Tạo môi trường thân thiện để người nghiện yên tâm điều trị

05/02/2019 08:52

Những năm gần đây, tình hình sử dụng ma túy ở Việt Nam đang có diễn biến vô cùng phức tạp và gây ra những hậu quả nặng nề. Trong cuộc chiến chống ma túy, công tác cai nghiện là yếu tố quan trọng và các cơ sở cai nghiện ma túy đang là lực lượng giữ vai trò chủ đạo của công tác cai nghiện.

 

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương chia sẻ những tâm tư với các học viên-Ảnh: Thu Thảo

Thời gian vừa qua, Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương là đơn vị có nhiều đổi mới trong công tác cai nghiện ma túy và đạt được nhiều thành công đáng kể. Những thành công ấy có được là nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Hải Dương, Sở LĐTBXH Hải Dương và sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ Cơ sở. Nếu ví Cơ sở như một con thuyền trên con đường đưa học viên thoát khỏi cám dỗ của ma túy thì học viên chính là hành khách, cán bộ Cơ sở là nhân viên và Giám đốc Cơ sở chính là thuyền trưởng trên con thuyền ấy. Với nhiệm vụ được giao là Giám đốc của Cơ sở Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương, ông Vũ Thành Phương chính là “người thuyền trưởng” của Cơ sở Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương.

Trong những ngày giáp Tết âm lịch 2019 này, chúng tôi đã được ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương chia sẻ về tâm huyết với nghề và tình hình hoạt động của Cơ sở.

Xin ông cho thực trạng hiện nay của Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương?

Ông Vũ Thành Phương: Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương có trụ sở tại Khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa,  thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, trên diện tích 17 ha với cảnh quan xanh, sạch, khuôn viên rộng lớn, yên tĩnh, không khí thoáng mát trong lành. Hiện chúng tôi có 1 khu hành chính, 1 khu nhà công vụ, 1 khu y tế và 3 đội. Mỗi đội đều có bếp ăn cán bộ, bếp học viên, phòng y tế, nhà thể hình và sân hoạt động thể dục thể thao.

Hiện Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương đang quản lý 309 học viên, trong đó 156 học viên bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện theo quyết định của Tòa án và 153 học viên điều trị cai nghiện tự nguyện. Thời gian điều trị của học viên cưỡng chế từ 12 đến 24 tháng theo quyết định của tòa án. Thời gian điều trị của học viên cai nghiện tự nguyện là 6 đến 12 tháng, tùy thuộc vào tình hình tư tưởng sức khỏe và nguyện vọng của học viên.

Trong 309 học viên thì có 303 học viên nam và 6 học viên nữ. Độ tuổi các học viên từ 16 đến 58 tuổi, nhưng đa số từ 20 đến 35 tuổi.

Học viên được quản lý tại 3 đội riêng biệt, mỗi đội có từ 2 đến 4 lớp nhỏ, mỗi lớp có từ 20 đến 63 học viên, riêng lớp nữ có 6 học viên.

Khi vào Cơ sở, hầu hết học viên mắc nhiều bệnh xã hội, bệnh cơ hội như HIV/AIDS, lao, viêm gan, … đặc biệt khi mới vào thể trạng gầy yếu, mỏi mệt, tâm lý tiêu cực manh động bất thường.

Và đa phần học viên là dân anh chị, đầu gấu đại bàng, hung hăng, sống bất cần đời, không sợ ai, bị gia đình và xã hội xa lánh ghét bỏ, không quan tâm.

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương hoạt động thể lực cùng các học viên-Ảnh: Thu Thảo

Ông có thể cho biết, khi học viên vào cơ sở, thì họ sẽ được cai nghiện theo những giai đoạn nào?

Ông Vũ Thành Phương: Thực hiện theo Thông tư số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT, chúng tôi thực hiện cai nghiện cho các học viên gồm 4 giai đoạn. Đó là giai đoạn tiếp nhận, phân loại (chúng tôi tư vấn kỹ lưỡng cho học viên và gia đình biết và nắm chắc các thông tin về Cơ sở); giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội (chúng tôi thực hiện thời gian từ 10 đến 30 ngày tùy theo thể trạng sức khỏe từng người. Có cán bộ y tế thường xuyên chăm sóc theo dõi 24/24 để nắm bắt diễn biến sức khỏe và tư tưởng học viên để có những điều chỉnh kịp thời).

