‘Phần thưởng’ cho những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt

08/04/2021 19:02

(Chinhphu.vn) - Việc cấp thuốc Methadone cho bệnh nhân mang về sử dụng còn được coi là “phần thưởng” cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt và giúp những người bệnh khác phấn đấu thay đổi hành vi tích cực, và tuân thủ điều trị như là một trong các điều kiện để được mang thuốc Methadone về sử dụng.

Mô hình cấp phát thuốc Methdone nhiều ngày vừa được ngành Y tế khởi động thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Điện Biên và Lai Châu. Để làm rõ hơn về mô hình này, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông – Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có bài phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Ba tiêu chí để được tham gia thí điểm mô hình

Có nhiều địa phương cũng đang mong muốn được thực hiện mô hình mới cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày, xin ông cho biết tại sao Cục Phòng, chống HIV/AIDS lại lựa chọn 3 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Điện Biên và Lai Châu để thí điểm mô hình này?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Chúng tôi đã trao đổi, cân nhắc rất kỹ để lựa chọn ra 3 địa phương thực hiện mô hình thí điểm mới này. Sau khi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan, chúng tôi đưa ra 3 tiêu chí để lựa chọn.

Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là tỉnh/thành phố có sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai điều trị Methadone thời gian qua. Thứ hai, phải có văn bản đồng thuận tham gia của UBND tỉnh/thành. Thứ ba, là tỉnh có địa bàn đặc thù như miền núi, người bệnh phải đi lại xa hoặc đi làm ăn/công tác nên gặp khó khăn khi phải đến cơ sở y tế uống hằng ngày. Đồng thời là tỉnh có đa dạng về địa bàn (địa bàn miền núi khó khăn và có địa bàn đồng bằng đô thị).

Trên cơ sở đó, Điện Biên và Lai Châu được lựa chọn vì là 2 tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục km mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hầng ngày.

Tại 2 địa phương này, một số điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn. Đồng thời, đây cũng là 2 tỉnh rất tích cực, đã đạt được nhiều kết quả tốt trong việc triển khai điều trị Methadone trong những năm qua.

Đối với Hải Phòng, đây là một trong hai thành phố đầu tiên triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và đã có sự cam kết, ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong thành phố.

Hải Phòng cũng là thành phố có nhiều người nghiện sống ở các huyện đồng bằng và ven biển. Do đó, việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày thí điểm tại Hải Phòng sẽ giúp tích lũy những kinh nghiệm quý báu, là cơ sở để hỗ trợ cho việc mở rộng, triển khai mô hình này ra các thành phố lớn, các tỉnh đồng bằng trong tương lai.

Theo ông, mô hình mới này mang lại những ích lợi gì cho các bệnh nhân điều trị Methdone và ngành Y tế?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác điều trị Methdone hiện nay là tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị chiếm trên 50%, tập trung ở các tỉnh miền núi. Nguyên nhân là do người bệnh ở xa không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm.

Để giảm vấn đề bỏ trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà. Việc này giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn bảo đảm thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone.

Mặt khác, việc cấp thuốc Methadone cho bệnh nhân mang về sử dụng còn được coi là “phần thưởng” cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt và giúp những người bệnh khác phấn đấu thay đổi hành vi tích cực và tuân thủ điều trị như là một trong các điều kiện để được mang thuốc Methadone về sử dụng.

Bên cạnh đó, việc này cũng giúp giảm tải công việc của cán bộ y tế tại cơ sở điều trị Methadone. Người bệnh giảm số lần đến cơ sở y tế uống thuốc cũng đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng công việc cho cán bộ y tế và cơ sở y tế nhất là với các cơ sở y tế có nhiều người bệnh đến uống cùng lúc.

Cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như COVID-19. Dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.

Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về điều trị cũng là sự hòa nhập quốc tế khi Tổ chức Y tế Thế giới đã có khuyến cáo các quốc gia triển khai cho người bệnh mang thuốc về và hầu hết các quốc gia triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cũng đã triển khai cho người bệnh mang thuốc Methadone về.

