Xâm hại tình dục trẻ em: Chỉ sửa Bộ luật Hình sự là chưa đủ!

14/09/2015 09:18

Theo Luật sư Lê Thị Ngân Giang, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự là chưa đủ mà cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự nhằm bảo vệ tốt hơn nạn nhân là trẻ em của các tội xâm phạm tình dục.

Luật sư Lê Thị Ngân Giang, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Ảnh: Hoàng Anh

Mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”

Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện có 10 tội liên quan đến định nghĩa “giao cấu”, tuy nhiên khi nạn nhân là trẻ em nam hoặc nam giới nói chung bị “giao cấu trái ý muốn”, thì các cơ quan chức năng chỉ xử lý được một hành vi đó là “Dâm ô trẻ em” theo Điều 116 - Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Bởi “giao cấu” vẫn được hiểu là “sự cọ sát dương vật vào bộ phận sinh dục người phụ nữ...”. Tức là, chủ thể phạm tội hiếp dâm chỉ có thể thuộc giới tính nam và nạn nhân thuộc giới tính nữ. Điều này vô hình chung đã khiến trẻ em nam không được bảo vệ trước tội phạm xâm hại tình dục.

Về vấn đề này, luật sư Lê Thị Ngân Giang cho rằng, việc xử lý hình sự hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em nam trong những năm vừa qua, còn một số vướng mắc. Trừ tội hiếp dâm trẻ em đã được quy định rất rõ tại Khoản 4 Điều 112 “Mọi trường hợp giao cấu vởi trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em”. Do điều luật này không hề quy định là giao cấu với trẻ em nữ hay trẻ em nam, vì vậy, trong trường hợp giao cấu với trẻ em nam chưa đủ 13 tuổi thì vẫn có thể truy cứu vào tội hiếp dâm.

Còn các tội khác, như cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em còn có cách hiểu không thống nhất liên quan đến khái niệm “giao cấu”. Hiện nay, vẫn chưa có giải thích chính thức, hướng dẫn cụ thể thế nào là “giao cấu”, gây ra lung túng trong quá trình áp dụng. Thực tế đó đã làm cho mọi người nghĩ rằng trẻ em nam đang không được bảo vệ trước các tội phạm xâm hại tình dục cũng là điều dễ hiểu.

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục đối với cả trẻ em (và người lớn nói chung), phù hợp với thực tế (những năm gần đây, cách thức giao cấu khá đa dạng, đặc biệt là trong quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính), Dự thảo Bộ luật Hình sự lần này đã có một số sửa đổi, bổ sung rất cơ bản. Trong đó có việc mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”. Cụ thể là ngoài hành vi giao cấu, các Điều 140, 141, 142, 143 và 144 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung thêm trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác mà không được sự đồng ý của nạn nhân” cũng coi là thực hiện các tội phạm này.

Ví dụ: tại Khoản 1, Điều 141 - Tội hiếp dâm trẻ em quy đinh: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi mà không được sự đồng ý của họ; b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em dưới 13 tuổi.

Khoản 1, Điều 143 - Tội cưỡng dâm trẻ em quy định: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì bị phạt từ từ 05 năm đến 10 năm.

Ngoài việc mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu” trong hầu hết các điều thuộc nhóm tội phạm tình dục, Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) còn bổ sung thêm một tội mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em cả trai và gái. Đó là tội khiêu dâm trẻ em.

Tại Khoản 1, Điều 146 - Tội khiêu dâm trẻ em quy định: Người nào đã thành niên mà sử dụng trẻ em tham gia hoặc thực hiện các hành vi khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Theo Luật sư Lê Thị Ngân Giang, việc sửa đổi, bổ sung như vậy đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các nhà làm luật trong việc phòng, chống tội phạm về tình dục nói chung và tội phạm tình dục đối với trẻ em nói riêng.

Cần sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan trong Bộ luật Tố tụng Hình sự

Tuy nhiên, theo ý kiến của luật sư Lê Thị Ngân Giang, để bảo vệ tốt hơn nhất quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em trai và trẻ em gái, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự như vậy là chưa đủ mà cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể là cần bổ sung vào Điều 110 Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định “bị hại của các tội xâm phạm tình dục là trẻ em” có luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý “chỉ định” để bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nếu người đại diện theo pháp luật của người bị hại không mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.  

Vì hiện nay các bậc cha mẹ có con bị xâm phạm tình dục đang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tố cáo hành vi xâm phạm tình dục con mình, càng khó khăn hơn để được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra và truy tố kẻ có hành vi xâm hại.

Có một thực tế là khi trẻ nhỏ bị xâm hại tình dục, ngoài những tổn thương về thân thể, hầu hết nạn nhân đều rơi vào trạng thái hoảng loạn. Khi cha mẹ các em biết thì phần nhiều còn đau đớn hoảng loạn hơn. Rồi định kiến xã hội làm cho họ cảm thấy xấu hổ, lo lắng cho tương lai của con nếu mọi người biết chuyện. Trải qua một thời gian đấu tranh tư tưởng, đến khi buộc nói ra, thì việc thu thập chứng cứ thường rất khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp là không thể. Có luật sư tư vấn ngay từ khi trẻ em bị xâm phạm tình dục, chẳng những giúp cho cha, mẹ nạn nhân bình tĩnh, ứng xử đúng pháp luật để bảo vệ tốt nhất con mình mà còn giúp cho quá trình điều tra, truy tố…giảm được các khó khăn không đáng có do tâm lý dao động, không hiểu biết pháp luật của cha, mẹ nạn nhân gây ra, vì vậy chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, năm 2010 đã xảy ra 867 vụ với 923 đối tượng gây án; năm 2011 xảy ra 940 vụ, 1.025 đối tượng; năm 2012 xảy ra 1.029 vụ, 1.278 đối tượng; năm 2013 xảy ra 1.326 vụ, 1.407 đối tượng.

Trong năm 2014, toàn quốc đã phát hiện 1.885 vụ xâm hại trẻ em, gồm 2.073 đối tượng gây án. Có 1.931 trẻ em bị xâm hại (281 nam và 1.650 nữ), trong đó có 1.544 vụ (chiếm hơn 80%) liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.

Trong giai đoạn 2008 - 2013, các cơ quan tư pháp đã xét xử sơ thẩm 8.772 vụ với 10.265 bị cáo, trong đó các vụ án hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em. Nạn nhân của các vụ án xâm phạm tình dục là trẻ em chiếm tỷ lệ lớn (6.929 vụ với 7.563 bị cáo, chiếm 78,99% số vụ).

Top