Thừa nhận chuyển giới: Được nhiều, mất có là bao

21/01/2015 14:49

Không thừa nhận chuyển giới thì tư duy và nhận thức về vấn đề này sẽ cứ tồn tại như lâu nay, còn nếu thừa nhận, cái được sẽ rất lớn.

Phẫu thuật chuyển giới - Ảnh minh họa

Theo Bộ luật Dân sự hiện hành, việc xác định lại giới tính của một người chỉ được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Qua hơn 9 năm áp dụng (từ 2005 đến nay), quy định nêu trên đang tỏ ra bất cập.

Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi đang lấy ý kiến nhân dân, tại Điều 40 khoản 4 đưa ra 2 phương án:

Phương án 1 - Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới;

Phương án 2 - Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.

Vậy, để xem phương án nào phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta, xin phân tích để làm rõ những cái “được và mất” của 2 phương án trên.

Không thừa nhận việc chuyển giới

Từ trước đến nay, người Việt Nam thường cho rằng giới tính là do cha mẹ sinh ra, do tạo hóa ấn định, do đó không thể đi ngược lại với tạo hóa (cha mẹ sinh con, trời sinh tính). Người chuyển đổi giới tính thường bị kỳ thị trong dòng họ, trong gia đình và gây ra sự định kiến, xa lánh của xã hội.

Vì vậy, nếu pháp luật không thừa nhận việc chuyển giới thì tư duy và nhận thức về vấn đề này sẽ được “ngủ yên” và cứ tồn tại như lâu nay.

Nếu không thừa nhận việc chuyển giới thì nhiều công việc mới sẽ không phát sinh, đặc biệt là các cơ quan hành pháp sẽ không phải tốn công sức nghiên cứu để ban hành văn bản dưới luật đưa ra những giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định mới của pháp luật về chuyển đổi giới. Đồng thời, các vấn đề tiêu cực liên quan đến việc chuyển đổi giới tính có thể sẽ không phát sinh.

Tuy nhiên, khi pháp luật không thừa nhận việc chuyển giới thì đương nhiên tư duy cũ sẽ vẫn giữ thế độc tôn và nhận thức mới về vấn đề này sẽ không nảy sinh nữa. Trong khi đó, cuộc sống luôn luôn vận động và trong các thể chế dân chủ văn minh của xã hội loài người hiện nay, người ta đang chứng kiến có những thay đổi trong nhận thức về vấn đề chuyển đổi giới theo hướng pháp luật bảo vệ quyền chuyển đổi giới vì đó là quyền nhân thân của con người.

Vì vậy, nếu không thừa nhận, Việt Nam có thể rơi vào tình trạng tụt hậu về vấn đề này trong nhận thức và tư duy; cả trong đời sống xã hội và đời sống pháp luật. Đồng thời sẽ tạo ra những khoảng trống và sự khác biệt trong pháp luật của Việt Nam về vấn đề chuyển đổi giới. Pháp luật nhiều nước phát triển trên thế giới (như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Nhật Bản) và cả các nước đang phát triển trong khu vực (như Thái Lan, Singapore, Philippines...) đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính.

Nếu không thừa nhận thì những người có nhu cầu chuyển đổi giới, vốn là bên yếu thế trong xã hội, sẽ không được pháp luật bảo vệ. Những người có nhu cầu chuyển đổi giới chỉ chiếm số ít trong xã hội. Tuy số liệu chưa đầy đủ, nhưng theo thống kê, trên thế giới có khoảng hơn 1% dân số có nhu cầu này. Việt Nam hiện chưa có số liệu về đối tượng này nhưng trong thực tế, nhu cầu chuyển giới đang hình thành và gia tăng.

Tâm sinh lý của con người không do con người quyết định, vì vậy mong muốn được chuyển đổi giới để tạo cho mình một cuộc sống phù hợp với cấu tạo và tâm sinh lý hiện có là nhu cầu chính đáng là quyền nhân thân của họ.

Nguyên tắc quan trọng nhất và là nền tảng của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường là hệ thống pháp luật hướng về bảo vệ quyền và lợi ích của bên thiểu số, của bên yếu thế hơn. Do đó, nếu pháp luật nước ta không bảo vệ những cá nhân này, pháp luật nước ta sẽ tạo ra sự bất bình đẳng và sẽ mất tính ưu việt.

Thừa nhận việc chuyển giới

Nếu pháp luật cho phép cá nhân chuyển giới, những cái mất sẽ không nhiều (có chăng là sẽ mất đi những tư duy cũ về vấn đề này). Ngược lại, những cái được sẽ rất lớn. Đó là, cả xã hội sẽ nhìn nhận vấn đề chuyển giới tích cực hơn, sự kỳ thị và định kiến đối với họ rồi sẽ không còn.

Kết quả là sẽ tạo ra được môi trường xã hội tích cực, giúp cho những người chuyển giới tự tin, yên tâm và tin tưởng vào chế độ ưu việt của Nhà nước ta và từ đó giúp họ quyết tâm đóng góp sức lao động để xây dựng cuộc sống, xây dựng gia đình và xã hội.

Về mặt kinh tế, tình trạng “chảy máu tiền tệ” sẽ được ngăn chặn, bởi vì những người chuyển giới sẽ yên tâm thực hiện việc này tại các bệnh viện trong nước và Việt Nam sẽ có những bệnh viện với những trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ các bác sĩ giỏi về lĩnh vực này. Đây cũng là một kênh thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài để hiện đại hóa bệnh viện.

Nếu pháp luật thừa nhận việc chuyển giới trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì có nghĩa là pháp luật Việt Nam đã mở rộng quyền nhân thân của cá nhân, sẽ không còn sự phân biệt đối xử với những người này và pháp luật thật sự bảo vệ quyền lợi cho một số ít là các cá nhân đang ở vào thế yếu.

Điều này cũng có nghĩa là các nguyên tắc quy định tại Điều 3: “Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người..., mọi người có điều kiện phát triển toàn diện” và tại Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” của Hiến pháp năm 2013 sẽ được cụ thể hóa và sẽ được áp dụng thật sự trong cuộc sống.

Về mặt quản lý, các cơ quan của Nhà nước, sẽ trở nên năng động hơn, tích cực hơn vì sẽ có rất nhiều việc phải làm, như sẽ phải nghiên cứu để xây dựng chính sách đối với việc chuyển giới; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về chuyển giới; xây dựng thủ tục chuyển đổi chứng minh thư, các giấy tờ có liên quan cho người chuyển giới...

Trên cơ sở phân tích về những cái được và mất theo 2 phương án trên, rõ ràng thực hiện theo phương án 2 sẽ mất ít hơn và được nhiều hơn.
Top