Những cựu chiến binh hết mình giúp đỡ người sau cai nghiện

17/08/2017 11:20

Đi qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, các cựu chiến binh xã Gia Tường (huyện Nho Quan, Ninh Bình) lại dấn thân vào một cuộc chiến mới. Đó là cuộc chiến chống ma túy và giúp đỡ người sau cai nghiện.

Gia Tường là xã miền núi nằm ở phía Bắc của huyện Nho Quan, tiếp giáp các xã Gia Lâm, Gia Thủy, Đức Long, Phú Sơn (huyện Nho Quan); xã Gia Phú (huyện Gia Viễn), xã An Bình (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) với 90% người dân trong xã làm nông nghiệp. Đây cũng là vùng xả lũ của huyện Nho Quan nên đời sống của nhân dân trong vùng còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài sản xuất nông nghiệp người dân không có nghề phụ nên thường phải đi làm ăn xa tại các địa phương khác. Trong quá trình đi làm xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình, lại bị rủ rê, lôi kéo nên nhiều người đã nghiện ma túy rồi trở về địa phương.

Theo thống kê, toàn xã có 15 đối tượng hết hạn tù trở về, 21 người nghiện ma túy và 7 người nghi nghiện ma túy. Các đối tượng trên thường xuyên trộm cắp tài sản để có tiền dùng ma túy gây tâm lý bức xúc trong gia đình và xã hội. Các vụ bạo lực gia đình, ngược đãi ông bà, bố mẹ làm ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức truyền thống. Đứng trước sự phức tạp trên, Hội Cựu chiến binh xã đã phối hợp với Công an xã, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc xã phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm thông qua việc thành lập tổ tự quản gồm 25 thành viên là cựu chiến binh làm nòng cốt và các thành viên của các đoàn thể khác cùng tham gia.

Hội Cựu chiến binh đã tích cực, chủ động phối hợp với Công an xã và các ngành chức năng mở lớp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đối với các xã lân cận như Thạch Bình, Phú Sơn, Lạc Vân, Đức Long, Gia Lâm… không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức mở các lớp cai nghiện, Hội cựu chiến binh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã Gia Tường tổ chức mô hình liên kết cụm các xã có vị trí địa lý liền kề để tổ chức lớp cai nghiện. Từ năm 2013 đến nay đã tổ chức 4 lớp cai nghiện tại cộng đồng cho 40 lượt người nghiện và phối hợp tổ chức 2 lớp cai nghiện theo mô hình cụm xã cho 80 lượt người nghiện.

Sau khi người nghiện được cắt cơn và bàn giao về gia đình quản lý, các hội viên Hội cựu chiến binh chủ động phối hợp với thành viên Tổ công tác cai nghiện, công an xã liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn xã để giới thiệu người sau cai nghiện vào làm việc. Kết quả đã giới thiệu, tạo việc làm cho 7 người nghiện làm công nhân cho nhà máy gạch Gia Tường và doanh nghiệp Mỏ đá Đầm Ngang Gia tường với mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/người/tháng. Hội cựu chiến binh cũng đã phối hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ đứng ra bảo lãnh cho 9 người nghiện ma túy vay vốn để chăn nuôi sản xuất, mở xưởng làm hàng sắt, mở xưởng đúc cống với số tiền từ 20 – 50 triệu đồng/người. Điển hình có những người nghiện đã cai nghiện thành công, vươn lên làm chủ doanh nghiệp như anh Đinh Văn Đoàn (thôn Sơn Cao).

Bên cạnh đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, Hội cựu chiến binh còn tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức như tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, tuyên truyền trên hệ thống bảng tin các thôn, tuyên truyền qua lồng ghép các buổi sinh hoạt cộng đồng, trực tiếp tuyên truyền, tư vấn cho người nghiện, gia đình người nghiện… nhằm nâng cao nhận thức cho người nghiện và gia đình, cho cộng đồng dân cư.

Các hội viên của Hội cựu chiến binh đặc biệt chú trọng làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện. Sau khi người nghiện được tổ chức cai nghiện và bàn giao về gia đình, các hội viên Hội cựu chiến binh đã phối hợp với các tổ chức, đoàn hội khác chủ động thăm hỏi, tiếp cận, nắm bắt diễn biến tâm lý, tình cảm để kịp thời hỗ trợ người nghiện về mặt tinh thần, hạn chế tình trạng người nghiện có thái độ tiêu cực, buồn chán với gia đình, cộng đồng và ý muốn quay trở lại tiếp tục sử dụng ma túy.

Với kinh nghiệm và uy tín của mình, các hội viên đã trở thành những người bạn tin tưởng để người nghiện, gia đình người nghiện gửi gắm những tâm tư, tình cảm, băn khoăn, thắc mắc.

Nhờ uy tín và những hoạt động tích cực kể trên, đến nay, Hội Cựu chiến binh đã hỗ trợ được 16 người nghiện cai nghiện thành công, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Mô hình Tổ tự quản được nhân rộng từ 1 tổ lên thành 20 Tổ với 285 thành viên.

Qua thực tiễn hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện trên địa bàn xã cai nghiện thành công, theo các cựu chiến binh xã Gia Tường, tâm lý của người nghiện thường tự ti, xa lánh với các tổ chức công tác xã hội. Vì vậy, đòi hỏi ở người cán bộ làm công tác này phải nhiệt tình, tâm huyết để kiên trì tiếp cận người nghiện, đồng thời có kiến thức, kỹ năng sâu rộng đặc biệt là khả năng đồng cảm, am hiểu tâm lý, sẵn sàng có mặt lúc cần thiết, tạo được cảm giác tin tưởng để người nghiện, gia đình người nghiện chia sẻ những tâm tư, tình cảm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Top