Thế nào là người bán dâm hoàn lương?

16/10/2014 16:04

Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương là một cú huých để các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân tạo điều kiện giúp đỡ, giảm kỳ thị với nhóm người này.

Tuy nhiên, tại Hội thảo triển khai Quyết định 29 do Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn với việc làm thế nào để chứng minh một cô gái bán dâm đã hoàn lương và không hành nghề nữa, để có thể đáp ứng được yêu cầu vay vốn.

Ảnh minh hoạ

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, về quan điểm thì mại dâm hoàn lương là người đã từ bỏ hoạt động mại dâm để quay trở lại với cuộc đời lương thiện và xã hội chỉ giang tay giúp đỡ đối với những người thực sự mong muốn lương thiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong các mô hình thí điểm hiện nay, đang tạm thời chấp nhận quan điểm khác trong vấn đề hỗ trợ hòa nhập: khi thực hiện can thiệp hỗ trợ hòa nhập, không đặt vấn đề bắt buộc từ bỏ hoạt động mại dâm, mà cung cấp các điều kiện, cơ hội sinh kế để người mại dâm tự quyết định từ bỏ, và có điều kiện để từ bỏ.

Quyết định số 679/TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, phần III-Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình, trong Nhiệm vụ 4 “xây dựng xã phường lành mạnh, không có tệ nan mại dâm, phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội” quy định; “Lồng ghép các chương trình kinh tế xã hội có liên quan với công tác phòng chống tệ nạn mại dâm; xây dựng quỹ hỗ trợ xã hội, hỗ trợ vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm cho người bán dâm”.

Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường các nhiệm vụ và giải pháp phòng chống mại dâm trong tình hình hiện nay, trong nội dung 4 của Phần I “Nhiệm vụ và giải pháp” đã chỉ đạo “Xây dựng các mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ... kỹ năng sống, trợ giúp xã hội, hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững”.

Căn cứ vào các quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ và ý nghĩa của chương trình phòng chống mại dâm thì người bán dâm “hoàn lương” được vay vốn là: Người đã từ bỏ hành vi bán dâm hoặc người thực sự mong muốn từ bỏ hoạt động mại dâm (thực tế đã cơ bản không còn bán dâm) có nguyện vọng vay vốn làm ăn để thay đổi hành vi, ổn định cuộc sống.

Do đó, theo ông Hiền, để quyết định mang lại hiệu quả thiết thực, người bán dâm hoàn lương cần phải “dũng cảm” đứng lên vay vốn. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm tại UBND cấp xã và Ngân hàng chính sách xã hội phải có thái độ, ứng xử đúng mực, giữ gìn thông tin, thực sự quan tâm đến những người này, giúp họ đỡ mặc cảm. Quan trọng hơn cả là tuyên truyền để giảm kỳ thị trong xã hội.

Top