“Phụ nữ có quyền để không bị quấy rối tình dục”

15/01/2015 14:16

Quấy rối tình dục là thực trạng khá phổ biến nhưng ít được quan tâm vì tình dục vẫn là chủ đề nhạy cảm. Nhiều phụ nữ là nạn nhân của quấy rối tình dục mà không dám lên tiếng vì ngại xấu hổ và sợ bị đánh giá.

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vấn đề này, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, quấy rối tình dục đang là vấn nạn và phụ nữ có quyền để không bị quấy rối tình dục.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Ảnh Thùy Chi

Thưa Tiến sĩ, xin bà cho biết về thực trạng quấy rối tình dục hiện nay?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Tôi đã nghiên cứu về vấn đề quấy rối tình dục ở nơi làm việc, trường học và các địa điểm công cộng tại Hà Nội và TP.HCM từ năm 1999. Có thể khẳng định quấy rối tình dục là một vấn nạn, không người phụ nữ nào lại không trải qua ít nhất một lần trong đời bị quấy rối tình dục, không ở nơi này thì ở nơi khác.

Quấy rối tình dục có thể chỉ là những ánh mắt thô bỉ, những lời lẽ tán tỉnh nhưng cũng có thể là những hành động sàm sỡ, xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể và danh dự của nạn nhân. Có những phụ nữ đã phải chuyển nơi làm việc nhiều lần, có cháu học sinh sợ không dám đến trường hoặc không dám đi một mình ở nơi công cộng. Điều đáng nói là nạn nhân của quấy rối tình dục thường không được bảo vệ, bênh vực mà trái lại thường bị nghi ngờ, chê trách bởi bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ và những người xung quanh.

Những phụ nữ bị quấy rối tình dục tại công sở có thể bị đồng nghiệp nghi ngờ, đố kỵ, chồng con ghen tuông. Các cháu gái bị quấy rối tình dục ở trường học hoặc nơi công cộng có thể bị cha mẹ rầy la cho là có hành vi gây sự chú ý của kẻ xấu hoặc sau đó sẽ bị cấm đoán hạn chế ra khỏi nhà. Hay những trường hợp quấy rối tình dục nơi công cộng, trên xe buýt … Tuy nhiên, một nghịch lý xảy ra là sự trừng phạt không giành cho thủ phạm của quấy rối tình dục mà lại giành cho nạn nhân .

Quan niệm truyền thống "trọng nam khinh nữ" chính là cội nguồn của vấn nạn này. Câu tục ngữ Việt Nam “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” đã bao biện cho hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ từ bao đời nay. Xã hội ta coi việc đàn ông chọc ghẹo và sàm sỡ phụ nữ là tự nhiên.

Chính vì vậy, rất nhiều người đàn ông cho mình quyền được nghiễm nhiên quấy rối chị em mà không bị lên án. Còn phụ nữ thì chỉ biết chịu đựng câm lặng vì thường không được bênh vực.

Tiến sĩ có ý kiến gì về việc Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo Tổng Công ty vận tải Hà Nội nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ để tránh quấy rối tình dục?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ nhiều phụ nữ sẽ rất cảm động và đánh giá cao sự quan tâm của UBND thành phố Hà Nội, cá nhân Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng và Tổng công ty Vận tải Hà Nội về việc nghiên cứu thí điểm một tuyến xe buýt giành riêng cho phụ nữ để tránh quấy rối tình dục. Thực ra vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng không phải là mới nhưng mãi cho đến gần đây mới được chính thức nêu lên qua nghiên cứu của CGFED, Plan Quốc tế và Actionaid.

Điều làm tôi vui mừng và xúc động là ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng vấn nạn này,  Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan đã có những động thái rất rõ ràng và quyết liệt để giải quyết.

Tuy nhiên, theo tôi phụ nữ không đòi hỏi được ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi, phụ nữ chỉ muốn được tôn trọng và được bình đẳng với nam giới trong mọi khía cạnh của cuộc sống, kể cả trong tham gia giao thông. Phụ nữ không đối đầu với nam giới, cũng không muốn tách biệt với nam giới, mà chỉ muốn được an toàn để sánh vai cùng nam giới tham gia mọi hoạt động xã hội một cách tự tin, chủ động.

Vì vậy, việc có một tuyến xe buýt giành riêng cho phụ nữ vô hình chung có thể tạo ra khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới một cách không cần thiết, tạo thêm gánh nặng về chi phí và quản lý cho toàn xã hội.

Theo Tiến sĩ, nếu không thực hiện phương án thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ thì cần phải có những giải pháp nào để có thể ngăn chặn được tình trạng quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Thay vì tổ chức một tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ, nên chăng Tổng công ty Vận tải Hà Nội nên nghiên cứu một số giải pháp như lắp đặt camera và đường dây nóng trên các phương tiện giao thông công cộng kể cả xe buýt, tàu hoả...

Bên cạnh đó, thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận, tư vấn và xử lý vụ việc khi có nạn nhân bị quấy rối tình dục liên hệ. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe, phụ xe để họ can thiệp kịp thời khi hiện tượng quấy rối tình dục xảy ra trên phương tiện của mình phụ trách.

Hoặc chúng ta cũng có thể có các giải pháp khác như treo, kẻ các thông điệp trên xe như "Quấy rối tình dục là một hình thức bạo lực đối với phụ nữ. Hành động này sẽ được camera ghi lại. Nếu bạn là nạn nhân hoặc chứng kiến hiện tượng này, hãy gọi đến số …" hoặc “Xe buýt phải là môi trường thân thiện và an toàn cho tất cả mọi người”…

Tôi đã từng đi nghiên cứu, khảo sát tại một số nước về việc chống quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng. Kinh nghiệm cho thấy, một số nước có phương tiện đi lại phổ biến là tàu hoả, tàu điện thì có toa dành riêng cho phụ nữ hoặc có cửa lên xe, tàu giành riêng cho phụ nữ. Nhưng cách này cũng không thuận tiện lắm cho những trường hợp như mẹ và con trai, bố và con gái hay vợ chồng đi cùng nhau.

Ngoài ra, ở nhiều nước còn có những quy định cụ thể ở những nơi công cộng, trên xe ô tô hoặc tàu thường có các thông điệp cảnh báo về nạn quấy rối tình dục. Có nơi còn có thông điệp mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như quấy rối tình dục là tội hình sự… để giảm thiểu vấn nạn này. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng này vẫn là giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức của mỗi con người.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Top