Từ những vụ người “hiền lành” gây án: Cần phải rèn luyện cảm xúc cho giới trẻ

16/07/2015 10:29

Vụ thảm sát ở Bình Phước mới đây hay vụ án Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa trước đó gây chấn động dư luận khi những người vốn được coi là hiền lành lại gây ra những tội ác man rợ.

Xã hội có thể thấy “khó hiểu” về “hiện tượng này”, tuy nhiên theo Tiến sỹ tâm lý Chu Văn Đức, Giảng viên Bộ môn Tâm lý học tội phạm, Đại học Luật Hà Nội,  điều này là bình thường dưới góc độ tâm lý học.

Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, Vũ Văn Tiến, Nguyễn Hải Dương (sắp xếp từ trái sang) vốn được coi là những người hiền lành nhưng lại gây ra những tội ác man rợ

“Chúng ta thấy họ hiền lành nhưng thực chất là họ có hiền lành không? Hiền lành ở đây là họ chưa làm điều gì ác thì người ta cho là hiền lành. Khoa học tâm lý học tội phạm đã chứng minh, con người bao giờ cũng có cái thiện và các ác, chúng ta không hoàn thiện, chúng ta có mặt tốt mặt xấu. Đặc biệt trong tâm lý học tội phạm có lý thuyết cho rằng, con người luôn có khuynh hướng gây hấn, có hành vi bạo lực như là mắng chửi, đánh đập, gây thương tích, lớn hơn nữa là tội phạm thậm chí là chiến tranh”, TS Chu Xuân Đức nói.

Theo TS Đức, khuynh hướng gây hấn này là bản năng tự nhiên, nó bộc lộ ra trong các tình huống, phụ thuộc vào bản chất con người đó và hoàn cảnh xảy ra tình huống.

Thậm chí trong tâm lý học lại có học thuyết chứng minh những người hiền lành có nguy cơ ứng xử không “tốt” trong nhiều tình huống.

“Người xưa có câu “hiền là cục”. Chúng ta có bức xúc, chúng ta cần phải giải toả nhưng người được coi là hiền thường chấp nhận, chịu đựng nhưng những kìm nén này nó không qua đi mà nó dồn nén cho đến lúc bộc phát ra thì sẽ trở thành những hành vi không kiểm soát được”, TS Đức cho biết.

Về tình trạng gia tăng tỷ lệ người trẻ phạm tội, TS Chu Văn Đức lý giải, giới trẻ có tính tích cực rất cao nhưng nhận thức lại chưa thật chín chắn nhất là lứa tuổi vị thành niên cho đến 21, 22 tuổi. Trên thế giới, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giai đoạn mà con người thể hiện hành vi bạo lực mà cao nhất là tuổi từ 25 đến 35. Đây là giai đoạn mà cường độ phạm tội cao nhất. Trên thế giới thì như thế và Việt Nam cũng không loại trừ quy luật này.

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội; tác động tiêu cực từ mạng xã hội, phim ảnh, báo chí; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

“Trong xã hội hiện nay, nhiều chuẩn mực, giá trị chung bị xem nhẹ và đề cao tính cá nhân hẹp hòi. Vì cá nhân mà người ta quên cả chuẩn mực chung, lợi ích chung của xã hội. Trước khi làm việc gì thì người ta thường nghĩ đến yếu tố lợi ích “tôi làm cái này mặc dù tôi phạm luật nhưng cái lợi được nhiều hơn mất thì tôi vẫn làm””, TS Đức nói.

Trên thế giới cũng đã có nghiên cứu về tác động của phim ảnh bạo lực đối với người xem. Những người được khảo sát chia làm hai nhóm, một nhóm thường xuyên xem những phim có nội dung bình thường, một nhóm xem phim nội dung bạo lực. Kết quả, nhóm thường xuyên xem phim bạo lực xong thường có khuynh hướng bạo lực hiện rõ trong các quyết định, các ứng xử. Tuy nhiên, cũng không nên đổ lỗi cho Internet và phim ảnh bởi vì Internet là toàn cầu. Điều quan trọng là phải định hướng cho giới trẻ thế nào. Và muốn định hướng được thì chính cha mẹ, thầy cô và xã hội phải làm gương cho các em.

“Bố mẹ, thầy cô chẳng bao giờ dạy con cái, học sinh cái xấu nhưng các em không chỉ học những điều mà bố mẹ thầy cô muốn mà các em học qua quan sát học qua bắt chước. Bố mẹ, thầy cô nói vậy nhưng có làm như vậy không? Bố mẹ bảo với con là không nên uống rượu nhưng bố mẹ lại uống rượu trước mặt con, dạy con phải sống văn hoá nhưng bố mẹ lại nói tục … Trong xã hội, trẻ em bắt chước người lớn, dân nông thôn bắt chước dân thị thành, tầng lớp dưới bắt chước tầng lớp trên. Chính vì vậy, giáo dục nói và làm phải đi đôi với nhau. Hiện nay, xã hội chúng ta vẫn còn rất ít những tấm gương điển hình để giới trẻ học tập theo. Chúng ta đang phát động học tập theo tấm gương Hồ Chí Minh, điều này là rất thiết thực. Tuy nhiên, phải tuyên truyền sâu rộng và cần có nhiều tấm gương, hình tượng hơn nữa”, TS Chu Văn Đức nói.

Theo TS Đức, để ngăn chặn và kiềm chế tỷ lệ gia tăng tội phạm nói chung và tội phạm trẻ nói riêng cần sử dụng nhiều biện pháp, vừa tuyên truyền vừa thuyết phục vừa làm gương vừa răn đe.

Quan trọng nhất là cần phải giáo dục cho giới trẻ kỹ năng kiểm soát, ứng xử với cảm xúc của mình. Hiện nay các bậc phụ huynh chỉ lo cho con học thật giỏi về văn hoá mà dường như đã quên mất việc rèn kỹ năng sống cho con. Vì thế, giới trẻ đang thiếu kỹ năng để ứng xử với cảm xúc của mình.

Lẽ thường, cảm xúc rất khó kiểm soát, nó là vô thức nên diễn ra rất nhanh. Chúng ta vẫn thường hay hối hận về các hành động khi không kiềm chế được cảm xúc, nhất là cảm xúc tức giận. Khi đó, chúng ta hành động rất nhanh, rất mạnh, rất quyết liệt. Chính vì vậy giới trẻ phải rèn luyện, tập luyện về cảm xúc, biết lường trước được các tình huống tiêu cực, để kiểm soát hành động và ứng xử. Đây là một quá trình khó khăn, phải được giáo dục rất tốt.

Top