Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống mại dâm

20/09/2016 17:14

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có khoảng 280 cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn chứa mại dâm, trong đó có 15 khách sạn, 91 nhà nghỉ, 85 nhà trọ, 24 quán cà phê, 19 cơ sở karaoke, 2 vũ trường, 14 cơ sở xông hơi massage, 30 dịch vụ khác; có 71 đối tượng nghi chủ chứa, môi giới và dẫn dắt mại dâm, 106 nhân viên nghi hoạt động bán dâm, 320 nhân viên nữ trong nhà hàng, cơ sở kinh doanh có điều kiện dẫn đến bán dâm.

Các đối tượng hoạt động kín đáo tại các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, mát xa gây khó khăn cho lực lượng chức năng - Ảnh minh họa

Các đối tượng thường hoạt động một cách kín đáo tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, mát xa, tẩm quất, karaoke, cắt tóc... và thường xuyên thay đổi địa điểm “hành nghề” gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh. Vì vậy, công tác tuyên truyền về phòng, chống mại dâm đang được quan tâm đẩy mạnh.

Để đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm, thời gian qua, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm.

Trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra, ra quân truy quét, triệt phá các ổ nhóm mại dâm; chữa bệnh cho đối tượng mại dâm và xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội. Đặc biệt, từ đầu năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng các mô hình phòng, chống mại dâm như phụ nữ với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp với thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV/AIDS tại một số địa phương đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, thành lập và tổ chức các hoạt động nhóm đồng đẳng, tuyên truyền viên người lao động có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao tại các cơ sở kinh doanh. Cấp phát tờ rơi cho các huyện, thành phố và Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh với các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm; xây dựng các pano tuyên truyền, cấp phát cẩm nang hỗ trợ công tác phòng, chống mại dâm tại cộng đồng...

Cùng với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều đợt truy quét, triệt phá ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm có tổ chức, qua đó phát hiện, bắt 19 vụ, 42 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm. Khởi tố 19 vụ, 30 bị can về hành vi chứa chấp, môi giới dẫn dắt mại dâm, xử lý hành chính 12 vụ, phạt tiền 24,8 triệu đồng...

Tuy nhiên, do quy định mức xử phạt đối với người bán dâm quá thấp (trung bình 200.000 đồng) nên chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, chưa quy định cụ thể trách nhiệm về công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng; kinh phí cho công tác phòng, chống mại dâm còn hạn chế nên việc quản lý, ngăn ngừa tình trạng người bán dâm tái phạm gặp khá nhiều khó khăn.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ, lực lượng chức năng cần đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng; trong đó chú ý đến những đối tượng có nguy cơ cao như: thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nội dung tuyên truyền nên tập trung vào các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm.

Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại, hệ lụy xấu của mại dâm trong đời sống xã hội; đồng thời giúp người dân chủ động nâng cao ý thức phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy và mại dâm.

Top