Xây ‘tổ ấm’ không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ

07/06/2017 15:25

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống BLGĐ, tuy nhiên đánh giá một cách khách quan thì sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn phức tạp.

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, Trang tin điện tử Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với bà Phan Thu Hiền, chuyên gia về giới của Liên Hợp Quốc về vấn đề này.

Bà Phan Thu Hiền, chuyên gia về giới của Liên Hợp Quốc. Ảnh NVCC

PV: Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam chọn tháng 6 hàng năm là Tháng Hành động phòng, chống bạo lực gia đình. Tháng hành động năm nay có chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Bà đánh giá như thế nào về động thái này của Chính phủ Việt Nam?

Bà Phan Thu Hiền: Việc chọn Tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc kêu gọi cộng đồng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Trong hơn 4 năm qua, các chiến dịch truyền thông, vận động sự tham gia của nam giới và cộng đồng chung tay xóa bỏ bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và bé gái, đã được tổ chức khá thành công và rầm rộ tại Việt Nam, dưới sự điều phối của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam, Hôi Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ chủ yếu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (LHQ), đã huy động được sự tham gia ủng hộ đông đảo của các đối tác phát triển, các tổ chức LHQ, tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội tại Việt Nam.

Những chiến dịch truyền thông này nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế  Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và bé gái cùng các quốc gia trên toàn cầu (ngày 25/11). Đến nay, Việt Nam đã chính thức chọn tháng 6 là Tháng hành động xóa bỏ bạo lực gia đình và tháng 11 là Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đây là một bước tiến mới, thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, phòng ngừa bạo lực gia đình, bạo lực giới.

PV: Bà đánh giá như nào về công tác phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam thời gian qua? Theo bà, cần làm gì để công tác này đạt được hiệu quả tốt nhất?

Bà Phan Thu Hiền: Mặc dù Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và bé gái, song các quan niệm và khuôn mẫu phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tồn tại. Nạn bạo lực gia đình và bạo lực với phụ nữ và trẻ em đang bị bình thường hóa khi nhiều người vẫn cho rằng “thương cho roi cho vọt”.  Hành vi bạo lực của chồng với vợ, cha mẹ với con cái được nhiều người cho là hành vi “dạy dỗ” nếu không “dạy” thì sẽ bị “vợ leo lên đầu lên cổ”. Chính vì thế khi các trường hợp bạo lực được báo cáo với chính quyền địa phương, thì hầu hết được tha thứ và cho rằng đó chỉ là “chuyện của gia đình, nên giải quyết nội bộ”.

Chính quan niệm văn hóa xem bạo lực là bình thường nên các trường hợp bạo lực gia đình không được giải quyết phù hợp và triệt để. Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy 58% số phụ nữ được hỏi đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thân thể, tình dục hoặc tinh thần bởi chính người bạn đời của mình, 87% trong số đó đã không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ công. Mặc dù đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình cùng các chính sách liên quan song khung pháp lý vẫn chưa hoàn chỉnh, việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả.

Nói đến bạo lực gia đình chúng ta không thể không nói đến bình đẳng giới, vì hầu hết bạo lực gia đình chủ yếu là do bất bình đằng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em giái nói chung, làm cho người phụ nữ có vị thế thấp kém trong gia đình, trong xã hôi, họ ít có cơ hội tiếp cận nguồn lực, giáo dục và ít được tạo điều kiện để phát triên hơn so với nam giới. Hầu hết phụ nữ có thu nhập thấp hơn nam, bản thân họ lại được mong đợi vai trò là mẹ, làm con gái, con dâu, nên họ ít có thời gian cho việc học hành, phát triển… dẫn đến họ bị phụ thuộc vào chồng sau khi kết hôn và dễ bị bạo lực gia đình. Kể cả những người phụ nữ không phụ thuộc về mặt kinh tế thì họ cũng được gia đình và cộng đồng mong đợi vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà” nên khi người phụ nữ không đủ sức lực và thời gian để làm tròn bổn phận “người phụ nữ của gia đình” họ sẽ bị bạo lực.

Những điểm yếu trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được xác định trong phân tích mới đây của LHQ  bao gồm: Thiếu nhận thức về luật; chế tài không đủ mạnh, chỉ mang tính chất cảnh cáo, khuyên nhủ và giáo dục; và việc không thể khởi tố các hình thức bạo lực khác không phải là bạo lực thể xác. Việc xây dựng luật pháp đủ mạnh với quy trình thực hiện rõ ràng và hiệu quả là hết sức cần thiết để đảm bảo BLGĐ không bị bình thường hóa và coi là chuyện nội bộ gia đình mà là phải được coi là một vấn đề xã hội, đòi hỏi giải pháp khắc phục mạnh mẽ và toàn diện.

Chưa có sự đầu tư thỏa đáng về nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, kế hoạch hành động nhằm giải quyết vấn đề BLGĐ nên kết quả thực hiện Luật còn hạn chế. Thiếu các công cụ theo dõi nên chưa làm rõ được trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời tính khả thi trong một số chính sách thực thi Luật chưa cao nên gây nhiều khó khăn trong triển khai trên thực tế.

