Thanh Hóa: Chú trọng những giải pháp can thiệp hiệu quả

21/07/2015 18:14

Thanh Hóa là một trong những tỉnh phát hiện số người nhiễm HIV cao trên toàn quốc, lại gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, với những chiến lược ưu tiên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này, giúp giảm giảm thiểu số người nhiễm HIV trong những năm gần đây.

Phóng viên Trang tin Tiếng Chuông đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Bá Cẩn - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa về những giải pháp hiệu quả của tỉnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa Nguyễn Bá Cẩn - Ảnh: Thùy Chi

PV: Xin ông cho biết những giải pháp can thiệp hiệu quả đã giúp tỉnh có xu hướng giảm HIV/AIDS và số tử vong do AIDS trong những năm gần đây?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn: Đặc biệt trong 6 năm gần đây, tình hình dịch HIV có xu hướng giảm cả về HIV/AIDS và số tử vong sau khi có những can thiệp mạnh vào các điểm nóng đặc biệt như thành phố Thanh Hoá, huyện Mường Lát, Quan Hoá.

Qua giám sát trọng điểm, 4 năm gần đây tỉ lệ nhiễm HIV có xu hướng giảm rõ rệt trong nhóm nghiện chích ma túy, tuy nhiên chưa có xu hướng giảm nhất quán trong nhóm phụ nữ mại dâm.

Các ca nhiễm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi 20-39 chiếm hơn 80%; lây nhiễm chủ yếu qua đường máu chiếm trên 60%; tập trung ở nhóm người nghiện chích ma túy trên 60%, chủ yếu phân bổ chính ở nam giới.

Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn 27 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình đối tượng nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, người nhiễm HIV/AIDS ở từng nhóm huyện để tỉnh chú trọng can thiệp các chương trình khác nhau.

Trong giai đoạn 2006-2012, tỉnh tập trung mạnh mẽ vào các chương trình can thiệp dự phòng, cụ thể là chương trình truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS, chương trình can thiệp giảm tác hại và chương trình tư vấn xét nghiệm HIV.

Chương trình truyền thông được tỉnh triển khai ở tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh qua cả kênh truyền thông trực tiếp đến cộng đồng dân cư, người có hành vi nguy cơ cao và qua cả kênh truyền thông gián tiếp qua loa đài phát thanh phát tin, bài, các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS. Mỗi năm, hàng trăm nghìn lượt người đã được truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Chương trình can thiệp cấp bơm kim tiêm sạch miễn phí được triển khai tích cực ở 16 huyện điểm nóng của tỉnh, nơi có nhiều đối tượng nghiện chất ma túy như thành phố Thanh Hóa, huyện Mường Lát, huyện Quan Hóa, huyện Thọ Xuân, huyện Quảng Xương….; Chương trình can thiệp cấp bao cao su miễn phí cho phụ nữ bán dâm ở các huyện có hoạt động du lịch, khu kinh tế như Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Tĩnh Gia, thành phố Thanh Hóa. Hàng năm, tỉnh cấp phát hơn 1 triệu bơm kim tiêm sạch cho hơn 5.000 người nghiện chích ma túy và hơn 100.000 ngàn bao cao su cho phụ nữ bán dâm thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV.

Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện là một trong những kênh báo cáo phát hiện người nhiễm HIV/AIDS mới hỗ trợ cho công tác giám sát phát hiện ca bệnh và chuyển gửi điều trị ARV tại tỉnh Thanh Hoá. Hàng năm tỉnh tư vấn xét nghiệm cho hơn 10.000 lựơt người có hành vi nguy cơ cao, phát hiện hơn 500 lượt người nhiễm mỗi năm và hàng trăm người nhiễm HIV/AIDS được chuyển gửi điều trị ARV.

Trong giai đoạn 2012 đến nay, tỉnh duy trì hoạt động can thiệp và đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt tăng cường hoạt động này xuống tận xã, phường, thị trấn.

Hiện nay hoạt động can thiệp duy trì ở 2 hình thức: cấp bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy và điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tính đến tháng 5/2015, 12 cơ sở và điểm uống Methadone toàn tỉnh đang điều trị cho 2.315 người nghiện chích ma túy, trong đó phải kể đến điểm uống Methadone ở xã Thành Sơn huyện miền núi Quan Hóa đã thu hút rất nhiều người nghiện chích ma túy tham gia chương trình. 

Chương trình tư vấn chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS được tăng cường trong giai đoạn này. Ngoài tư vấn xét nghiệm HIV cố định, mô hình xét nghiệm HIV lưu động xuống xã đã được đưa vào triển khai. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Bên cạnh điều trị ARV cho người nhiễm HIV ở 11 phòng khám ngoại trú, tỉnh đã triển khai thêm mô hình điều trị 2.0 - cấp thuốc ARV tại xã, phường, thị trấn. Đây đang là mô hình mà tỉnh triển khai đặc biệt có hiệu quả và đang được đề xuất nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh.

PV: Hiện Thanh Hóa là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trong cả nước đang triển khai mô hình điều trị 2.0. Ông có thể cho biết cụ thể về mô hình điều trị 2.0 đang được triển khai tại tỉnh?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn: Mô hình điều trị 2.0 được triển khai thí điểm tại Thanh Hóa từ tháng 6/2014, mô hình đã đem lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV giúp đưa chương trình xét nghiệm, các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tới cộng đồng, đặc biệt là ở tuyến xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn trong tỉnh.

