Hà Nội: Nâng cao hiệu quả các Đội công tác xã hội

07/07/2015 17:01

Theo báo cáo UBND TP Hà Nội, hiện TP có 584 Đội công tác xã hội tình nguyện được thành lập tại các xã, phường, thị trấn với trên 5 nghìn tình nguyện viên tham gia các hoạt động. 6 tháng đầu năm 2015, các Đội công tác xã hội đã tiếp cận tư vấn trực tiếp cho hơn 35 nghìn lượt đối tượng, gia đình và thân nhân đối tượng được phân công quản lý, giúp đỡ.

CLB B93 - điểm tựa cho những người sau cai - Ảnh internet

Cùng với đó, các Tình nguyện viên đã vận động được 345 người đi cai nghiện tự nguyện tại các Trung tâm Thành phố; phân công quản lý, giúp đỡ 616 đối tượng về quản lý sau cai tại nơi cư trú; nắm bắt thông tin trực tiếp, qua phản ánh của quần chúng nhân dân, hòm thư tố giác tội phạm thu được 2002 tin cung cấp cho chính quyền, công an nhiều tin có giá trị đã được xử lý làm giảm tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn; phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tuần tra địa bàn công cộng, khu vực giáp ranh phức tạp gần 4,5 nghìn lượt, buổi phòng ngừa phát sinh tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma tuý, mại dâm; tham gia viết 680 tin, bài cung cấp cho ban văn hoá thông tin xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh.

Góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng

Từ năm 2003, từ khi có Thông tư số 27/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBTƯMTTQVN đến nay, TP đã thường xuyên chỉ đạo các UBND các quận, huyện và sở, ngành liên quan kiện toàn mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện tại mỗi một đơn vị hành chính cấp xã. So với cả nước, mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện của Hà Nội đã được Bộ LĐTB&XH tổng kết và đánh giá cao.

Cụ thể, Đội công tác xã hội tình nguyện đã đi vào hoạt động có nề nếp, đa số tình nguyện viên đều nhiệt tình, có uy tín với cộng đồng dân cư nên thuận lợi trong việc tiếp cận, quản lý, giúp đỡ người nghiện. Nhìn chung, có sự tham gia của Tình nguyện viên nên công tác phối hợp giữa các hội, ngành, đoàn thể ở cơ sở ngày càng tốt hơn. Số người nghiện mới phát sinh, số điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn đều có xu hướng giảm.

Mặc dù mô hình này đã cơ bản ổn định về cơ cấu, tổ chức Đội, tuy nhiên quá trình hoạt động thì vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Nguyên nhân do chính quyền địa phương nhiều nơi còn chưa quan tâm, nên chưa bố trí được nguồn kinh phí để duy trì hoạt động và chế độ phụ cấp cho Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã. Mức hỗ trợ cho Đội còn thấp, cụ thể: Mức hỗ trợ cho đội trưởng 150.000 đồng/ tháng; Đội phó 100.000 đồng/tháng; Đội viên 80.000 đồng/tháng. Kinh phí hoạt động của Đội mức 3.600.000 đồng/năm.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác và đội tình nguyện ở xã, phường, thị trấn, UBND TP đề nghị HĐND TP vào kỳ hợp tới quan tâm xem xét vấn đề cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp, đảm bảo chế độ cho Đội công tác xã hội tình nguyện tại 584 xã, phường, thị trấn; trợ cấp cho cán sự chuyên trách công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cấp huyện, xã và kinh phí hỗ trợ hoạt động của Câu lạc bộ B93 trên địa bàn TP.
Top