Nhiều điểm mới khi đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

11/11/2016 14:02

Ngày 10-11/11, tại TPHCM, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 136⁄2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221⁄201/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định cai nghiện tự nguyện.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, đến tháng 10/2016, cả nước có 53 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc đối với 14.437 người nghiện ma túy và 10 tỉnh, thành phố chưa áp dụng được biện pháp này đối với người nghiện ma túy. Tại 15 tỉnh, thành phố áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, số người nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất ít so với thực tế đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 136⁄2016 - Ảnh Kim Dung

Để giải quyết những khó khăn trong công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ông Lê Văn Khánh cho biết, Nghị định 136/2016/NĐ-CP có nhiều điểm mới. Cụ thể, về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo Nghị định 136, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc là: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.

Thành phần hồ sơ đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định gồm bản tóm tắt lý lịch; bản tường trình của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai  nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ; biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ; bản sao giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn bản sao Quyết định chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định gồm bản tóm tắt lý lịch; bản tường trình của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai  nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ; biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ; phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tài liệu xác định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sỹ, y sĩ được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ tập huấn về chẩn đoán, điều trị cắt cơn nghiện ma túy đang làm việc tại cơ sở y tế quân y, cơ sở y tế dân y, cơ sở khám chữa bệnh ngành Công an, phòng y tế cơ sở cai nghiện bắt buộc, phòng y tế cơ sở xã hội. trạm Y tế cấp xã, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên và bệnh viện thuộc các Bộ ngành khác.

Tại Hội nghị, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, không lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người tham gia điều trị chất dạng thuốc phiện trừ khi bị chấm dứt điều trị trong các trường hợp: Không tuân thủ quy trình chuyên môn 2 lần trở lên trong 6 tháng; có xét nghiệm dương tính với chất dạng thuốc phiện liên tiếp 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng sau khi đã đạt liều duy trì; xét nghiệm dương tính với chất ma túy khác; có hành vi xâm hại tài sản, sức khỏe; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Chấm dứt áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn đối với người nghiện ma túy chấp hành ít nhất ½ thời gian giáo dục tại xã phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…  

 

Top