Vì một môi trường học đường không có bạo lực

02/12/2014 11:04

Bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em sẽ mang lại những hậu quả về mặt tâm lý, xã hội và sự phát triển của các em. Có mối liên hệ giữa việc bị trải nghiệm bạo lực sớm sẽ có các hành vi như sự hung hãn, bạo lực với người yêu/vợ, chồng hoặc trầm cảm, lo lắng và các vấn đề về sức khoẻ khác khi các em trưởng thành.

Từ những con số đáng suy ngẫm

Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam về bạo lực giới trong trường học với 3.000 học sinh của 30 trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, khoảng 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần. Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục...) chiếm tỷ lệ cao nhất 73%, bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập...) là 41% và bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục...) chiếm 19%.

Qua khảo sát, rất ít học sinh đã báo cáo, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ hay thầy cô khi các em bị bạo lực, cho dù người gây ra bạo lực là ai và hình thức bạo lực là gì. 42% các em bị bạo lực thân thể, 68% bị bạo lực tinh thần và 36% bị quấy rối, xâm hại tình dục thường tự mình giải quyết.

Ảnh minh hoạ

Lý do các em đưa ra cho việc tự mình giải quyết và không báo cáo là do các em lo sợ tiếp tục bị bạo lực nếu báo cáo, bị đổ lỗi hoặc bị phạt thêm. Đối với việc bị bạo lực trên đường đến trường, các em tin rằng chẳng có thể làm gì để giải quyết và chẳng ai có thể giúp đỡ và nó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tự giải quyết vấn đề của các em.

“Đừng nói với bố mẹ nếu không muốn mọi thứ rối rắm thêm. Nếu kể với bố mẹ rằng ai đó bắt nạt mình, bố mẹ sẽ nói kiểu như “đấy là lỗi của anh”. Ai bảo anh ăn mặc chải chuốt như vậy? Đừng trách ai nếu anh bị trêu chọc. Nếu ăn mặc không đứng đắn thì cũng đáng bị bắt nạt”, một học sinh nam trung học chia sẻ.

Không chỉ có trách nhiệm của nhà trường

Từ tháng 6/2014, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam đã ký kết triển khai thực hiện dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" tại 10 trường THCS và 10 trường THPT trên địa bàn Hà Nội.

Dự án được triển khai trong vòng 3 năm (từ 2014 – 2016) với tổng kinh phí là 1.016.238 USD (khoảng 21,186 tỷ đồng) được hỗ trợ bởi Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ (United Nations Trust Fund to End Violence against Women) và tổ chức Plan thông qua văn phòng Plan tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là bảo vệ an toàn cho các học sinh nam và nữ trong độ tuổi từ 11 đến 18 khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại trường học.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Học sinh sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án đầu tiên ở Hà Nội có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường.

Không chỉ giáo dục học sinh về kiến thức và kỹ năng để phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, dự án còn nâng cao năng lực cho Ban Giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh.

Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh. Song song với các can thiệp trong trường học, dự án cũng hỗ trợ xây dựng môi trường báo chí nhạy cảm với các vấn đề bạo lực giới trong trường học, hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn thành phố.

Dự kiến sẽ có hơn 30.000 học sinh nam nữ; hơn 700 giáo viên và 45.000 phụ huynh của 20 trường trung học sẽ tham gia vào dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, cùng với khoảng 100 cán bộ ngành giáo dục các cấp và các sở ban ngành liên quan.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết thêm, qua phản ánh của các đồng chí trong ban giám hiệu nhà trường hiệu quả của dự án đã ảnh hưởng tích cực đến các hoạt động chung của nhà trường.

“Tôi là giáo viên chủ nhiệm được 20 năm. Đây là lần đầu tiên, tôi trao đổi với phụ huynh học sinh về bạo lực giới trường học và cách thức mà chúng tôi có thể hợp tác bảo vệ con em. Thật đáng ngạc nhiên là cha mẹ các em rất quan tâm đến chủ đề này và cuộc họp phụ huynh đã kéo dài đến tận chiều tối. Sau buổi họp phụ huynh, tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các bệnh phụ huynh chia sẻ các khó khăn của con em mình trong trường học và thảo luận với tôi cách thức giúp đỡ các em”, một giáo viên chủ nhiệm tại một trường THPT cho hay.

“Nhờ có Dự án trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng, nhà trường đã tổ chức Hội chợ “Trao bình đẳng, Nhận yêu thương” dành cho học sinh chúng em. Chúng em đã có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm mang các thông điệp phòng chống bạo lực học đường. Chúng em tin rằng cùng với nhau chúng ta sẽ xây dựng ngôi trường này an toàn, thân thiện và bình đẳng”, một học sinh nữ lớp 6 chia sẻ.

Hiện Dự án mới chỉ được thực hiện ở Hà Nội, cần rất nhiều dự án như thế nữa để học sinh trong cả nước có thể học tập trong môi trường học đường thật sự An toàn, Thân thiện và Bình đẳng.

 

Top