Câu chuyện hồi hương của người phụ nữ 10 năm bán dâm

16/09/2015 15:00

L.T.H, quê ở Nghệ An, đã có “thâm niên” gần 10 năm bán dâm ở Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ của Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội” do Chi cục Phòng, chống tệ nạn Hà Nội và tổ chức Plan thực hiện (Dự án), H. đã trở vể quê mở cửa hàng kinh doanh nhỏ và cuộc sống đang dần ổn định.

H kể, em có tuổi thơ buồn. Ngay từ nhỏ, em đã bị bố thường xuyên bạo hành, nhiều đòn roi đến nỗi đã trở thành ám ảnh. 14 tuổi, sau khi bị bố đánh một trận đau, H đã quyết định bỏ nhà ra đi. Một thân một mình vào TPHCM, H được một người phụ nữ tốt bụng nhận làm con nuôi vì thương tính em hiền lành và ngoan ngoãn. Nhưng một thời gian ngắn sau, em bị chính người phụ nữ đó bán vào ổ chứa mại dâm và em buộc phải tiếp khách.

Tiệm làm tóc đơn sơ nhưng giúp H có tiền trang trải cuộc sống của mình. Ảnh Nhật Thy

H cho biết, “Lần đầu tiên bị người khác làm nhục em đau đớn tới mức chỉ muốn tự tử”, nhưng rồi cảm giác muốn sống đã khiến em phải cắn răng vượt qua tất cả mọi khó khăn. 16 tuổi, thân hình của em vẫn không phát triển được (cao 1m45 nặng khoảng 38kg), em bị ép đi khách bất kể ngày hay đêm, “nhận” rất nhiều những trận bạo hành từ khách và từ chủ. Em nghĩ “hình như cuộc đời em sinh ra là để bị đánh”. Cuối cùng, chồng của người phụ nữ là chủ chứa vì thương em nên nhân dịp vợ đi vắng, đã giúp em trốn. H ra khỏi nhà chủ với đôi bông tai vàng mà người đàn ông kia cho, em ra Hà Nội, không bạn bè, không người thân và lại tiếp tục con đường bán dâm.

May mắn cho H khi em gặp nhóm cán bộ dự án trong một lần làm truyền thông về các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho chị em hoạt động bán dâm tại hồ Thiền Quang. Khi giới thiệu về chương trình hỗ trợ học nghề của dự án, H như tìm thấy được ánh sáng của cuộc đời mình, em rất muốn được học một nghề gì đó để có công việc ổn định thay đổi cuộc sống. Sau buổi truyền thông, H đã đăng ký và được dự án hỗ trợ học nghề tóc miễn phí.

Theo một cán bộ dự án, trong suốt 3 tháng học nghề, H rất cố gắng dù sức khỏe không được tốt, nhiều lúc giáo viên cũng lo lắng, sợ H không theo học được, khả năng tiếp thu bài của em chậm hơn so với các bạn.

Sau tốt nghiệp, H mong muốn mở cửa hàng nhưng em tự nhận thấy tay nghề còn yếu cộng với chưa có vốn nên H đã xin đi làm thợ phụ ở một vài cửa hàng. Với mức lương thử việc hơn 2 triệu/tháng không đủ để chi phí trên thành phố, chưa kể đến việc em phải gửi tiền về quê để nuôi con (H có con sau một lần bán dâm cho khách, hiện con H đang ở Nghệ An với gia đình em) nên ngoài việc làm tóc, thỉnh thoảng, em vẫn phải đi khách.

H từng chia sẻ mong muốn của em là được về quê mở cửa hàng làm tóc và sống cùng con. Em không muốn ở lại Hà Nội vì nếu ở lại em sẽ không bao giờ từ bỏ được con đường cũ… Các cán bộ dự án hiểu nguyện vọng và cố gắng giúp H. Sau một tuần hướng dẫn H xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhóm cán bộ dự án đã đề xuất và mô hình cửa hàng tóc của H được phê duyệt với tổng tiền hỗ trợ là 10 triệu đồng. Vượt qua hơn 300 km từ Hà Nội đến Nghệ An, nhóm cán bộ dự án đã mua sắm các trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ H kinh doanh.

Đến nay, cửa hàng kinh doanh nhỏ của H đã hoạt động được 8 tháng. H cho biết, lúc đầu, cửa hàng không có nhiều khách nhưng đến nay em đã có khách quen và thu nhập khoảng 3 triệu/tháng sau khi trừ hết các chi phí cũng đủ để 2 mẹ con em sống.

Nói về việc quay trở lại Hà Nội, H. chia sẻ, “Với em, cuộc sống bây giờ mới là bắt đầu và em không muốn quay lại đó nữa”.

Có thể con đường phía trước của H còn rất nhiều khó khăn H đang nỗ lực không ngừng để có một cuộc sống tốt hơn cho chính em và con trai của mình.

Với tính linh hoạt, Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội” không chỉ hỗ trợ người bán dâm lập nghiệp tại Hà Nội mà với những người bán dâm ở các tỉnh, thành phố khác đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội nếu có mong muốn trở về quê để lập nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ. Tính đến tháng 7/2015, dự án đã hỗ trợ được 28 mô hình của 31 chị em với tổng tiền hỗ trợ là 392.594.000đ trong đó, hỗ trợ không hoàn lại là 212.444.000đ, cho vay không lãi xuất là 180.150.000đ.

 

Top