được ơi, có khách”, một người đàn ông dáng người nhỏ thó, đen đúa, khắc khổ nhưng rắn rỏi, tinh anh ra đón chúng tôi.

Ông Được kể cho chúng tôi nghe cuộc đời lênh đênh của ông. Quê cha đất tổ tại Thừa Thiên Huế, sinh ra ở Thái Lan, những năm tháng tuổi thơ tại quê ngoại Quảng Bình, ông lưu lạc và sinh sống ở Hà Nội đã gần 40 năm.

Suốt 10 năm, ông làm đủ các thứ nghề từ bốc vác, nhặt rác, đánh giày để mưu sinh. Ban ngày ai thuê gì làm nấy, tối đến thì đâu cũng là nhà, lấy mái hiên che sương, lề đường làm nơi ngả lưng. Ngày ngày ông ra sông Hồng tắm rửa, giặt giũ, đợi bộ quần áo duy nhất khô rồi lại vào phố kiếm ăn.

Thấy bãi giữa sông Hồng có thể sống được, ông dựng một cái lều làm nơi trú mưa trú nắng. Khi ấy ở đây hoang vu bạt ngàn bãi sậy. “Rồi tôi gặp bà nhà tôi, thương nhau vì đồng cảnh ngộ, về ở với nhau, nương tựa nhau mà sống đến tận bây giờ”, ông Được kể.

Căn nhà đơn sơ của "huyền thoại" xóm ngụ cư

Ông Được thuê lại khu đất ở bãi giữa sông Hồng rồi để lại cho người dân ở đây với chi phí thấp. Ông Được bảo: “Mỗi gia đình 100 nghìn một năm. Tôi thu chút đỉnh để người ta an tâm sinh sống thôi. Chứ hoàn cảnh ai cũng khốn khổ, cho thuê đất giá cao chẳng khác nào làm khó họ”.

Là người đầu tiên đặt thuyền mưu sinh trên bãi sông này và được người dân quý mến nên ông Được được bầu làm “xóm trưởng”. Ông Được kể vanh vách từng hộ gia đình trong xóm Phao có mấy người, làm công việc gì.

Bà M, một người dân xóm Phao chia sẻ: “Mọi việc lớn nhỏ trong xóm đều thông qua ông Được. Một tay ông lo cho từng nhà từng người ở xóm Phao này. Hôm nay tôi đến nhờ ông Được xin việc giấy tờ làm bảo hiểm y tế, già rồi nhiều bệnh tật”.

Ông Được còn cặm cụi “nhặt” những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ trong phố đưa về nuôi rồi cho đi học nghề. Hiện tại, ông dựng hai gian nhà gỗ cưu mang hai cụ già bảy tám mươi tuổi lang thang nhặt rác.

Ông Được đề ra những nội quy để giữ gìn an ninh trật tự của xóm Phao. Mỗi tháng xóm họp một lần để tuyên dương những người chấp hành tốt và phê bình, kiểm điểm những người vi phạm và rút ra bài học kinh nghiệm.

Ông Được tâm sự: “Suốt bốn mươi năm nay, xóm Phao không hề có bất cứ tệ nạn xã hội nào, không có trộm cắp, cờ bạc, ma túy, không có cãi vã, gây gổ, đánh nhau... Tôi đã phải mất nhiều năm lặn lội gõ cửa nhiều cơ quan mới xin cho 27 hộ dân được tạm trú tại bãi giữa sông Hồng. Đành rằng là dân tứ xứ phiêu bạt nhưng những người dân rất ý thức vì đây là bước đường cùng rồi”.

Miệt mài “gieo chữ” trên bãi giữa sông Hồng

Xóm Phao gồm 27 hộ dân, cũng giống như ông Được, họ đều là người lang thang, cơ nhỡ, không nhà cửa. Họ có quê cũng chẳng thể về vì địa phương đã cắt khẩu. “Hầu hết những đứa trẻ ở đây đều là con ngoài giá thú, thiệt thòi vì không có giấy khai sinh nên không được đi học như bạn bè đồng trang lứa”, ông Được trầm tư.

Ông Được nhường lại căn nhà của mình để làm lớp học cho trẻ em xóm Phao

Lo lắng cho tương lai mịt mù của đám trẻ, ông Được cất công tìm hiểu từng hoàn cảnh một rồi lặn lội về địa phương xác minh lý lịch từng người. 27 hộ dân là 27 vùng quê khác nhau. Chẳng quản ngại xa xôi, tốn kém những bước chân ông miệt mài trên những con đường tìm lại gốc gác cho những người dân xóm Phao. Hiện nay 32 trẻ ở đây đều có giấy khai sinh và được đi học.

Chị L, một người dân xóm Phao tâm sự: “Ngày trước, tôi chảy nước mắt khi nghe con hỏi sao con không được đi học như các bạn. Nhưng phận mình trôi sông lạc chợ biết làm sao. May quá gặp được ông Được, ông về tận Sơn La xác minh lý lịch cho tôi, làm giấy khai sinh cho cháu. Năm nay nó lên lớp 2 rồi, học khá lắm”.

Không chỉ có thế, năm 2002, ông mở lớp học tình thương, ban đầu là xóa mù chữ cho trẻ em khu bãi giữa sông Hồng sau đó là dạy thêm cho chúng học tiếng Anh. Ông Được nhờ các bạn sinh viên đại học về dạy bọn trẻ. Một tuần hai buổi, căn nhà gỗ lụp xụp ven sông lại vang vọng tiếng ê a học bài.

Ông Được còn xây dựng một thư viện nhỏ để thỏa cơn khát sách của trẻ em nơi đây. Ông mua lại của những người buôn đồng nát hay đi xin sách khắp nơi. Ông Được trao đổi: “Tôi nhường lại căn nhà của mình để thành lớp học, sân chơi, thư viện cho bọn trẻ. Tôi chuyển xuống đây làm vườn nhưng chẳng mong lời lãi từ hoa màu mà chỉ muốn biến nơi đây thành một khu sinh thái nhỏ cho trẻ vui chơi”.

Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông đến với công việc đi tìm con chữ cho trẻ, ông nói: “Tôi suy từ con tôi ra thôi, chúng nó thiệt thòi không được đi học nên giờ nhìn đám trẻ trong xóm, tôi muốn chúng có tương lai tươi sáng hơn. Thêm vào đó, tôi ảnh hưởng nhiều từ bố, một người rất hiền lành, nhân hậu, hay giúp đỡ người khác. Ngay từ nhỏ, tôi đã được bố dạy dỗ sống phải luôn đặt cái tâm lên đầu”.

Những người dân nơi đây, đặc biệt là bọn trẻ coi ông Được như một huyền thoại, ông là cả một kho truyện kể mà chúng nghe mãi không chán. Chúng tôi vừa chia tay ông Được thì cơn mưa trút xuống, ướt lạnh mà thấy lòng vẫn ấm áp vì được nghe câu chuyện của “huyền thoại” xóm ngụ cư.
Top