Quan niệm mại dâm của giới trẻ ngày càng “thoáng”?

26/08/2015 09:41

Trong những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về việc các cơ quan chức năng phát hiện một số nữ sinh viên hoạt động bán dâm hoặc tham gia vào các “ổ” karaoke thác loạn. Trên các trang báo hàng ngày cũng không ít thông tin sinh viên phạm tội, sinh viên bán dâm. Mới đây, vụ 2 nữ sinh viên múa thoát y trong một quán karaoke ở Hà Nội cũng đã gây phản cảm cho dư luận. Nhưng đối với nhiều bạn trẻ, đây là hành vi bình thường trong xã hội. Phải chăng quan niệm về mại dâm của giới trẻ ngày càng “thoáng” hơn?

GS.TS Lê Thị Quý

Phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có buổi trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, chủ nhiệm Bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Thăng Long Hà Nội, xung quanh vấn đề này.

Những sự việc nêu trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về lối sống “thoáng” của giới trẻ hiện nay. Dưới góc độ là một chuyên gia nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực mại dâm ở Việt Nam, bà có nhận định gì về vấn đề này?

GS.TS Lê Thị Quý: Mại dâm là một vấn đề xã hội hết sức phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Chính phủ các nước đang rất lúng túng để giải quyết vấn đề mại dâm sao cho vừa “đạt” về mặt pháp luật, lại “đạt” về mặt văn hoá xã hội. Ngoài một số nước cho mại dâm là hợp pháp như Hà Lan, Đan Mạch, hầu như các nước đều coi mại dâm là bất hợp pháp nhưng đành thừa nhận về mặt xã hội.

Mại dâm tại Việt Nam đã biến tướng hết sức phức tạp và đa dạng. Đặc biệt là đã xuất hiện nhóm đối tượng được coi là “có học và sang trọng” cũng đi bán dâm, trong đó phải kể đến những người mẫu, hoa hậu và những nữ sinh mới bị phát giác trong thời gian gần đây. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về mại dâm. Đó là, về phía người bán, mại dâm không phải là chỉ của những người nghèo cùng đường phải kiếm sống như một số người vẫn nói mà còn của cả những kẻ thừa tiền nhưng ăn chơi sa đọa, bất chấp hậu quả mà họ gây ra cho gia đình và xã hội; Về phía người mua, mại dâm không chỉ để giải quyết nhu cầu tình dục cho một số người như nhiều người đã ngụy biện mà còn phục vụ cho những kẻ ăn chơi đàng điếm, và trong số họ có không ít người là cán bộ nhà nước lấy cắp tiền của nhà nước và nhân dân.  

Nếu như trước đây, chuyện sinh viên vi phạm pháp luật luôn làm dư luận giật mình vì đó là chuyện hiếm khi xảy ra thì bây giờ có vẻ như chuyện sinh viên đi khách, làm gái gọi đã trở thành chuyện bình thường. Điều đó cho thấy đây đang là vấn đề xã hội đáng báo động. Chúng ta nghĩ gì khi nhìn thấy rất nhiều những ông bố, bà mẹ già nua, khắc khổ, làm lụng vất vả, hy sinh cho con em mình được học, được hưởng nền giáo dục tiên tiến, được dạy đạo đức làm người để trở thành những “Trí thức” của đất nước. Họ sẽ thất vọng biết bao khi được biết rằng: con em họ đang lừa dối họ, đã và đang trở thành gái/trai bán dâm. Những sinh viên này chắc chắn không thể trở thành những trí thức giỏi chuyên môn, đạo đức hoàn hảo và đáng tin cậy mà xã hội đang mong đợi. Mại dâm sẽ giúp các em có tiền nhưng các em sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời các em và gia đình các em sau này.

