Tỷ lệ lây HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 2%

27/05/2015 17:43

Nếu những phụ nữ mang thai nhiễm HIV trên toàn quốc được điều trị sớm và đúng, thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 2%.

Tiến sĩ. Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh - Ảnh: Thùy Chi

Nhân Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015 (từ ngày 1-30/6), phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với TS. BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về những kết quả, khó khăn và thuận lợi trong công tác này.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai trên toàn quốc từ cuối năm 2004 với mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5%, xin Phó Cục trưởng cho biết những kết quả của chương trình này?

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh: Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một chương trình có ý nghĩa nhân văn và thu được kết quả rất tốt. Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự quan tâm của ngành y tế, chương trình đã được triển khai rộng, tăng độ bao phủ ở các thành phố lớn, giúp tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm rõ rệt.

Bắt đầu từ năm 2004 thì đến nay, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được độ bao phủ là 68% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, 57,1% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả ở nước ta, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn 3,3% ở những phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng.

Trong khi đó, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV không được điều trị thì khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khoảng từ 20 - 50%, tỷ lệ trung bình là 36%. Có nghĩa là 100 người phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 36 trẻ nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu điều trị tốt, điều trị đúng và sớm thì tỷ lệ này giảm xuống dưới 2%. Giai đoạn điều trị tốt nhất là 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, điều trị càng sớm càng tốt. Như vậy, những người phụ nữ nhiễm HIV, nếu thiết tha có con và biết cách điều trị sớm thì họ có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.

Để được điều trị dự phòng hiệu quả, tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm. Sau đó, cần tiếp cận ngay với các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, dùng đúng phác đồ điều trị 3 thuốc khi sinh và nuôi con, đồng thời thực hiện tốt hướng dẫn của cán bộ y tế để dự phòng cho con.

Theo ông, liệu có thể giảm được tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% trong thời gian tới?

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh: Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được tỷ lệ này nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị đúng và sớm. Khó khăn lớn nhất, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu vực biển đảo là những khu vực mà dịch vụ y tế, xét nghiệm chưa sẵn có, trong khi hiểu biết của họ chưa đầy đủ về tầm quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nên việc xét nghiệm rất muộn, nhiều trường hợp không được điều trị đúng cách.

Ở thành thị, dịch vụ sẵn có, điều kiện kinh tế của người dân cũng khá hơn nên việc làm xét nghiệm đầy đủ hơn. Đối tượng cần quan tâm nhất ở khu vực thành thị là những người dân di biến động, môi trường lao động nhập cư tự do…

Để giải quyết vấn đề này triệt để, lâu dài thì Bộ Y tế đang có chủ trương rất rõ là lồng ghép triệt để vào hệ thống y tế sẵn có, lồng ghép các dịch vụ về y tế, dân số, các hoạt động phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm, phong trào nông thôn mới… Như vậy, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tiến tới một số chiến dịch như phối hợp truyền thông, xét nghiệm với những khu vực vùng sâu vùng xa để người dân có thể hiểu và tiếp cận với dịch vụ.

Chủ đề của Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay là “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, xin ông cho biết chủ đề và mục tiêu có gì khác biệt so với năm trước?

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh: Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và bền vững với mong muốn tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, để những người phụ nữ nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, được điều trị sớm và điều trị đúng thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mong muốn loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Mục tiêu của chiến lược, chiến dịch của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con liên tiếp trong những năm gần đây đang hướng tới điều này, với chỉ tiêu đặt ra là 80% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV; 95% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị khi sinh và con của họ được điều trị; 90% phụ nữ nhiễm HIV được điều trị tiếp sau khi sinh, đặc biệt là tăng độ bao phủ để có thể đạt được mong muốn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con không có nghĩa là tuyệt đối không còn lây truyền, mà phấn đấu đạt được mức độ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống mức dưới 5%. Và chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn tiếp tục các hoạt động tiếp cận sớm, xét nghiệm sớm và điều trị sớm.

Thưa ông, xin ông cho biết những khó khăn và thuận lợi trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay?

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh: Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính nhân văn của chương trình này nên được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Đảng và Chính phủ, ngành y tế luôn sẵn sằng và nhiều người dân cũng đã có ý thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đây là chương trình dễ thực hiện, tuy nhiên, quan trọng vẫn là nhận thức, một bộ phận người dân chưa hiểu được lợi ích, giá trị của chương trình nên họ chưa tham gia, hoặc tham gia muộn.

Bên cạnh đó, kỳ thị và phân biệt đối xử là rào cản để những người nguy cơ cao không tiếp cận được với tư vấn, xét nghiệm nên họ đã không biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, độ bao phủ dịch vụ xét nghiệm còn chưa cao, còn trên 30% tình trạng phụ nữ mang thai không biết tình trạng nhiễm nên đã không được điều trị sớm.

Việc phát hiện muộn là khó khăn để đạt được mục tiêu trong chương trình này. Trong quy định, người phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được điều trị sớm 3 tháng đầu, điều trị khi sinh, điều trị sau sinh và điều trị cho con, nhưng có nhiều trường hợp khi đến sinh mới biết bản thân nhiễm HIV. Khi đó các bác sĩ đã tiến hành điều trị ngay nhưng kết quả đạt được không cao.

Ngoài ra, còn có tình trạng mất dấu sau khi sinh. Người phụ nữ nhiễm HIV sau khi sinh con ra phải tiếp tục được điều trị, con của họ cũng cần được điều trị nhưng do sợ kỳ thị, phân biệt đối xử nên đã tự ý bỏ, bị mất dấu điều trị, điều này cũng làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng các dịch vụ  về xét nghiệm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ những việc này, dần dần sự kỳ thị, phân biệt đối xử được giảm thì sẽ chương trình sẽ ngày càng hiệu quả và đạt kết quả cao hơn nữa.

Hiện nay nguồn lực cho công tác điều trị HIV/AIDS đang bị cắt giảm, việc cắt giảm này có ảnh hưởng đến hoạt động và mục tiêu của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như thế nào?

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh: Một trong những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt hiện nay, đó là nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm. Trong đó, có dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bộ Y tế đang trình chính phủ, lấy ý kiến của các bộ ngành để có những giải pháp tìm ra những nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung.

Riêng chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa bị nhiều ảnh hưởng. Thuốc điều trị thì đang sẵn có, khi các tổ chức quốc tế rút đi, với nguồn lực trong nước thì chúng ta vẫn có thể bảo đảm cho nguồn thuốc điều trị.

Về công tác xét nghiệm tình trạng nhiễm HIV của phụ nữ, hiện phần lớn người dân đang bỏ tiền ra để xét nghiệm HIV. Trước đây, có giai đoạn các chương trình dự án hỗ trợ cho các tỉnh trọng điểm, nhưng các tổ chức hỗ trợ dự án đã dần rút đi, người dân khi đi khám thai và khi sinh đã tự chi trả phần tiền xét nghiệm HIV.

Giải pháp chúng ta đang hướng tới là luật bảo hiểm được sửa đổi bổ sung thông qua, cho phép thanh toán chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ chi phí của bảo hiểm. Bên cạnh đó, chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm y tế để chi phí cho xét nghiệm HIV cũng được giảm. Tuy nhiên, chúng ta cần duy trì các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có, lồng ghép triệt để các dịch vụ y tế, tổ chức tư vấn xét nghiệm miễn phí tại các tuyến xã, huyện, tỉnh, các bệnh viện và cơ sở điều trị sẵn có.

Ngoài ra, cơ sở dự phòng cũng đang được xây dựng tương đối ổn, như vậy có thể khẳng định công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của chúng ta hiện nay là hoàn toàn yên tâm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top