Xác minh vụ việc học sinh bị đâm vật nhọn nghi "dính HIV"

08/09/2014 16:08

Mấy ngày qua, việc một nhóm học sinh ở Trường THCS Xuân Thiên, Thanh Hóa dùng que thép, nan hoa, kim tiêm nghi có dính máu HIV đâm vào các bạn cùng trường khiến dư luận xôn xao, nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang, lo lắng vì sợ lây nhiễm HIV.

 

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh. Ảnh Ngọc Huê

Trao đổi về sự việc này, Ths.Bs. Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sau khi nhận được thông tin về sự việc này Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan hữu quan kiểm tra vụ việc để kịp thời có giải pháp.

Trò đùa do bột phát...

Cuối tuần qua, đoàn kiểm tra đã trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân để làm rõ vấn đề. Sự việc 43 học sinh lớp 9 và lớp 8 của trường THCS Xuân Thiên đùa nghịch, dùng que thép, nan hoa trêu chọc nhau, trong đó có 1 cháu học lớp 8 nhiễm HIV do mẹ truyền sang con đã khiến phụ huynh của các em hết sức hoang mang.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, việc các em học sinh trêu đùa nhau là do bột phát, nghịch ngợm tuổi học trò, trò đùa nghịch không có vấn đề quá nghiêm trọng vì có em chỉ đau nhẹ, có em cũng có xây xước chỗ bị châm. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi  phụ huynh của các em học sinh bị chọc biết có một học sinh nam lớp 8 nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Một số phụ huynh đã rất lo lắng, yêu cầu nhà trường giải quyết và xét nghiệm HIV cho con họ.

Nhận thấy sự việc trên có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc cha mẹ và việc học tập của các cháu học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã lập tức báo cáo UBND huyện và kịp thời đưa các cháu đến bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh nhờ kiểm tra.

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc, cử các thầy thuốc có kinh nghiệm để khám, tư vấn, đánh giá nguy cơ cho 38 em bị châm chọc theo yêu cầu của nhà trường và phụ huynh. Tất cả học sinh nói trên đã được các bác sỹ chuyên khoa khám sàng lọc, tư vấn, đánh giá nguy cơ rất cẩn thận và khẳng định không có nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS nên không cần thiết phải dùng thuốc điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV).

Các bác sỹ của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa, trung tâm y tế dự phòng huyện Thọ Xuân đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường tổ chức gặp mặt các phụ huynh và học sinh nói trên tại trường để giải đáp các thắc mắc, tư vấn cho các đối tượng và tổ chức tuyên truyền để chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đặc biệt là trẻ nhiễm HIV đến trường.

Kết quả là hầu hết các học sinh và phụ huynh đều yên tâm. Không có tình trạng kỳ thị, phản đối trẻ nhiễm HIV đến trường trước và sau sự việc. Công tác phòng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đặc biệt là trẻ nhiễm HIV ở địa phương đang được thực hiện rất tốt.

Không có trường hợp phải dùng thuốc kháng dự phòng

Đánh giá về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua hành vi của các học sinh này, ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, khả năng lây nhiễm HIV từ người này sang người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố của phơi nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm HIV cao khi máu của người nhiễm HIV có nồng độ virus cao, tiếp xúc với số lượng máu nhiều, bị đâm sâu trong cơ, thời gian từ khi vật sắc nhọn đâm vào người nhiễm HIV sang người khác ngắn vì HIV rất dễ bị tiêu diệt khi ra khỏi cơ thể người.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xác suất lây nhiễm HIV khi bị đâm kim tiêm của người nhiễm HIV là 0,3%. Tức là, 1.000 người bị phơi nhiễm theo cách đó thì có khoảng 3 người bị lây nhiễm HIV. Trong khi đó kim tiêm có độ rỗng và lượng máu chứa trong kim tiêm sẽ nhiều hơn trên vật sắc nhọn không có nòng, thì xác suất này có thể còn thấp hơn rất nhiều.

“Trong trường hợp trên, thực tế em học sinh nhiễm HIV cũng chỉ bị châm chọc 2 lần và qua quần bò nên khó dính máu nếu có bị tổn thương. Em học sinh nhiễm HIV này đã và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus và sức khỏe rất tốt. Việc điều trị băng thuốc kháng virus cũng ức chế và tải lượng virus thấp làm nguy cơ lây nhiễm HIV cũng giảm”, ông Hoàng Đình Cảnh nói.

Cơ quan chuyên môn đã đánh giá nguy cơ dựa trên vật dụng đâm, chọc, các vết thương của cháu học sinh bị nhiễm, tình trạng điều trị ARV của cháu học sinh nhiễm HIV, đặc biệt là các vết đâm chọc của từng học sinh cũng như yếu tố nguy cơ khác và khẳng định không có nguy cơ nên không có trường hợp nào phải dùng thuốc kháng virut để dự phòng phơi nhiễm.

Không nên tách biệt hay cấm đoán trẻ nhiễm HIV

Hiện tại, nhà trường đã giám sát không để xảy ra sự việc tương tự. Các báo cáo khoa học cũng cho thấy, trên thế giới đến nay chưa có bất cứ trường hợp trẻ em lây nhiễm HIV do học chung, sống chung. Vì vậy, cũng không nên kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, tách biệt hay cấm đoán trẻ nhiễm vì HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung, học chung, sống chung, làm việc chung, muỗi đốt v.v…

Tuy nhiên, ông Hoàng Đình Cảnh khuyến cáo, khi gặp những tình huống có nguy cơ cao, bị vật nhọn dính máu của người nhiễm HIV/AIDS đâm phải, gây tổn thương da, chảy máu thì phải xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế, nên đến phòng khám ngoại trú điều trị HIV gần nhất, hoặc Trung tâm y tế huyện hay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để các y bác sỹ đánh giá nguy cơ, tư vấn và xử trí kịp thời. Nếu xác định có nguy cơ, trẻ sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trong vòng 4 tuần. Việc điều trị dự phòng bằng thuốc ARV cần tiến hành sớm ngay sau khi bị tổn thương đâm gây chảy máu trong vòng 4-6 giờ và không quá 72 giờ. Sau 72 giờ, việc điều trị là không có tác dụng dự phòng. Như vậy, chỉ điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc ARV khi xác định có nguy cơ và phải dùng thuốc đúng phác đồ và trước 72 giờ.

Để bảo vệ sức khỏe, giúp trẻ phòng chống lây nhiễm HIV và tránh không bị hoang mang khi gặp phải hoàn cảnh trên, theo ông Hoàng Đình Cảnh, các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị cho mình các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS để tự bảo vệ cho chính mình, con cái và người thân để đủ kiến thức phân tích, không hoảng loạn hay lo lắng quá mức cần thiết.

Với nhà trường, cần tuyên truyền giáo dục các em các kiến thức về HIV cũng như kỹ năng sống khác, điều gì nên làm, điều gì không nên làm và có giám sát các hoạt động vui chơi của các em đề phòng có thể xảy ra những tình huống tương tự.

Với cộng đồng nói chung, cần tiếp tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS vì HIV/AIDS còn là dịch mà chúng ta phải đối phó tương đối lâu dài.

Top