Tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

10/05/2017 16:16

Bộ Y tế vừa yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đến người dân. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn tới, viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm, nguồn lực trong nước còn hạn chế, do đó các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn.Tuy nhiên, truyền thông là một trong những biện pháp chủ yếu trong phòng, chống HIV/AIDS, không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, từ đó đã góp phần kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Do đó, cần tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

​Cụ thể, cần tăng cường truyền thông vận động nhằm tạo được sự đồng thuận, ủn​g hộ và tham của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, phổ biến và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đa dạng hóa các hình thức và đổi mới phương thức thực hiện hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép các hoạt động truyền thông vào các cấu phần phòng, chống HIV/AIDS bao gồm dự phòng và điều trị HIV/AIDS, thay đổi hành vi nguy cơ cao ở nhóm người có hành vi nguy cơ cao; quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thúc đẩy mọi người chủ động phòng, chống HIV/AIDS.

Nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông cho đội ngũ những người làm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Sử dụng tất cả các lực lượng cộng tác viên các ban ngành, đơn vị tham gia truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong đó lấy lực lượng cán bộ y tế nói chung và y tế xã, phường, thôn bản làm nòng cốt trong triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là nguồn kinh phí địa phương, các đơn vị và doanh nghiệp cũng như lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe.

Ngoài việc góp phần thực hiện các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, giảm tác động của dịch HIV với phát triển kinh tế, xã hội cùng như các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực dự phòng và điều trị HIV/AIDS thì truyền thông phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn tới cần đạt được các mục tiêu: Tăng tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS lên 80% vào năm 2020; tăng tỷ lệ người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV lên 80% vào năm 2020; 100% Ủy ban nhân dân các cấp có ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch, bố trí ngân sách hàng năm về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Top