Giai đoạn thứ 3 là giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách. Trong gia đoạn này, chúng tôi tổ chức lớp Hậu cắt cơn nhằm giảng dạy nội quy, quy chế, các quy định, cách phòng tránh bệnh, bảo vệ giữ gìn sức khỏe cho tất cả học viên trước khi lên lớp. Thời gian học tập 5 ngày. Sau đó, chúng tôi duy trì chế độ chào cờ sáng thứ 2 đầu tuần nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, uốn nắn những hành vi lệch chuẩn, các biểu hiện tiêu cực và biểu dương người tốt, việc tốt.

Đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban 30 phút buổi sáng hàng ngày tại các lớp lồng ghép nội dung giáo dục giá trị sống; phân công cán bộ phụ trách tư vấn hỗ trợ tâm lý tư tưởng cho học viên tại các đội trực tiếp gặp gỡ tư vấn trao đổi giải đáp các thắc mắc của học viên giúp họ giải tỏa tâm lý. Có thể liên hệ trao đổi với gia đình học viên để nắm bắt tư tưởng học viên. Và cuối cùng là tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao, sinh hoạt nhóm với các chủ đề lành mạnh nhằm thay đổi nhận thức hành vi của học viên giúp họ yên tâm chữa bệnh, học tập và lao động.

Trong giai đoạn 4, chúng tôi thực hiện phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bằng cách cung cấp trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tái nghiện cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Định kỳ hàng tháng gọi điện liên hệ với gia đình học viên để nắm bắt tình hình và có những can thiệp giúp đỡ kịp thời nhằm giảm nguy cơ học viên tái nghiện.

Trong quá trình cai nghiện, chúng tôi cho học viên lao động 5 ngày trong tuần, thứ 7, chủ nhật được nghỉ ngơi. Các sản phẩm mà học viên làm sẽ tùy khả năng sức khỏe của mỗi người. Mục đích của lao động để giúp học viên hiểu và quý trọng giá trị lao động. Hiện tại có nghề thủ công làm nơ thiếp, làm giấy vàng mã, làm hương, tăng gia chăn nuôi và trồng trọt.

Học viên sinh hoạt trong lớp mỗi người có giường ngủ riêng, được xem ti vi màn hình phẳng đầu thu K , chế biến đồ ăn thêm được dùng bếp ga, được phục vụ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu mà cơ sở không cấm. Hàng tuần được uống nửa lít bia vào chiều ngày thứ 2, được ăn tươi vào thứ 5. Được thăm gặp gia đình với nhiều hình thức gián tiếp, trực tiếp hoặc thăm gặp hạnh phúc.

Chúng tôi có đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm, yêu nghề, nhiệt tình trong công việc. Nắm bắt và hiểu tâm lý người nghiện…

Các học viên được khám sức khỏe thường xuyên-Ảnh: Thu Thảo

Được biết theo tiêu chí chung, trong thời gian tới, các cơ sở cai nghiện sẽ được quy hoạch và thực hiện nhằm giảm cai nghiện bắt buộc, tăng người cai nghiện tự nguyện, phát triển dịch vụ điều trị, mạng lưới chăm sóc người nghiện tư nhân tại gia đình và cộng đồng. Vậy với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương thì sao, thưa ông?

Ông Vũ Thành Phương: Được sự chỉ đạo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Dương, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện, Lãnh đạo Cơ sở xác định trọng tâm của công tác cai nghiện trong giai đoạn mới là tập trung đổi mới công tác cai nghiện tự nguyện, từng bước giảm dần cai nghiện bắt buộc; muốn làm tốt công tác cai nghiện trước hết phải thay đổi nhận thức của cán bộ, người lao động đối với học viên, chuyển từ đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ.

Từ đó, mỗi cán bộ của Cơ sở đều hiểu được rằng: Mấu chốt của công tác cai nghiện là chăm sóc học viên, tạo ra môi trường chữa bệnh thân thiện, hiệu quả để học viên an tâm chữa bệnh.

Với quan điểm ấy, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong công tác chăm sóc, giáo dục học viên nhằm tạo ra môi trường tốt nhất để học viên điều trị.

Các hoạt động nổi bật của có thể kể đến là chúng tôi thành lập lớp xóa mù chữ, lớp hậu cắt cơn, lớp tích cực, xây dựng đường dây nóng 24/24h hỗ trợ tư vấn cho học viên và gia đình….

Hiện Cơ sở đã và đang xây dựng các chương trình, hoạt động mới phục vụ cho công tác cai nghiện ngày càng tốt hơn nữa.

Xin ông cho biết những kết quả đạt được ở Cơ sở trong thời gian qua?

