Phòng, chống mại dâm: Cần giáo dục về nhân phẩm con người

28/07/2014 07:56

UBND TP Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm, xung quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH QGHN về vấn đề này nói riêng và nạn mại dâm tại Việt Nam nói chung.

Là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về mại dâm ở Việt Nam, GS Lê Thị Quý cho biết, mại dâm là một vấn đề xã hội hết sức phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Chính phủ các nước đang rất lúng túng để giải quyết vấn đề mại dâm sao cho vừa “đạt” về mặt pháp luật lại “đạt” về mặt văn hoá xã hội. Ngoài một số nước cho mại dâm là hợp pháp như Hà Lan, Đan Mạch, hầu như các nước đều coi mại dâm là bất hợp pháp nhưng đành thừa nhận về mặt xã hội.

GS Lê Thị Quý. Ảnh: VGP

“Vì bản thân mại dâm nếu phát triển quá rộng rãi thì vi phạm đạo đức con người, khiến con người dần trở về với bản năng và khiến nhiều gia đình tan vỡ”, GS Lê Thị Quý nói.

Theo GS Lê Thị Quý, mại dâm tại Việt Nam đã biến tướng hết sức phức tạp và đa dạng. Đặc biệt là đã xuất hiện nhóm đối tượng được coi là “có học và sang trọng” cũng đi bán dâm, trong đó phải kể đến những người mẫu, diễn viên, hoa hậu mới bị phát giác trong thời gian gần đây.

GS.TS Lê Thị Qúy nói: “mại dâm một cách đúng nghĩa là dịch vụ dành cho một nhóm đối tượng nhằm giúp họ thỏa mãn và giải quyết nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, nhóm người này trong xã hội không nhiều. Những người mua dâm hiện nay phần nhiều là do ăn chơi, sa đoạ, suy đồi về mặt nhận thức, tình cảm".

Chính vì vậy, GS Lê Thị Quý cho rằng, Việt Nam không thể chấp nhận tính hợp pháp của mại dâm như một nghề cũng như khó có thể quy hoạch các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm vào một khu vực được coi là “đèn đỏ”.

Lý do thứ nhất, theo GS.TS Lê Thị Qúy thì tình dục là một nhu cầu lành mạnh của con người và là hoạt động vừa mang tính sinh học vừa mang tính tình cảm. Khi con người có sự hòa hợp về tinh thần, tình cảm, cảm xúc thì việc đó sẽ làm tăng giá trị khiến người ta nhớ mãi và coi đó là hạnh phúc. Ngược lại, khi mua dâm, người ta bỏ tiền ra để giải quyết nhu cầu sinh lý mà hầu như không tính đến các yếu tố tình cảm của đối tác, thậm chí có một số người đã coi đó là thói quen, là sự cầu may bất chấp hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ hai, về mặt kinh tế, nhiều người muốn thu thuế từ mại dâm, tuy nhiên kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy, số tiền chính phủ bỏ ra để phòng, chống lây truyền HIV qua đường tình dục còn cao hơn gấp nhiều lần số tiền thu về từ ngành công nghiệp tình dục. Ngành công nghiệp tình dục Thái Lan nổi tiếng cả thế giới, nhưng tại nước này, mại dâm vẫn bị coi là bất hợp pháp.

Thứ ba, ngay ở các nước đã hợp pháp hóa mại dâm thì nghề mại dâm vẫn là một nghề bị xã hội khinh miệt. Tại Hà Lan, những người hành nghề mại dâm chủ yếu là công dân của các nước Đông Âu là nạn nhân của tội phạm buôn bán người, chứ hầu như rất ít cô gái Hà Lan làm nghề này.

Thực tế cho thấy, mại dâm gắn nhiều với hiện tượng nghèo cả về kinh tế và văn hóa. Một số người không có khả năng kiếm được việc làm nên đi làm mại dâm.

“Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Nhà nước hợp pháp hóa mại dâm? Một số người sẽ cho rằng mại dâm là việc nên làm vì Nhà nước đã công nhận và họ có quyền chính đáng để tham gia. Ai sẽ cản trở họ khi con số là quá với quy định của nhà quản lý? Các tiêu chuẩn ưu tiên nào cho những loại người nào được làm ?” GS Lê Thị Quý đặt câu hỏi.

Thứ tư, về văn hóa, xã hội, nếu chúng ta công khai mại dâm tức là đem một sai lệch chuẩn mực xã hội thành một chuẩn mực để người dân có thể chọn học theo, khiến cái tốt và cái xấu lẫn lộn.

Thứ năm, về mặt gia đình thì mại dâm làm tan nát nhiều gia đình. Sự nghi ngờ lẫn nhau giữa vợ và chồng sẽ là liều thuốc độc làm xói mòn và giết chết hạnh phúc gia đình.

Còn về việc quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, GS Lê Thị Quý cho rằng, khó để có thể kiểm soát được những khu như vậy do trình độ quản lý của chúng ta hiện nay chưa cao.

“Phải giải quyết tận gốc, đó là phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững để giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là nữ thanh niên, không để họ phải ở trong những bước đường cùng buộc phải làm mại dâm. Đây là một việc khó và lâu dài nhưng phù hợp với mục tiêu phát triển của mọi quốc gia. Để cho mại dâm phát triển là lỗi của toàn xã hội”, GS Lê Thị Quý nói.

Cần có các chính sách và hoạt động cứu trợ xã hội kịp thời với các trường hợp người nghèo, người gặp rủi ro, thiên tai và các tai nạn khác.

Việc công khai danh tính của khách làng chơi, GS Lê Thị Quý cho rằng, vào thời điểm này nêu ra chưa thật thích hợp. Đây là một vấn đề rất quan trọng, cần có thêm nhiều nghiên cứu hoặc hội thảo khoa học mới có thể quyết định được.

Quan trọng nhất, theo GS Lê Thị Quý, cần giáo dục cho thanh niên và xã hội tìm những việc làm lương thiện, về những giá trị cao đẹp của cuộc sống, giá trị của nhân phẩm con người, về tình dục an toàn và có văn hoá.

Top