Cần sử dụng “phần thưởng” đúng mục đích

Được biết, việc triển khai thí điểm mô hình này mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên cũng sẽ có rất nhiều nguy cơ, rủi ro cao, vậy ông có những khuyến cáo, lưu ý gì đối với những cán bộ y tế và những bệnh nhân được nhận những “phần thưởng” này?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Các bệnh nhân điều trị Methadone được lựa chọn để thí điểm điều trị cần sử dụng “phần thưởng” của mình đúng mục đích. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đã thí điểm mô hình này cho thấy có một số những nguy cơ, rủi ro cao.

Cụ thể, trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc: Đây là rủi ro nguy hiểm nhất đến sức khỏe và sự an toàn khi cho người bệnh mang Methadone về. Nếu người khác sử dụng nhầm thuốc, nhất là trẻ em có thể dẫn đến tử vong.

Để giảm thiểu rủi ro này các điều kiện để người bệnh được mang thuốc về cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể bao gồm: Người bệnh có nơi cư trú ổn định; không trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần; có nơi bảo quản thuốc an toàn như hòm, tủ đựng thuốc có khóa.

 Phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân tại Lai Châu. Ảnh: Thùy Chi

Ngoài ra, việc tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc cũng như ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc cùng các biện pháp giám sát và tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí khi người khác uống nhầm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.

Nguy cơ khác là tình trạng mua, bán, trao đổi, đánh cắp Methadone. Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone về uống thiếu sự giám sát của cán bộ y tế có thể dẫn đến rủi ro trong chia sẻ, mua bán, trao đổi Methadone. Có những quốc gia báo cáo thậm chí có tình trạng Methadone bị đánh cắp bởi người nghiện khác.

Để giảm thiểu rủi ro ngay từ khi sàng lọc người bệnh được mang thuốc về đã có những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến tuân thủ điều trị, tuân thủ nội quy cơ sở điều trị; điều kiện bảo quản thuốc, các biện pháp hủy vĩnh viễn việc mang thuốc Methadone về sẽ được tư vấn trước, trong quá trình điều trị nếu người bệnh vi phạm nguyên tắc này, đồng thời các biện pháp giám sát kiểm tra, thu hồi vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng…sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.

Một nguy cơ khác là người bệnh tích trữ và cố tình dùng quá liều hoặc không đúng liều cho bản thân người bệnh. Kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai cho người bệnh mang thuốc Methadone về cho thấy, một số người bệnh tích trữ Methadone để sử dụng sai mục đích như dùng liều cao hơn hoặc chia liều ra nhiều lần trong ngày. Việc này cũng có thể gây ngộ độc cho người bệnh hoặc không đạt được mục đích điều trị.

Để giảm thiểu rủi ro này biện pháp tăng cường tư vấn cho người bệnh tuân thủ điều trị, các rủi ro do không tuân thủ điều trị, giảm số liều mang về, hủy việc mang thuốc về cho những người bệnh không tuân thủ tốt và tổ chức các biện pháp giám sát chặt chẽ thông qua giám sát trực tiếp, yêu cầu người bệnh mang vỏ lọ thuốc đã sử dụng về và mang các lọ thuốc chưa sử dụng về cơ sở điều trị đối chiếu, kiểm tra…sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, sử dụng Methadone kết hợp với các thuốc khác, đặc biệt là nhóm thuốc an dịu như Benzodiazepines hoặc rượu và ma túy khác cũng có thể nguy hiểm cho người bệnh. Để giảm thiểu rủi ro này biện pháp tăng cường tư vấn cho người bệnh về sự nguy hiểm khi việc sử dụng kết hợp thuốc, rượu, các loại ma túy khác thì việc sàng lọc người bệnh có tiền sử tuân thủ tốt, giám sát nước tiểu ngẫu nhiên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

Do sự thiếu hiểu biết, một số một số người bệnh cho rằng, sử dụng thuốc Methadone để tiêm có thể tạo ra sự phê sướng. Thực tế cho thấy, nếu sử dụng thuốc Methadone đường tiêm sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc Methadone dạng sirô và quá liều. Đồng thời, còn có thể gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc đường máu do vệ sinh không bảo đảm.