Hiện nay, một nhóm bộ phận sinh viên, học sinh cũng nằm trong Top thích đua đòi, ham chơi. Có thể các em được cha mẹ nuôi ăn học, cho tiền đóng học phí đầy đủ, nhưng vẫn so sánh mình với những bạn sinh viên khác giàu có hơn, rồi nghĩ rằng mình lén lút làm những việc đó thì không ai biết được, mà lại kiếm được nhiều tiền, để mua sắm, ăn diện... Theo tôi, thực ra những nữ sinh này kiếm tiền thông qua hình thức múa thoát y, hay bán dâm là để đua đòi chứ không phải để trang trải cuộc sống. Nếu một con người chân chính thì sẽ vì sự nghiệp, cố gắng học hành, lấy kiến thức của mình để kiếm sống chứ không phải là lấy thân xác để làm trò vui cho kẻ khác. Đây là một nguyên tắc sống.

Vậy tại sao một số nữ sinh, những người được coi là “tri thức trẻ” lại có thể sa chân vào con đường tội lỗi, bán rẻ nhân phẩm của mình một cách liều lĩnh như vậy? Phải chăng điều này được du nhập ở một số nước Phương Tây?

GS.TS Lê Thị Quý: Đây có thể là lối sống “thoáng” được du nhập từ một số nước Phương Tây, và thậm chí ngay cả từ miền Nam trước năm 1975 du nhập ra miền Bắc bởi lẽ thời kỳ từ 1954-1975, miền Bắc đã gần như giải quyết được vấn đề mại dâm. Thế hệ chúng tôi là học sinh, sinh viên trong chiến tranh chống Mỹ, mặc dù rất đói, nghèo nhưng không ai có chí hướng trở thành gái bán dâm vì chúng tôi được giáo dục cẩn thận, chúng tôi tôn trọng phẩm giá con người, còn bây giờ… thật không sao hiểu nổi. Có lẽ một phần vì các em đang bị kích động vì những nhận thức lệch lạc về quyền con người, về nhu cầu tình dục mà không biết rằng chẳng nhà quản lý nào hoặc kẻ được thỏa mãn nhu cầu tình dục chịu trách nhiệm cho việc các em mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm bệnh theo đường tình dục, HIV/AIDS, bị chồng hoặc người yêu ruồng bỏ khi biết sự thật, bị cha mẹ, người thân xa lánh, kỳ thị . Đấy là chưa kể nhiều em còn quá trẻ chưa có đầy đủ những kiến thức về tình dục.

Không ít những gái mại dâm sinh viên ban đầu “bước vào nghề” với ý nghĩ chỉ làm một thời gian ngắn rồi thôi, thậm chí chỉ một lần để kiếm một khoản tiền nhất định mà mình đang cần gấp. Đấy chỉ là trò ngụy biện vì các em không thể cưỡng được sức hút của đồng tiền nên dần dần các em sẽ coi đó như là kế sinh nhai, đồng thời để thỏa mãn lối ăn chơi đàng điếm, bất cần đời. Và số phận của những “tri thức trẻ” này sẽ bước sang một con đường khác.

Với tư cách là một chuyên gia xã hội học, bà đánh giá thế nào về hậu quả của những sự việc như thế này đối với chính những nữ sinh “bán dâm” và đối với toàn xã hội?


GS.TS Lê Thị Quý: Quả thực, thiệt thòi nhất vẫn là những cô gái, những nữ sinh viên vì sau khi xảy ra các sự việc thì sẽ bị cả xã hội “ném đá”. Bản thân những sinh viên này đã lừa dối bố mẹ, bạn bè và người thân thì khi bị phát hiện sẽ bị nhục nhã, xấu hổ, và cuộc sống sẽ không mấy hạnh phúc.

Một số sinh viên đã không lường trước được hậu quả của mình. Theo tôi, các sinh viên này có thể múa thoát y, có thể bán dâm, kiếm tiền bằng thân xác thì sẽ có suy nghĩ về cuộc đời khác hẳn những sinh viên khác. Chẳng hạn, từ việc bán dâm như thế này, các cô gái sẽ nhìn người yêu, nhìn gia đình tương lai của mình bằng con mắt khác. Các cô sẽ coi rẻ giá trị tình dục, coi nặng giá trị đồng tiền, coi rẻ tình yêu, coi tình yêu không là gì cả, bởi các cô đã chai sạn tất cả các chuyện đó, mặc dù là người có ăn học, có bằng cấp.

