Tháo gỡ rào cản trong phòng, chống HIV/AIDS

07/11/2011 16:53

Một trong những rào cản khiến việc phòng, chống HIV/AIDS chưa đạt hiệu quả mong muốn chính là sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người có liên quan vẫn còn nặng nề.

Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV/AIDS gây ra (tự kỳ thị) vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, dù ở bất cứ đâu và dù bị lây nhiễm HIV vì bất cứ lý do nào thì nếu không được xã hội tạo môi trường thuận lợi, những người nhiễm HIV thường phải dấu diếm, lẩn trốn khỏi cộng đồng.
Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là bất cứ một hành vi hoặc hành động xa lánh, thiếu tôn trọng, phân biệt, trừng phạt, phỉ báng và hạn chế quyền của người nhiễm HIV/AIDS. Có hai loại phân biệt đối xử thường gặp:

- Phân biệt đối xử tùy tiện (thiếu căn cứ, thiếu suy xét) thường là hành vi có tính tự phát dựa trên sự nhận thức, phán xét của cá nhân và cộng đồng.

- Phân biệt đối xử hợp lệ (phân biệt đối xử thể chế) là hành vi được hình thành do các quy định trong văn bản pháp luật, chính sách, hoặc những quy định của các cơ quan hoặc cộng đồng.

Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác và làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được chăm sóc tốt. Nếu phải chịu sự kỳ thị-phân biệt đối xử thì người bệnh gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ cần có và quyền được kéo dài thời gian sống khỏe mạnh.

Dưới góc độ bình đẳng giới, phụ nữ nhiễm HIV thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử hơn nam giới do nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu vẫn qua đường tiêm chích ma tuý và hành nghề mại dâm nên những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh. Trong thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm từ chồng, từ người yêu của mình. Hơn nữa, người phụ nữ mặc dù nhiễm HIV vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con, chính vì vậy, hậu của của sự kỳ thị, phân biệt đối xử còn đẩy họ và gia đình suy sụp nhanh hơn

Chiến lược quốc gia Phòng, chống AIDS của Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2010 phấn đấu để 90% người lớn nhiễm HIV, 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV, 100% trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV được quản lý, điều trị, chăm sóc và tư vấn thích hợp cũng như 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng các thuốc điều trị đặc hiệu.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã xác định các hoạt động ưu tiên đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới là tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, phối hợp các chương trình khác để ngăn ngừa, giảm, thiểu lây nhiễm HIV/AIDS; đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại; tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS; tăng cường năng lực bao gồm cả quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình.

Theo đó, chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về HIV/AIDS để giảm kỳ thị- phân biệt đối xử, nhất là làm rõ tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường thực thi pháp luật về HIV/AIDS và đề ra các chế tài xử lý nạn kỳ thị-phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS song song với tăng cường và mở rộng các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, đặc biệt là các hoạt động có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao, những người có uy tín, những người nổi tiếng cũng như hỗ trợ việc nhân rộng các mô hình hoạt động có sự tham gia của người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, cải thiện hình ảnh của người nhiễm HIV.

Định hướng hoạt động này cho thấy, chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong phòng, chống HIV/AIDS rất cần đến các giải pháp truyền thông phù hợp, thích ứng để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.

Để làm được điều này, trước hết cần đổi mới tư duy về truyền thông. Đó là: Chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn. Chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây. Chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông. Chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng. Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường; giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế-xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn; tránh các từ ngữ, lời nói, hình ảnh... có tính hù dọa, gây hoảng sợ trong dân chúng; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về HIV/AIDS, nhất là các quy định về chống kỳ thị,phân biệt đối xử.

Từ đó, phương pháp truyền thông sẽ được đổi mới với những công việc cụ thể như rà soát, kiên quyết thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có nội dung hù dọa hoặc gây nhầm lẫn HIV/AIDS với tệ nạn xã hội. Biên soạn lại các tài liệu, ấn phẩm truyền thông theo hướng loại bỏ các nội dung có thể dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử.
Đa dạng hóa các phương pháp truyền thông. Lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV đồng thời tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc và tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về các hoạt động này.
Tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của người nhiễm HIV/AIDS, sự đóng góp của họ đối với cộng đồng và gia đình. Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS...

Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những con đường dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS mà còn chỉ ra những việc làm, những hành vi an toàn khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đồng thời tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Khi ấy, mọi người sẽ cùng nhau làm việc vì người nhiễm HIV như vì những người bệnh khác mà không phụ thuộc vào hành vi nào đã dẫn đến sự lây nhiễm HIV của họ. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ chiến thắng được sự sợ hãi và tìm ra được những giải pháp có hiệu quả để đối phó với căn bệnh thế kỷ này.

Top