Người chuyển giới tại Việt Nam: Còn vướng nhiều rào cản

29/07/2014 15:47

Tại Việt Nam, hiểu biết và nhận thức về người chuyển giới còn hạn chế, nhầm lẫn với người đồng tính, người liên giới tính, hay bị gắn với một số định kiến, bị phân biệt đối xử trầm trọng trong thực tế và không được thừa nhận về pháp lý. Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) để có cái nhìn rõ hơn về người chuyển giới và những vấn đề họ đang phải đối mặt.

Theo ông Lương Thế Huy, với nhiều người, người chuyển giới thường gắn liền với hình ảnh những người nam ăn mặc, hành xử như nữ, bị cho là một rối loạn tâm lý, trục trặc sinh lý, một lối sống khác thường (mặc dù không phải như vậy), bị/được đánh đồng vào nhóm “đồng tính” hoặc gộp vào tên gọi “thế giới thứ ba”. Tuy vậy, bức tranh về người chuyển giới lớn hơn như thế nhiều.

Ông Lương Thế Huy, Cán bộ tư pháp của iSee.

Người chuyển giới là người mà giới tính mong muốn của họ không trùng với giới tính khi sinh ra. Nhiều yếu tố sinh học cũng như những trải nghiệm trong quá trình phát triển sẽ hình thành cái gọi là “bản dạng giới” của mỗi người, có người sinh ra nữ và nghĩ mình là nam, cũng có người sinh ra là nam và nghĩ mình là nữ, họ chính là người chuyển giới.

Người chuyển giới cần sự hỗ trợ thích đáng

Vấn đề quan trọng của người chuyển giới là họ cần sự hỗ trợ thích đáng như tham vấn, liệu pháp hoóc-môn, thuốc men và sự chấp nhận xã hội cần thiết để họ tự do thể hiện bản dạng giới của mình và giảm thiểu kỳ thị.

Người chuyển giới tại Việt Nam tồn tại và được ghi nhận từ khá sớm, với nhiều cách gọi, hiểu khác nhau theo lịch sử. (Đại Việt Thông Sử đã ghi nhận trường hợp “con gái Nghệ An biến thành con trai” vào năm 1351, hay con trai trưởng của Hiến Tông là “thông minh, học rộng, sức lực hơn người, nhưng tính ngang bướng, thích mặc áo phụ nữ.”)

Ông Lương Thế Huy miêu tả các trở ngại trong cuộc sống của người chuyển giới đang gặp phải như một vòng xoáy: Không được gia đình chấp nhận thể hiện giới từ nhỏ, bạn bè thầy cô xa lánh, nghỉ học sớm, dẫn đến khó có được một nghề nghiệp và thu nhập ổn định, trong khi các nhu  cầu, nguy cơ về sức khỏe là rất cao. Tất cả dẫn đến một hình ảnh tiêu cực hay gắn với người chuyển giới là: nghèo, học thức thấp, làm những công việc không được xã hội đánh giá cao.

Một bạn chuyển giới nam sang nữ chia sẻ trường hợp ba mẹ mình luôn nói “mày là thứ gì, không phải là người” khiến nhân phẩm bạn bị tổn thương nghiêm trọng. Nhiều trường hợp khác các bạn bị bạo lực thể xác, bị cắt tóc, cắt, xé nát quần áo...

Đi xin việc lao động chân tay cũng bị từ chối thẳng “ở đây không mướn pê-đê”. Một bạn từng chia sẻ khi nhóm bạn xuống chợ ở miền Tây thì loa chợ phát, “bà con cô bác cẩn thận, có một đoàn pê-đê vừa đi vào chợ, coi chừng móc cắp!”

Sự phân biệt đối xử khiến người chuyển giới “tê liệt”

Bên cạnh đó, việc pháp luật không thừa nhận những quyền của người chuyển giới góp phần nhấn mạnh thêm các rào cản mà người chuyển giới phải đối mặt: không thể thay đổi tên gọi theo mong muốn, bị cấm phẫu thuật chuyển giới, phải ra nước ngoài vừa tốn kém mà nguy hiểm, đi về lại không được thừa nhận nhân thân mới, không có giấy tờ tùy thân, hoặc giấy tờ không phù hợp thực tế, dẫn tới không thể thực hiện các hầu hết các giao dịch thông thường như mua bán đứng tên tài sản, đi lại máy bay, hồ sơ việc làm…

Sự phân biệt đối xử với người chuyển giới khiến họ gần như “tê liệt” không thể tham gia vào cuộc sống với tư cách một công dân bình thường và bình đẳng.

“Ước mơ của người chuyển giới tôi nghĩ thật ra cũng là ước mơ chung của mọi người: Được sống theo cách mình cảm thấy hạnh phúc, và được xã hội, pháp luật tôn trọng, thừa nhận như một thành viên bình thường, bình đẳng.”, Lương Thế Huy nói.

Cụ thể hơn có thể tóm gọn ở bốn điểm: được đổi tên theo mong muốn, được phẫu thuật chuyển giới theo mong muốn, được thừa nhận nhân thân mới sau khi chuyển giới, và được bảo vệ khỏi sự kỳ thị bằng chính sách cụ thể như luật chống phân biệt đối xử.

Một người chuyển giới chia sẻ: “Em chỉ cần họ công nhận mình thôi. Bây giờ chuyển giới về, cầm chứng minh, chỉ muốn mua một cái xe đăng ký chính chủ mà cũng không được, phải nhờ họ hàng mua cho, thật sự điều đó rất khó khăn".

Mong muốn hạnh phúc đơn giản nhất cũng có thể trở nên cao xa: “Em cũng muốn một lần được lên xe hoa lắm chứ, nhưng liệu cả đời mình có bước lên được xe hoa hay không?” (Một người chuyển giới nam sang nữ, 25 tuổi)

“Theo tôi, câu trả lời cho mọi vấn đề bất bình đẳng nằm ở việc do chúng ta thiếu thông tin, hoặc thiếu sự kiên nhẫn để thực sự tìm hiểu về một ai đó, trước khi đưa ra phán xét thậm chí cô lập họ. Để quá trình ấy thay đổi tích cực nhất, pháp luật cần phải là tư tưởng dẫn trước xã hội và đặt phẩm giá con người vào trung tâm để bảo vệ nó”, ông Lương Thế Huy nói.

Bộ luật Dân sự đang được lấy ý kiến cho việc sửa đổi và trình Quốc hội vào tháng 10/2014. Một trong những nội dung được quan tâm là các quyền nhân thân liên quan tới người chuyển giới như: quyền đổi tên, quyền phẫu thuật xác định lại giới tính, quyền được thừa nhận, thay đổi giới tính mới sau khi phẫu thuật.

 

 

 

 

 

Top