Sinh viên là nền tảng “tri thức” của xã hội mà đã tự nguyện sa chân vào “vũng bùn” này thì xã hội không còn nền tảng nữa, dẫn đến băng hoại xã hội.

Vậy bà có lời khuyên nào giúp các sinh viên tìm ra lối thoát sau khi đã lao vào con đường mại dâm?

GS.TS Lê Thị Quý: Theo tôi, các nữ sinh nói riêng và những phụ nữ bán dâm nói chung nên nhớ, không nên coi tiền là mục đích sống, mà chỉ nên coi tiền là phương tiện để sống. Nếu coi tiền là mục đích sống thì người ta sẽ hy sinh tất cả để có nó, như vậy dễ sa chân vào con đường tội lỗi.

Sinh viên là người có tri thức, nghĩa là phải có trách nhiệm cao với gia đình, xã hội và bản thân mình. Họ là đại diện, là tiên phong cho xã hội, đưa xã hội phát triển lành mạnh, văn minh. Nếu họ góp phần làm xã hội “đục” như vậy thì không xứng danh là người có học, có tri thức. Do đó, các em nên tìm những việc làm chân chính, dù ít thu nhập hơn để làm thêm, hãy kiếm tiền bằng trí tuệ hoặc lao động tay chân để sau này không hối hận. Những nữ /nam học sinh đã tham gia bán dâm, thì nên dừng lại trước khi quá muộn.

Từ sự việc một số nữ sinh kiếm tiền bằng hình thức múa thoát y, cho thấy ngày càng xuất hiện nhiều hình thức biến tướng của mại dâm, vậy phải chăng phương pháp xử lý mại dâm ở nước ta chưa phù hợp? Theo bà, liệu có thể “xóa” hoàn toàn nạn mại dâm trong đời sống?

GS.TS Lê Thị Quý: Hiện nay, phương pháp xử lý mại dâm của chúng ta là chưa thích hợp, chúng ta chỉ trừng phạt gái mại dâm mà chúng ta chưa xử lý mạnh tay với khách làng chơi. Theo tôi, muốn hạn chế mại dâm, chúng ta phải thay đổi phương pháp, cần phải trừng trị những khách làng chơi.

Trên thế giới, Hà Lan là một nước cho hợp pháp hóa mại dâm nhưng lại xử phạt khách làng chơi rất quyết liệt.

Ở nước ta, đối với những “tú bà”, người môi giới mại dâm đã có những biện pháp trừng trị nặng, thì  đối với những người mua dâm, những cô gái có danh tiếng, giàu có mà bán dâm cũng cần dùng biện pháp mạnh hơn, như thế thì mới hạn chế được tệ nạn này. Còn công khai hoặc khoanh vùng quản lý là ước mơ của một số người trong khi họ không có điều kiện và năng lực đầy đủ thì ai sẽ chịu trách nhiệm nếu không quản lý được?
      
Việc xóa hoàn toàn mại dâm trong đời sống, chắc chắn còn xa lắm, tạm thời cứ “sống chung với lũ” đã và phải tìm cách giảm nhẹ nó đi, bằng cách phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững để giải quyết việc làm cho thanh niên. Cần có các chính sách và hoạt động cứu trợ xã hội kịp thời với người nghèo, người gặp rủi ro do thiên tai và các tai nạn khác.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông cho mọi người biết trân trọng đạo đức xã hội, trách nhiệm công dân. Đó là những điều vô giá mà chỉ có xã hội con người mới có. Đây là một việc khó và lâu dài nhưng phù hợp với mục tiêu phát triển của mọi quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn bà!
Top