Sẽ kết thúc dịch AIDS nếu đầu tư sáng suốt

26/09/2014 10:44

Việt Nam có thể “Kết thúc đại dịch AIDS” nếu đầu tư sáng suốt. Do đó nên chú trọng ưu tiên, đầu tư ở đâu, cho ai, như thế nào để đạt được tác động lớn nhất.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long (phải). Ảnh Thùy Chi

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, theo TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nên tiếp cận đầu tư theo 4 bước để đạt hiệu quả cao. Đó là: Hiểu dịch (hiểu các ưu tiên trong đáp ứng với dịch); Thiết kế (chú trọng vào các ưu tiên); Thực hiện (mở rộng can thiệp đúng cách và ở mức cần thiết); Duy trì bền vững (duy trì bền vững để tạo tác động).

Trước tiên, cần xem xét, phân tích, đánh giá tình hình dịch trong nước và các thực hành tốt trên thế giới. Từ đó, thiết kế các tình huống đầu tư trong tương lai. Chẳng hạn như, mô hình hóa dịch AIDS (AEM), ước tính tác động của các chính sách và mức độ đề xuất về độ bao phủ của các chương trình can thiệp cũng như mức đầu tư cần có; xây dựng một mô hình cơ sở và 23 kịch bản đầu tư theo 6 nhóm gồm “kịch bản xấu” và 5 kịch bản mở rộng các chương trình can thiệp.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, “kịch bản xấu” ở đây có thể là, do không đầu tư cho phòng, chống AIDS, dịch HIV sẽ bị bùng phát, số người nhiễm HIV mới hàng năm sẽ tăng lên đến hơn 20.000 ca vào năm 2030. Số người nhiễm HIV tăng sẽ làm tăng các chi phí về điều trị, dẫn đến kinh phí cần có để duy trì ART ở mức hiện tại sẽ tăng lên đến mức bằng nguồn lực cần đầu tư theo kịch bản cơ sở vào năm 2013.

Trong trường hợp này, 5 kịch bản mở rộng bao gồm: điều trị để dự phòng (TasP); thực hiện được một nửa mục tiêu quốc gia và TasP; thực hiện được mục tiêu quốc gia và TasP; thực hiện được nửa mục tiêu quốc gia, TasP và CD4/500; “kết thúc dịch AIDS”. Trong đó, bao gồm các khoản mục điều trị, dự phòng và đầu tư trung bình hàng năm.

Ở kịch bản “kết thúc đại dịch”, nếu điều trị cho 80% tổng số người nhiễm HIV, dự phòng 65% bơm kim tiêm, 35% cho methadone và dự phòng tích cực cho 80% bạn tình thì chúng ta sẽ cần đầu tư khoảng 92% triệu USD hàng năm. Khi đó, số nhiễm mới sẽ giảm xuống dưới 1.000 ca/năm vào năm 2030 và HIV sẽ không còn là mối nguy lớn cho cộng đồng.

Ở bước thực hiện, cần tối ưu hóa đáp ứng với dịch HIV/AIDS để thực hiện các mục tiêu quốc gia. TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, Việt Nam có thể “Kết thúc đại dịch AIDS” nếu đầu tư sáng suốt, do đó nên chú trọng ưu tiên, đầu tư ở đâu, cho ai, như thế nào để đạt được tác động lớn nhất.

Bên cạnh đó, ưu tiên các hoạt động để tăng hiệu quả, hiệu suất của chương trình phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới đạt được các mục tiêu 90. 90. 90 (90% người nhiễm HIV phải được biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng vi rút thấp<1000 HIV/ml máu).

Cụ thể, ưu tiên mở rộng đến mức tạo ra tác động trên dịch đối với các can thiệp giảm hại toàn diện và dựa trên bằng chứng cho các nhóm nguy cơ cao; ưu tiên mở rộng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV, điều trị ARV, đặc biệt là điều trị để dự phòng cho các nhóm nguy cơ cao; cung ứng đầy đủ các loại thuốc ARV và thuốc Methadone; tập trung can thiệp cho những nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV ở địa bàn trọng điểm HIV/AIDS; tăng cường lồng ghép và phân cấp các hệ thống cung cấp dịch vụ về HIV, bao gồm tăng cường năng lực của hệ thống y tế.

Ngoài ra, đặc biệt chú trọng đến mục tiêu để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là tăng cường đầu tư trong nước từ ngân sách quốc gia của trung ương, ngân sách địa phương đối với các tỉnh có nguồn thu lớn và đẩy mạnh vai trò của bảo hiểm y tế, hướng tới chi trả cho người điều trị ARV, nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm, hỗ trợ về dinh dưỡng và đi lại cho bệnh nhân nghèo.

Đối với các nhà tài trợ, tổ chức nước ngoài, cần kéo dài quá trình chuyển giao cho đến khi nguồn lực trong nước cáng đáng được kinh phí của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, trong các kịch bản đã nêu trên, Việt Nam lựa chọn hướng tới “kết thúc đại dịch AIDS”, bởi không một quốc gia nào tránh được bệnh AIDS, vì vậy phòng, chống HIV/AIDS là việc phải làm. Đầu tư ngay bây giờ khi dịch còn tập trung sẽ tốn ít hơn và hiệu quả hơn về chi phí so với đầu tư sau này. Nếu đầu tư ngay bây giờ sẽ rất hiệu quả về chi phí, vừa cứu nhiều sinh mạng, vừa tiết kiệm chi phí và đống góp được nhiều cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Top