Thách thức lớn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

05/01/2012 18:49

Ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài trợ nước ngoài do kinh phí Trung ương và địa phương đầu tư còn hạn chế.Vậy khi thoát khỏi tình trạng nước nghèo, nguồn viện trợ này sẽ bị cắt giảm, làm gì để huy động nguồn lực đảm bảo tính bền vững của chương trình?

Báo cáo phân tích tính bền vững của chương trình HIV/AIDS tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế công cộng và Tổ chức Abt Associates Inc thực hiện, cam kết hỗ trợ ngân sách từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ giảm mạnh trong giai đoạn 2011- 2015. Một tổ chức luôn hỗ trợ kinh phí lớn nhất cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là Tổ chức PEPFAR (President’s Emergency Plan For AIDS Relief), cũng dự kiến cắt giảm mức hỗ trợ khoảng 10 triệu USD/năm. Cụ thể, năm 2011 PEPFAR hỗ trợ Việt Nam hơn 82 triệu USD, nhưng tới năm 2015 dự kiến chỉ còn khoảng 40 triệu USD. Ước tính đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu hụt gần 150 triệu USD/năm để phòng, chống HIV/AIDS.

Thực tế cho thấy, nguồn lực tài chính trong 5 năm qua mới chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS và trong 5 năm tới cũng vậy. Nguồn lực này cũng không mang tính bền vững cao khi có đến 73% là từ viện trợ quốc tế, chỉ có 13% từ ngân sách nhà nước. Dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người nhiễm HIV, trong đó có 140.000 người cần được điều trị bằng thuốc ARV (gấp gần 3 lần số người đang được điều trị ARV) trong khi đó, khả năng nguồn viện trợ quốc tế sẽ giảm chỉ còn bằng 1/2 mức hỗ trợ kinh phí như hiện nay.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc duy trì nguồn lực trong nước cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cần được quan tâm sớm và có giải pháp phù hợp. Mặc dù tiếp tục xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS song dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn trong giai đoạn tập trung và tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ bùng phát nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Tính đến hết 30/9/2011, cả nước hiện có 193.350 người nhiễm HIV, trong đó có 47.030 bệnh nhân AIDS và đã có 51.306 người tử vong do HIV/AIDS. Trong 9 tháng đầu năm 2011, số trường hợp nhiễm HIV ở nước ta là 9.121 người, trong đó có 3.723 bệnh nhân AIDS và 1.394 trường hợp tử vong. Số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên.

Qua các năm, ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tăng lên liên tục, các địa phương đã quan tâm đầu tư vốn đối ứng song chưa đáp ứng nhu cầu của hoạt động này. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã cho rằng, hiện nay giai đoạn Việt Nam bắt đầu bước vào nước thu nhập trung bình, nhưng 10 năm nữa thì Việt Nam cũng chỉ là một nước thu nhập trung bình. Do vậy, nguồn lực nói chung và nguồn lực cho HIV/AIDS sẽ tiếp tục là thách thức lớn khi một số dự án, chương trình bị cắt giảm dần.

Tại Hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS mới đây, cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao và cam kết nỗ lực cùng Việt Nam trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS song thách thức đối với Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng vẫn còn rất lớn. Một số giải pháp cho thiếu hụt nguồn lực của công tác này đã được đưa ra như tăng đầu tư của ngân sách nhà nước, tăng viện trợ nước ngoài, tăng cường xã hội hóa, xác định các biện pháp can thiệp ưu tiên trong điều trị… nhưng dường như chưa thật sự tối ưu. Để kiểm soát thành công dịch HIV/AIDS, ngoài các chương trình hành động cụ thể, huy động cộng đồng và phối hợp liên ngành, việc tăng đầu tư ngân sách trong nước trong giai đoạn tới là một nhu cầu cấp thiết, rất cần được ưu tiên. Hiện Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, Ngành liên quan, các doanh nghiệp xây dựng đề án thu hút nguồn lực đảm bảo tính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020 để từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Top