Lấy vôi răng bị chảy máu có nhiễm HIV?

09/03/2015 17:00

Cháu có lấy cao răng cách đây 1 tuần bị chảy máu nhưng ít, thấy mọi người bảo lấy cao răng mà bị chảy máu dễ lây nhiễm HIV. Cháu đọc trên mạng những triệu chứng ban đầu của HIV giống với biểu hiện của cháu bây giờ. Cháu thấy đau các cơ và khớp nên cháu đang rất lo lắng? CV. Hà Nội

Trả lời:

Ảnh minh họa

Để trả lời ngay cho bạn đỡ hoang mang, tôi xin khẳng định là bạn hoàn toàn khỏe mạnh bình thường.

Khi trong miệng bạn có vôi răng, vôi răng sẽ là nguyên nhân chính gây ra viêm nướu. Biểu hiện dễ thấy nhất của viêm nướu là nướu dễ chảy máu mỗi khi đụng vào, nhẹ thì chảy máu khi cạo vôi, nặng thì chỉ cần đánh răng cũng chảy máu. Như vậy hiện tượng chảy máu là hiện tượng rất thường thấy ở mọi người, không chỉ riêng bạn và đương nhiên không phải ai đi cạo vôi về cũng bị lây nhiễm HIV.

Thứ hai, khi bạn bị lây nhiễm HIV, virus sẽ bắt đầu đi vào cơ thể của bạn, sinh sôi nảy nở rồi bắt đầu làm hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu - đó là mục đích chính của loại virus này. Sau đó các vi khuẩn, virus khác sẽ tấn công vào gây ra các bệnh khác. Người bệnh thường tử vong là do các bệnh khác.

Nếu bạn đã đọc thông tin trên mạng rồi thì có thể bạn đã biết người nhiễm HIV sẽ trải qua thời kỳ cửa sổ - nghĩa là thời kỳ không thể phát hiện được bất kỳ triệu chứng, hay dấu hiệu nào dù cho có xét nghiệm máu.

Sau khoảng 3 tháng, bệnh nhân mới bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng hoặc xét nghiệm máu mới bắt đầu thấy có kết quả. Lưu ý, với bạn là trong thời kỳ cửa sổ, người nhiễm HIV đã có khả năng lây bệnh cho người khác.

Vì vậy, bạn chỉ mới đi cạo vôi có 1 tuần lễ thì không thể có triệu chứng ngay được. Có thể là do bạn quá ám ảnh, lo lắng nên mới đau nhức cơ thể như thế hoặc do một bệnh khác mà ra.

Thứ ba, đúng là virus HIV có thể lây qua đường máu, lo ngại của mọi người là có cơ sở. Nhưng đa phần các phòng nha khoa hiện nay đều tuân theo nguyên tắc vô trùng của ngành y tế đề ra, đó là mỗi bệnh nhân phải có 1 khay dụng cụ mới, đặc biệt là những dụng cụ dễ tiếp xúc với máu như kim tiêm, cây cạo vôi, mũi khoan... để các mầm bệnh có trong máu, nước bọt của bệnh nhân này không lây lan cho bệnh nhân khác.

Tất cả dụng cụ sau khi được sử dụng, dù cho có máu hay không đều phải ngâm với dung dịch tẩy rửa chuyên dụng, sau đó phải được chà rửa dưới vòi nước chảy mạnh, tiếp theo là đưa vô lò hấp autoclave để tiệt trùng tất cả vi sinh vật, bào tử có thể có trong dụng cụ, cuối cùng là được đưa vào trong tủ tia cực tím để dự trữ. Với quy trình như vậy thì hầu như khả năng lây nhiễm là cực kỳ thấp, hầu như không có.

Nhân đây cũng xin khuyến cáo với bạn và các độc giả rằng khi chọn nơi điều trị nha khoa, điều quan trọng nhất là các bạn nên chọn những phòng nha khoa đáp ứng được những yêu cầu về vệ sinh vô trùng để bảo vệ bản thân và gia đình mình.

Những điều các bạn nên lưu ý như: khi bạn lên ghế điều trị có đổi bộ đồ khám, ly súc miệng, ống hút nước bọt mới cho bạn không; ghế máy nha khoa có được vệ sinh sạch sẽ trước khi bạn lên nằm điều trị không; dụng cụ kềm, kéo, cây cạo vôi... sử dụng cho bạn có phải được để trong bao vô trùng đã đóng kín miệng hay không... còn khá nhiều yêu cầu khác nhưng đây là những yêu cầu tối thiểu cần có ở một phòng nha khoa.
Top