Ông Vũ Thành Phương: Kết quả đầu tiên mà chúng tôi đạt được là sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm, thái độ tiếp cận, phục vụ, với người nghiện ma túy của chính cán bộ Cơ sở. Sau thời gian chỉ đạo, quán triệt thay đổi quan điểm, phương pháp cai nghiện của ban lãnh đạo, tất cả cán bộ viên chức, người lao động Cơ sở đã nghiêm túc thực hiện, tích cực trong tiếp nhận, tìm hiểu, học tập kiến thức mới trong công tác.

Cơ sở đã điều trị cho hàng nghìn lượt học viên đến điều trị cai nghiện. Trong đó có nhiều người đã cai nghiện thành công. Đã giúp cho nhiều học viên có sức khỏe, nghị lực, lòng quyết tâm để vượt lên chính mình để làm lại cuộc đời. Nhiều học viên và gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay nhiều người biết và tìm đến Cơ sở để xin cai nghiện tự nguyện.

Riêng đối với năm 2018, Cơ sở đã quản lý, tư vấn, giáo dục, chữa trị cai nghiện cho hơn 600 lượt học viên, trong đó tiếp nhận điều trị cho 270 lượt học viên cai nghiện tự nguyện, 140 lượt học viên cưỡng chế.

Cơ sở nhận được sự phản hồi rất tốt từ nhân dân về thái độ phục vụ, về công tác tiếp nhận, chữa trị học viên cai nghiện ma túy.

Các học viên được đào tạo nghề để hiểu được sự quý giá trong lao động-Ảnh: Thu Thảo

Vậy còn những khó khăn thách thức của Cơ sở trong công tác điều trị ma túy?

Ông Vũ Thành Phương: Thứ nhất, quan điểm, phương pháp cai nghiện mới đề cao và chú trọng phương pháp điều trị bằng tâm lý. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ Cơ sở còn thiếu những người được đào tạo chuyên sâu về tư vấn, tham vấn tâm lý, công tác xã hội. Cơ sở vật chất nhiều chỗ đã xuống cấp, chưa kịp sửa chữa, chưa đầy đủ.

Thứ hai, tình hình tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp, các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, tỉ lệ học viên sử dụng ma túy đá với những tổn thương nặng nề về thần kinh ngày càng tăng gây khó khăn trong quá trình phối hợp điều trị.

Thứ ba, trong dư luận xã hội còn tồn tại những nghi nghờ về hiệu quả của các cơ sở cai nghiện gây khó khăn cho Cơ sở trong quá trình tiếp cận người nghiện.

Ngoài ra còn một số vấn đề khác như tư tưởng tâm lý học viên: không ổn định, manh động bất thường, nặng nề, tiêu cực. Nhiều gia đình bỏ bê không quan tâm động viên, đặc biệt là học viên cưỡng chế. Chế độ của cán bộ thấp, ứng trực nhiều.

Làm việc trong môi trường đặc biệt với những học viên đặc biệt, ông có trăn trở điều gì không?

Ông Vũ Thành Phương: Ở Cơ sở, chúng tôi được học viên gọi là thầy, cô. Cũng như bao người thầy khác, chúng tôi mong muốn học viên của mình học tập thành công, cũng yêu thương, trân trọng “học trò”. Dù ở bên ngoài xã hội học viên là người như thế nào đi nữa thì khi vào Cơ sở họ đều là học viên của chúng tôi, là những người cần chúng tôi giúp đỡ chống lại ma túy, làm lại cuộc đời.

Hiện nay, dư luận còn có cái nhìn khắt khe, thiếu thiện cảm với người nghiện ma túy, kể cả khi họ đã đi cai nghiện xong. Điều này làm học viên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Là người thầy, tôi rất mong xã hội sẽ hiểu, thông cảm và hỗ trợ người nghiện ma túy có cơ hội làm lại cuộc đời.

Xin ông cho biết phương hướng trong thời gian tới của Cơ sở?

Ông Vũ Thành Phương: Trong thời gian tới, được sự chỉ đạo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương đang có chương trình dự kiến xây dựng thành một cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng. Bên cạnh các chức năng đang thực hiện là; tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc cho người nghiện ma túy bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án; Tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện cho người nghiện ma túy có nguyện vọng vào Cơ sở cai nghiện thì Cơ sở sẽ thực hiện thêm các chức năng như; Tiếp nhận đối tượng không có nơi cư trú ổn định, trong thời gian lập hồ sơ đề nghị tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Quản lý người nghiện ma túy sau cai nghiện tại Cơ sở; Điều trị bằng thuốc thay thế; Tư vấn, điều trị, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy và cộng đồng.

Cơ sở cũng sẽ tiếp tục duy trì và phát huy mặt tích cực. Đẩy mạnh công tác giáo dục hành vi nhân cách, phòng chống tái nghiện. Công tác tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học viên điều trị cai nghiện ma túy nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện.

 

Top