Sau hơn 6 tháng triển khai, đã có gần 300 bệnh nhân được ưu tiên chỉ định điều trị phác đồ viên kết hợp và nhận thuốc tại xã, phường; có 1.114 ca xét nghiệm HIV trong đó phát hiện 15 ca HIV dương tính và đã chuyển sang điều trị ARV.

Ngoài ra, mô hình đã chứng minh tính khả thi của việc phân cấp và lồng ghép các dịch vụ HIV bao gồm: tư vấn xét nghiệm HIV, cấp thuốc và theo dõi điều trị ARV. Tại trạm y tế xã phường, tính bền vững của chương trình đã được bệnh nhân đánh giá cao sự thuận tiện trong việc xét nghiệm và điều trị.

Việc chẩn đoán HIV sớm bằng các xét nghiệm nhanh cũng đã tạo điều kiện cho người bệnh sớm biết được kết quả và có cơ hội dễ dàng kết nối với việc đăng ký quản lý nguồn lây. Ngoài ra, người bệnh sẽ có cơ hội điều trị ARV sớm, giúp cho công tác dự phòng có hiệu quả.

Mô hình 2.0 tại các xã, phường cũng giảm đáng kể sự e ngại cho người dân khi phải đến khám. Việc xét nghiệm, sàng lọc và trả kết quả cũng diễn ra trong ngày và ngay tại địa phương. Đặc biệt, tại 12 xã được thụ hưởng từ triển khai mô hình thí điểm của 2 huyện biên giới Mường Lát, Quan Hóa, đã ghi nhận số người nghiện ma túy, phụ nữ có thai, người có vợ hoặc chồng nhiễm HIV… tự nguyện đến xét nghiệm HIV đã tăng lên đáng kể.

Mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0 đang đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh HIV, nhất là việc giúp họ giảm được các chi phí và thời gian đi lại. Bên cạnh đó, do được phân cấp tới hệ thống y tế cơ sở nên mô hình điều trị HIV 2.0 đã phát huy rất tốt hiệu quả việc quản lý và điều trị đối với các bệnh nhân nhiễm HIV, đặc biệt là đối với trường hợp bà mẹ mang thai nhiễm HIV.

Với sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, vật tư và tài chính của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến tháng 5/2015, toàn tỉnh điều trị cho 2.635 người nhiễm HIV/AIDS tại 11 phòng khám ngoại trú, trong đó bao gồm 328 người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị theo mô hình điều trị 2.0 tại 19 xã thuộc 3 huyện Quan Hóa, Mường Lát và thành phố Thanh Hóa.

PV: Xin ông cho biết tỉnh Thanh Hóa hiện đang gặp những khó khăn, hạn chế gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn: Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, với 27 huyện, thị, thành phố trong đó có đến 11 huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nhiều xã xa trung tâm huyện đến hơn 50 km, trình độ dân trí của người dân còn chưa cao, việc tiếp cận với dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn chưa thuận lợi.

Trong thời gian qua, mặc dù Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều biện pháp can thiệp ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao như truyền thông, tư vấn cố định, tư vấn lưu động, cung cấp bơm kim tiêm sạch, tiếp thị bao cao su, điều trị ARV và mới đây là điều trị thay thế nghiện chích các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone… Các biện pháp đã hạn chế được người nhiễm HIV/AIDS, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề đầy thách thức với công tác phòng chống HIV tỉnh Thanh Hóa bởi hiện nay có đến 562/637 xã phát hiện người nhiễm HIV với số lượng 6.883 người.

Đáng báo động là đa số đối tượng nhiễm HIV là người trẻ tuổi, độ tuổi trung bình là 20-39 tuổi. Trong đó, con đường lây nhiễm chính vẫn là đường máu, đặc biệt là việc lây nhiễm HIV qua tiêm chích vẫn là nhóm cao nhất.

Trong khi đó, nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức quốc tế đang thu hẹp dần về quy mô và thời gian triển khai, khiến cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa trong thời gian tới. Vấn đề này kéo theo nguồn cung cấp về thuốc điều trị Methadone, điều trị ARV bị bỏ ngỏ khi các dự án kết thúc.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị của xã hội kể cả ở các trường học, cơ sở y tế đối với người nhiễm HIV là rào cản lớn đối với chương trình phòng chống HIV. Ngoài ra, vấn đề kinh phí để duy trì hoạt động phòng chống HIV cũng là thách thức lớn trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung cho hoạt động gì?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn: Để duy trì những kết quả đạt được, đồng thời giải quyết những khó khăn, hạn chế, trong thời gian tới Thanh Hóa tập trung vào các hoạt động truyền thông. Cụ thể, đổi mới phương pháp truyền thông, ưu tiên truyền thông trực tiếp gắn với các dịch vụ đang cung cấp tại xã phường về tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, điều trị ARV, điều trị thuốc Methadone…

Bên cạnh đó, tăng cường tiếp cận thực hiện can thiệp giảm hại bao gồm: trao đổi bơm kim tiêm sạch, bao cao su, mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone

Tăng cường tiếp cận tư vấn và điều trị ARV, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đặc biệt, trong năm 2015, tỉnh chú trọng triển khai 21 cơ sở điều trị Methadone với chỉ tiêu đạt 3.500 người nghiện ma túy được điều trị Methadone.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS can thiệp ưu tiên ở tuyến xã với các dịch vụ: xét nghiệm HIV, tư vấn HIV lưu động, mở rộng điều trị ARV, cấp phát thuốc Methadone tại xã.

Thực hiện hiệu quả kế hoạch bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, tăng cường hợp tác chuyển giao kỹ thuật công nghệ, thu hút nguồn lực hợp tác quốc tế cho công tác phòng, chống HIV tại Thanh Hóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top