Nhiều khó khăn trong điều trị cai nghiện tại điểm “nóng” về ma túy

08/12/2015 14:54

Là tỉnh có số người nghiện khá cao, tính đến ngày 15/7/2015, Công an tỉnh Sơn La đã cập nhập 7.974 trường hợp người nghiện ma túy đang trong diện quản lý. Tuy nhiên, hiện chỉ có 994 trường hợp được tiếp cận với điều trị cai nghiện bằng Methadone.

Địa bàn “nóng” về ma túy

Do có 250 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, trải dài qua 17 xã, thuộc 6 huyện của tỉnh, ngoài 2 cửa khẩu quốc gia còn rất nhiều đường tiểu ngạch đi lại giữa 2 nước nên Sơn La đã trở thành địa điểm thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển ma túy.

Bệnh nhân điều trị Methadone tại cơ sở điều trị ở Thuận Châu, Sơn La - Ảnh: Thùy Chi

Bên cạnh đó, Sơn La là tỉnh có trình độ dân trí không đều, kinh tế phát triển chậm, địa hình phức tạp với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm đến trên 54%, còn lại là các dân tộc khác, vì vậy sự hiểu biết về những tác hại do ma túy gây ra còn hạn chế. Đa số người nghiện ma túy hầu hết nằm trong nhóm đối tượng là người lao động, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Anh Lò Văn T, sinh năm 1980 ở Thuận Châu, Sơn La cho biết, do bạn bè rủ rê lôi kéo, anh đã tìm tới thuốc phiện từ năm 2000. Khi vướng vào ma túy, anh đã bị trượt dài trong những cơn ảo giác do ma túy gây ra. Mất việc làm, trong khi đó có những ngày anh phải bỏ ra đến hàng triệu đồng để mua. Gia đình anh “tan nát” cũng vì ma túy, sức khỏe thì ngày càng giảm sút.

Giống như trường hợp của anh Lò Văn T, anh Nguyễn Văn Y, Mộc Châu, Sơn La cũng đã mất rất nhiều tiền cho những cơn nghiền ma túy của mình. 20 năm nghiện ngập là quãng thời gian địa ngục đối với anh, tiền bạc trong nhà lần lượt ra đi. Rất nhiều lần anh Nguyễn Văn Y đã quyết tâm cai nghiện nhưng đều thất bại, sự quyết tâm đối với bản thân là chưa đủ.

“Tôi đã trải qua những tháng ngày đen tối. Đau lòng hơn là khi tôi đang ‘phê’ với thuốc thì đứa con đầu đã tử vong vì căn bệnh quái ác ung thư. Gia đình tôi khi đó bất lực vì không có tiền chạy chữa cho con”, anh Y buồn rầu kể.

Cú sốc tinh thần lớn nhất trong đời đã khiến anh bừng tỉnh. Vượt qua chính bản thân mình, đến lần thứ 7 anh Y đã quyết tâm điều trị cai nghiện bằng Methedone. Sau 1 năm điều trị, hiện anh Y cảm thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tình trạng gia đình anh nhờ đó cũng được cải thiện.

Cũng nhờ điều trị cai nghiện bằng Methadone, anh Lò Văn T giờ đã có được công việc ổn định, niềm vui của anh bây giờ là làm công tác đồng đẳng viên, tuyên truyền, phổ biến tác hại về ma túy, giúp những người đã từng vướng vào ma túy như anh cai nghiện, làm lại cuộc đời.

Gần 7.000 trường hợp cần được điều trị Methadone

Nhìn gương mặt ánh lên niềm vui, hy vọng vào tương lai phía trước của anh Lò Văn T và anh anh Nguyễn Văn Y, chắc hẳn gia đình của hai anh và những người đối diện đều cảm thấy an tâm phần nào, song cũng không khỏi lo lắng vì hiện kinh phí cho chương trình điều trị Methadone đang gặp nhiều khó khăn.