Các chương trình can thiệp về bạo lực giới, BLGĐ hầu như còn trong giai đoạn thí điểm và triển khai chưa đồng bộ, bị hạn chế về nguồn lực; một số mô hình và hoạt động còn ở qui mô nhỏ, không đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn. Số nạn nhân tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ còn thấp. Các dịch vụ ứng phó cũng đã được triển khai nhưng còn rời rạc, chưa thành hệ thống, chưa đảm bảo đáp ứng đa ngành để ứng phó hiệu quả đối với bạo lực giới, BLGĐ. Ngoài ra, việc thiếu các hướng dẫn, quy định về tiêu chuẩn liên quan tới việc cung cấp dịch vụ cũng như kỹ thuật dẫn đến việc thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị, địa phương trong triển khai các can thiệp với bạo lực giới, BLGĐ. 

Truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về bình đẳng giới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, BLGĐ. Tuy nhiên, trong thời gian qua các hoạt động truyền thông cũng như các chương trình can thiệp hầu như mới tập trung vào nhóm đối tượng bị bạo lực mà chưa có nhiều tác động đến nhóm đối tượng gây bạo lực. Nam giới được xác định là nhóm đối tượng chủ yếu gây ra bạo lực và họ cần được xem là giải pháp để chấm dứt bạo lực thông qua việc thay đổi nhận thức và hành vi của mình.

Mặt khác, sự thay đổi nhận thức của những nhà hoạch định chính sách sẽ là yếu tố thuận lợi để xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, BLGĐ. Bên cạnh đó, sự chuyển động trong nhận thức của mỗi người dân, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai sẽ tạo cơ sở để việc thực thi chính sách, pháp luật, chương trình ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn và từ đó việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, BLGĐ sẽ diễn ra một cách chủ động, tích cực. Với đặc trưng của một nước có tỷ lệ nông dân chiếm gần 70% dân số cả nước, hội viên nam giới chiếm trên 75% hội viên nông dân thì nhóm đối tượng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong tham gia vào các chương trình can thiệp về phòng ngừa và ứng phó bạo lực giới, BLGĐ trong thời gian tới đây.

Hiện nay, các biện pháp can thiệp bạo lực gia định vẫn chưa thực sự chú trọng giải quyết nguyên nhân gốc rễ và mối liên quan của vấn đề bạo lực gia đình với vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực giới. Để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống bạo lực gia đình, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, nghành thực hiện công tác thúc đẩy bình đẳng giới. Theo tôi, Luật Bình đằng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình nên đặt dưới sự điều phối của một bộ để đảm bảo phối hợp tốt hơn, tránh chồng chéo. 

PV: Bà có lời khuyên gì đối với phụ nữ Việt Nam trong việc xây dựng tổ ấm, tránh bạo lực gia đình nói chung và phụ nữ bị bạo lực gia đình nói riêng?

Bà Phan Thu Hiền: Thật sai lầm khi cho rằng “xây tổ ấm” chỉ là trách nhiệm của phụ nữ . Việc xây dựng hạnh phúc gia đình không chỉ là trách nhiệm của riêng chị em phụ nữ mà là của tất cả các thành viên trong gia đình, trong đó người chồng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xã hội ngày nay đã phát triển, người phụ nữ cũng tham gia lao động ngoài xã hội và đóng góp kinh tế, thu nhập cho gia đình, vì thế người đàn ông cũng cần thay đổi để chia sẽ công việc của gia đình, chăm sóc con cái cùng với vợ, có như vậy người phụ nữ mới có nhiều thời gian và sức lực dành cho chồng hơn. Đôi khi không chỉ các anh nam giới xem việc nhà, chăm sóc con cái là việc của phụ nữ, mà chính chị em cũng tưởng như vậy bởi văn hóa Việt Nam mong đợi người phụ nữ cần phải có trách nhiệm “chăm sóc gia đình, chăm chồng con”. Vậy chúng ta hãy đặt câu hỏi ai sẽ chăm sóc các chị đây?  Vì vậy các chị hãy biết yêu thương, chăm sóc bản thân mình hơn, không nên cam chịu và chấp nhận khi không được chia sẻ và không được tôn trọng, và đặc biệt không nên im lặng khi bị bạo lực.

Gia đình thực sự ấm áp và tràn ngập tiếng cười khi cả vợ và chồng cùng được yêu thương, được tôn trọng được quan tâm và chăm sóc, chứ không chỉ từ một phía. Hãy luôn nhớ rằng không có người phụ nữ nào có thể mang đến hạnh phúc cho người khác nếu nếu bản thân họ không được yêu thương,  tôn trọng và hạnh phúc. Để làm được điều này, đòi hỏi sự nổ lực không chỉ từ các chị em phụ nữ, mà cần thay đổi nhận thức của nam giới, của cộng đồng và của xã hội. Hy vọng rằng Tháng hành động này sẽ giúp các anh nam giới hiểu rỏ hơn vai trò trách nhiệm của mình trong gia đình để cùng nhau vun đắp, xây dựng tổ ấm của gia đình trên nền tảng yêu thương, chia sẽ và tôn trọng lẫn nhau.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Top