Xã hội hóa điều trị Methadone-Duy trì tính bền vững

28/04/2014 14:00

Xã hội hóa công tác điều trị cai nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone không chỉ giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, cuộc sống, giảm chi phí mà còn là giải pháp giúp mở rộng, duy trì hiệu quả chương trình điều trị nghiện bằng Methadone.

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được chứng minh là có hiệu quả không chỉ đối với người nghiện chích ma túy mà cả với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Chương trình được bắt đầu triển khai thí điểm tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh với 06 cơ sở điều trị từ tháng 4/2008. Tính đến tháng 4/2014, chương trình điều trị Methadone đã được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố với 88 cơ sở điều trị cho 17.062 bệnh nhân. Dự kiến, sẽ còn nhiều hơn nữa các cơ sở điều trị Methadone được mở trong tương lai gần.

Điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone giúp cải thiện sức khỏe và cuộc sống người nghiện

Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, ngay sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị  định số 96/2012/NĐ-CP, ngày 15/11/2012 về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BYT về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 96. Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo, chương trình Methadone dự kiến được mở rộng với tốc độ nhanh hơn, cứ mỗi quận/huyện có trên 250 người nghiện chích ma túy thì UBND tỉnh/thành phố phải thành lập cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone.

Với tốc độ mở  rộng chương trình điều trị Methadone nhanh chóng, mô hình toàn diện đang được triển khai chắc chắn không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu điều trị của người bệnh. Do việc điều trị Methadone là một quá trình điều trị lâu dài và cần kinh phí lớn. Tuy nhiên, kinh phí triển khai chương trình hiện nay đều do các tổ chức quốc tế tài trợ, trong khi kinh phí hỗ trợ từ các nguồn này đang ngày càng suy giảm.

Bên cạnh đó, ngân sách của Chính phủ trong công tác này khó có thể đảm bảo bao cấp cho toàn bộ bệnh nhân. Do đó, mô hình xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai phần nào sẽ đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân bằng cách, người điều trị tự chi trả một phần kinh phí khi tham gia chương trình điều trị.

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế khuyến khích các tỉnh,thành phố nên tích cực triển khai mô hình xã hội hóa để việc mở rộng chương trình được thuận lợi hơn đặc biệt là trong bối cảnh kinh phí hoạt động của chương trình đang bị cắt giảm.

Để giải pháp xã hội hóa mô hình điều trị bằng Methadone triển khai hiệu quả, tháng 10/2013, Bộ Y tế đã có công văn số 6544/BYT-KH-TC về việc hướng dẫn thưc hiện khung giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiên quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cơ sở căn cứ để xác định khung giá chi tiết của từng dịch vụ khi thực hiện xã hội hóa chương trình Methadone tại địa phương.

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, việc triển khai xã hội hóa điều trị Methadone sẽ  duy trì tính bền vững và mang lại hiệu quả cao cho chương trình điều trị. Giống như các quốc gia khác trên thế giới, việc mở rộng chương trình điều trị dưới hình thức xã hội hóa là điều tất yếu sẽ góp phần giúp mở rộng chương trình khi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế có xu hướng giảm dần trong thời gian tới, đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người bệnh với chính chương trình điều trị mà họ tham gia.

Ngoài ra, mô hình xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sẽ giúp huy động nguồn kinh phí từ chính bệnh nhân và gia đình, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ, các địa phương triển khai chương trình và từ các nguồn hỗ trợ khác. Với mô hình Chính phủ và nhân dân cùng làm, chắc chắn việc mở rộng chương trình Methadone sẽ được tiến hành nhanh chóng và rộng rãi hơn.

Top