BS. Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho biết, tính đến ngày 30/9, tổng số cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn là 12. Số bệnh nhân đang được điều trị Methadone là 994. Như vậy, còn đến 7.000 trường hợp nghiện ma túy cần điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Cán bộ làm việc hợp đồng đang khám cho bệnh nhân tại cơ sở điều trị Methadone ở Thuận Châu, Sơn La - Ảnh: Thùy Chi

Tuy nhiên, công tác điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Do thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho công tác điều trị Methadone, trong khi đó hiện nay nhân lực đều là lao động hợp đồng, không có biên chế với thu nhập thấp, chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. “Công tác này gặp khó khăn hơn nữa, vì từ ngày 1/1/2016, số lao động hợp đồng này sẽ không được hưởng trợ cấp do khó khăn về kinh phí, vì vậy việc điều trị cai nghiện bằng Methadone phải do cán bộ của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thực hiện”, BS. Hưởng nói.

Hiện nay cán bộ của Trung tâm chỉ có khoảng 30 người, trong đó 3 người đã được cử đi học, số còn lại lo các công tác chuyên môn, khám, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân HIV. Các cán bộ phải làm việc cả vào những ngày nghỉ cuối tuần để đảm bảo tiến độ công việc, vì vậy nếu bố trí nhân lực phục vụ cho 12 cơ sở điều trị Methadone, trung tâm sẽ không thể duy trì được hoạt động thường xuyên.

Bên cạnh nguồn nhân lực thiếu thì công tác tuyên truyền còn hạn chế, do tỉnh Sơn La có địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ, trình độ dân trí không đồng đều nên còn một bộ phận người dân trong cộng đồng, người nghiện ma túy chưa hiểu đúng và đầy đủ về chương trình; nhiều bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện do lo sợ bị kỳ thị nên chưa dám đăng ký điều trị bằng Methadone.

Trong khi đó, một số trường hợp muốn được điều trị nhưng do các cơ sở điều trị Methadone chưa vươn tới tận các thôn bản, chủ yếu tập trung ở xã, thị trấn nên người bệnh muốn điều trị phải lặn lội một quãng đường dài mới đến được cơ sở điều trị. Mặc dù, trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn về địa hình trung tâm đã nỗ lực mở rộng chương trình điều trị Methadone tại 10 cơ sở điều trị tuyến huyện Thuận Châu, Mường La, Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên, giúp cho những bệnh nhân ở khu vực xa có thể tiếp cận điều trị. Tuy nhiên, vẫn cần phải mở thêm một số cơ sở điều trị tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa để tránh tình trạng người đang điều trị Methadone bỏ ngang chương trình, dẫn đến tái sử dụng ma túy.

Ngoài ra, một số ít bệnh nhân tuân thủ điều trị chưa tốt nên vẫn còn tình trạng dương tính với ma túy sau khi điều trị ổn định liều. Cá biệt, có bệnh nhân lợi dụng việc điều trị để thực hiện hành động trái pháp luật như buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép chất gây nghiện, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và tạo dư luận không tốt về chương trình điều trị Methadone.

Một khó khăn nữa đó là tạo công ăn việc làm cho người nghiện, việc này cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở để hỗ trợ dạy nghề, tạo động lực cho người nghiện tìm tới các cơ sở điều trị Methadone cai nghiện, giúp duy trì sức khỏe, lấy lại khả năng lao động sản xuất và tái hòa nhập cộng đồng.

Để giúp người nghiện được tiếp tục điều trị bằng Methadone và người chưa được điều trị có thể tiếp cận thuốc điều trị, BS. Đàm Văn Hưởng cho rằng, trong thời gian tới các khó khăn cần được khắc phục. Hiện Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La đang khảo sát, hướng dẫn các huyện trên địa bàn tiếp tục triển khai kế hoạch điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2017 để phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong công tác điều trị Methadone.
Top