Vụ hành hạ trẻ nhiễm HIV: Có bị xử lý hình sự?

15/04/2015 14:45

Vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) hiện vẫn đang “dậy sóng”, gây bức xúc trong dư luận, nhiều người mong muốn phải xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, làm tổn thương nghiêm trọng đến đời sống tâm lý của trẻ nhỏ và ảnh hưởng đến những tấm lòng nhân hậu của các “người mẹ” khác.

 

Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm (phải) - Ảnh: Thùy Chi

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế - Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, trong trường hợp xác minh, kiểm tra sự việc trên là có thật thì đơn vị, cá nhân có liên quan trong vụ việc có thể phải chịu các hình thức xử lý về mặt hành chính và hình sự.

Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay có rất nhiều quy định về những hành vi trong trường hợp này. Cụ thể, Điều 6 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định rõ thực hiện quyền của trẻ em. Theo đó, các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Cũng tại Điều 7 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ghi rõ, nghiêm cấm các hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác.

Trong khi đó, tại Điều 13 của Nghị định 91/2011/NĐ-CP về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em; đối xử tồi tệ với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh…

Ở Điều 21 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV cũng có quy định rõ, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV.

Cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Theo Luật gia, hành vi bạo hành trẻ nhiễm HIV của các bảo mẫu tại Trung tâm Linh Xuân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Hành hạ người khác” với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội đối với trẻ em” theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 110 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, tại Điều 110 quy định tội hành hạ người khác.

Theo đó, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạt tù từ 1 năm đến 3 năm đối với cá nhân hành hạ người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật…

Bên cạnh đó, nếu các bảo mẫu gây ra thương tích do đánh đập các cháu bé tại Trung tâm Linh Xuân thì rất có thể những bảo mẫu này còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự (nếu thương tích của các cháu bé được giám định và có kết quả thương tích từ 11% trở lên).

Người đứng đầu trung tâm phải chịu trách nhiệm hậu quả

Đối với người đứng đầu trung tâm, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, phải có trách nhiệm quản lý sát sao mọi hoạt động của trung tâm và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả do hoạt động của trung tâm gây ra, dù lỗi đó có do họ gây ra hay không. Vì thế, Giám đốc của Trung tâm Linh Xuân chắc chắn phải chịu trách nhiệm khi để cho hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại trung tâm của mình.

Trước tiên, người đứng đầu Trung tâm Linh Xuân có thể sẽ bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, nếu trong trường hợp xác định sự việc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì Giám đốc Trung tâm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Thiếu trách hiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự.

Điều 285 quy định rõ người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm; trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm; người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Cần chung tay xóa nạn bạo hành trẻ em

Theo Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, tình trạng bảo mẫu, giáo viên mầm non bạo hành trẻ em nói chung trong những năm gần đây vẫn xảy ra liên tiếp. Nhiều vụ việc được phanh phui đều bị đưa ra xét xử trước pháp luật hoặc bị dư luận xã hội lên án rất nghiêm khắc. Để có thể ngăn chặn được tình trạng này trong thời gian tới, cần phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội chứ không chỉ là sự cố gắng của một vài cơ quan tổ chức.

Cụ thể, bản thân các trung tâm bảo trợ xã hội, các trường mầm non…, các cơ quan có trách nhiệm tuyển dụng các bảo mẫu, giáo viên… phải chú trọng đến công tác đánh giá năng lực, cũng như đạo đức của các giáo viên, bảo mẫu được tuyển dụng.

Đối với cá nhân làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc cho trẻ em nhiễm HIV thì phải được học thêm kiến thức về HIV/AIDS và Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Các cá nhân, cơ quan có chức năng giám sát kiểm tra về hoạt động của các trường, của trung tâm cần phải nghiêm túc thực hiện chức năng của mình.

Với các phụ huynh, người đại diện của các trẻ cần phải chú ý nhiều hơn đến con mình, không để tình trạng khi sự việc bị phát giác thì mới biết việc con mình bị bạo hành.

Bên cạnh đó, khuyến khích việc các cá nhân, tổ chức phát hiện và tố cáo các hành vi bạo hành của các trường, các trung tâm này. Vì trên thực tế, hầu tất cả các vụ bạo hành bị phát giác đều do người dân phát hiện, quay phim và đưa lên mạng.

Các cơ quan lập pháp, hành pháp cần quy định và xử lý thật nghiêm khắc đối với những hành vi bạo hành trẻ để có thể răn đe đối với người có hành vi phạm tội, cũng như đối với những người khác. Ngoài ra, nên có quy định riêng đối với tội phạm hành hạ trẻ em.
Top