Để giảm thiểu rủi ro này, biện pháp tư vấn cho người bệnh về sự nguy hiểm khi dùng đường tiêm, in nhãn phụ trên vỏ lọ thuốc và trên bìa sổ đem thuốc Methadone về của người bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát kiểm tra sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác đã triển khai, ông có kỳ vọng gì vào mô hình mới này khi áp dụng tại Việt Nam?

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai mô hình này như Mỹ, Úc, NewZeland, Thái Lan, Trung Quốc, Myanma, Singapore, Malaysia, Indonesia...  Các quốc gia này đang áp dụng theo khung hướng dẫn chung của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia, mỗi nước có những quy định cụ thể riêng.

Nhìn chung, người bệnh muốn được nhận thuốc Methadone mang về đều phải được sàng lọc trước. Hầu hết các nước đều có tiêu chí này như Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Canada, Afganistan... Điều kiện để người bệnh mang thuốc về có thể khác nhau nhưng cơ bản vẫn phải trên tinh thần tự nguyện, là người bệnh tuân thủ điều trị tốt. Một số nước đặt tiêu chuẩn người bệnh phải tham gia điều trị ít nhất đủ 3 tháng mới được xem xét cho mang thuốc về. Với nhiều hình thức khác nhau, nhưng các bệnh nhân điều trị đều rất hài lòng với mô hình này.

Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn mô hình này giúp giảm thời gian đi lại, thời gian chờ đợi của bệnh nhân, để bệnh nhân có nhiều quỹ thời gian tập trung cho công việc, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh đó, mô hình sẽ giúp cải thiện sự hài lòng của người bệnh, gia đình và cộng đồng. Các lợi ích của việc cho người bệnh mang thuốc về sẽ không chỉ làm hài lòng người bệnh mà còn làm hài lòng gia đình người bệnh do người bệnh không mất nhiều thời gian đi uống thuốc, từ đó có thể tham gia giúp các công việc gia đình, hạn chế các tác động tiêu cực khác có thể xảy ra trong thời gian đi uống thuốc.

Mô hình mới này cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng và tuân thủ điều trị. Trong các trị liệu về tâm lý và hành vi cho những người nghiện chất nói chung, một trị liệu “thưởng cho hành vi tích cực” đã được các nước trên thế giới áp dụng đó là khi một người bệnh tuân thủ tốt các quy định hoặc khuyến cáo của thầy thuốc sẽ nhận được một “phần thưởng” nào đó nhằm khuyến khích họ tiếp tục tuân thủ các hành vi tích cực (như không sử dụng ma túy, tuân thủ các cuộc hẹn…).

Với việc cho người bệnh mang thuốc về khi người bệnh tuân thủ tốt điều trị người bệnh sẽ được tin tưởng và được mang số liều thuốc về nhiều hơn. Đó như một “phần thưởng” để người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn. Ngược lại nếu người bệnh “vi phạm” các quy định sẽ bị “phạt” bằng giảm số liều thuốc hoặc hủy việc được mang thuốc Methadone về.

Cùng với việc thưởng cho “hành vi tích cực” và các lợi ích khác mà khi triển khai cho người bệnh mang thuốc về sẽ nâng cao chất lượng và tăng sự duy trì người bệnh ở lại lâu dài với chương trình và tăng sự tuân thủ điều trị của người bệnh.

Nếu đề án này thành công có thể tiến tới việc cấp thuốc Methadone về cho người bệnh vào ngày cuối tuần hoặc các ngày lễ như một số quốc gia đang áp dụng. Từ đó các cơ sở y tế có điều kiện bố trí cán bộ y tế được nghỉ ngơi theo quy định, giảm căng thẳng do phải làm việc liên tục tất cả các ngày trong năm như hiện nay.

Ngoài ra, việc thí điểm cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về sử dụng nếu thành công sẽ mở ra cơ hội triển khai trên toàn quốc, đây cũng là mục đích chính của đề án thí điểm này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top